Kinh tế

Tăng kết nối để giảm chi phí logistics

Hiện nay, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong đó, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí logistics ở Việt Nam.

Xếp dỡ hàng tại ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch.
Xếp dỡ hàng tại ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch.

Do đó, muốn giảm chi phí logistics, vấn đề giảm được chi phí vận tải, tăng kết nối giữa các loại hình, phương thức vận tải cần được chú trọng.

* “Cõng” nhiều loại phí

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chuỗi giá trị ngành logistics Việt Nam được tính qua các hạng mục như: kho bãi, giao nhận hàng hóa, cảng biển, cảng hàng không, vận tải trong nước và quốc tế. Theo đó, trong chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm từ 51-59%.

Sự liên đới giữa chi phí vận tải đường bộ, các phụ phí tại cảng, các hạn chế về kết cấu hạ tầng, kiểm tra chuyên ngành và các phụ phí khác đã làm chi phí logistics của Việt Nam tăng cao. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký VLA, nhận định nếu các doanh nghiệp (DN) giải được bài toán “xe rỗng quay đầu”, hạn chế việc hàng hóa được vận chuyển một chiều thì chi phí về logistics sẽ được giảm.

Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan (TP.Biên Hòa), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho biết hiện công ty của ông có khoảng 20 đầu xe hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Trong thời gian qua, các chi phí về giá xăng dầu tăng, chi phí về giao thông, cơ sở hạ tầng còn cao trong khi lãi suất vay vốn cho lĩnh vực về dịch vụ logistics chưa có nhiều ưu đãi. Điều này tác động không nhỏ tới giá thành vận tải nói riêng và chi phí về logistics nói chung.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ đa số DN trong nước thường đảm nhận các công đoạn đơn giản, nhỏ lẻ như vận tải nội địa và giao nhận, chiếm giá trị khiêm tốn trong tổng số chuỗi giá trị của logistics trên thị trường.

Theo ông Hưng, “miếng bánh” dịch vụ logistics đang nằm trong tay các DN ngoại nên giá cả dịch vụ, như các loại phí và phụ thu từ các hãng tàu trong hoạt động xuất nhập khẩu thường do họ quyết định.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng kẹt xe và tắc nghẽn giao thông gây lãng phí thời gian chờ đợi thường xuyên trong vận tải, nhất là hệ thống đường bộ từ các cụm và khu công nghiệp ra các cảng biển thường xuyên xảy ra, trong khi mật độ giao thông và lưu lượng hàng hóa ngày càng cao cũng là nguyên nhân khiến cho chi phí về vận tải tăng. Bên cạnh đó, hệ thống các trạm thu phí dày đặc sẽ đội giá thành vận tải và tăng chi phí cho DN...

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ: “Hiện nay, các hợp đồng về xuất nhập khẩu của các chủ DN nhỏ thường được ký theo điều kiện giao hàng (FOB)  Free on Board nên doanh thu chỉ là giá hàng hóa chưa gia tăng doanh thu khác. Theo phương thức này, người bán có trách nhiệm chủ yếu trong việc vận chuyển hàng từ kho của mình ra cảng và làm thủ tục hải quan hàng xuất khẩu. Còn việc thuê tàu thì do bên đối tác chịu trách nhiệm. Điều này phần nào khiến DN khá bị động giao nhận hàng và chưa tối ưu lợi ích cước vận chuyển quốc tế hay giảm thiểu chi phí logistics.

* Cần tăng tính kết nối

Để giảm chi phí trong bài toán về logistics, các DN cần lưu ý tính liên kết, có những đánh giá, căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương về điều kiện phát triển, cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất, thương mại - dịch vụ...

Bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), chia sẻ: “Các DN trong lĩnh vực dịch vụ logistics nội địa cần có những chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn với đội ngũ nhân lực mạnh để cung cấp cho thị trường những sản phẩm, dịch vụ đảm bảo độ tin cậy, chất lượng, cạnh tranh được ngay trên “sân nhà” với các doanh nghiệp về logistics của nước ngoài, cũng như hướng tới mở rộng thị trường trong tương lai”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định thêm: “Các công ty nhỏ và vừa về logistics trên địa bàn tỉnh cần có sự kết nối, đa dạng các dịch vụ để cạnh tranh với các công ty về dịch vụ logistics ở TP.Hồ Chí Minh, cũng như những công ty nước ngoài; chủ động liên kết các hãng tàu, đại lý vận chuyển tiết kiệm, uy tín... Chủ DN cần lưu ý đàm phán hợp đồng, điều kiện giao hàng với giá CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí) để tiết kiệm chi phí. Với phương thức này, người bán hàng đưa hàng từ kho ra cảng, thủ tục hải quan hàng xuất và chịu chi phí thuê tàu, bảo hiểm hàng hóa đến cảng dỡ hàng”.

Vấn đề về quy hoạch các trung tâm logistics theo phân vùng, thành lập các trung tâm logistics phù hợp theo chức năng từ kho vận đến phân phối gắn với các cụm công nghiệp và trung tâm phân phối, các cảng cạn ICD cũng cần được chú trọng để tăng cường kết nối các trung tâm logistics...

“Đối với hệ thống cảng ở Đồng Nai, bên cạnh phát triển mạng lưới đường bộ, cần phát huy thế mạnh đường thủy, tăng cường kết nối với các cảng lớn trong khu vực để giảm chi phí vận chuyển... Hơn nữa, cơ quan chức năng cần rà soát lại những biển báo bố trí chưa hợp lý trên các tuyến đường để tránh việc làm chậm quá trình lưu thông hàng hóa; cũng như nâng cấp và mở các tuyến đường trong các cụm và khu công nghiệp để đẩy nhanh quá trình lưu chuyển hàng hóa được nhanh hơn” - ông Duy Hưng chia sẻ.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,477,558       7/925