Kinh tế

Chủ động tạo nghề cho người dân vùng dự án

Đầu tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư thuộc sân bay Long Thành.

Đầu tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều doanh nghiệp ở vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhu cầu tuyển dụng lao động khá đông. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, huyện Long Thành) sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô.
Nhiều doanh nghiệp ở vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhu cầu tuyển dụng lao động khá đông. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, huyện Long Thành) sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô.

Quyết định cho thấy tỉnh Đồng Nai đã sẵn sàng chủ động trong việc giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp ổn định cuộc sống theo nhu cầu.

* Phải an dân trước

UBND tỉnh xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng dự án là vấn đề quan trọng cho sự thành công của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát nắm thông tin và tham vấn ý kiến của người dân trong vùng quy hoạch dự án.

Tính toán việc làm không chỉ cho người dân trong vùng dự án vào làm công nhân tại các khu công nghiệp, mà còn cả nguồn lao động tại dự án. Những lao động đủ điều kiện và phù hợp với khả năng sẽ được ưu tiên giới thiệu vào làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quá trình xây dựng và khi đi vào hoạt động.

Theo thống kê của tỉnh, trên diện tích đất thu hồi 5 ngàn hécta (không tính diện tích khu tái định cư) cho dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hơn 4.800 hộ gia đình và 26 tổ chức. Tổng số nhân khẩu trong vùng dự án hơn 15.500 người, trong đó có khoảng 9.700 người trong độ tuổi lao động. Do đó, những vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề, bố trí việc làm và an sinh xã hội bảo đảm cho người dân trong vùng dự án sớm ổn định đời sống sau khi di dời về nơi ở mới là điều hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết huyện liên tục phải rà soát số lượng nhân khẩu trong vùng dự án để có báo cáo biến động kịp thời. Cũng theo lãnh đạo huyện Long Thành, người dân hiện khá tâm tư trong việc triển khai dự án chậm làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Ông Hưng cũng cho rằng việc đào tạo chuyển đổi nghề cho dân không hề dễ nên phải chủ động.

* Tính toán việc làm

Trong đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng nêu rõ về vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề. Cụ thể, đối với đối tượng tham gia đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng sẽ được hỗ trợ học phí cho 1 khóa đào tạo, trường hợp đang theo học được hỗ trợ học phí cho thời gian còn lại của khóa đào tạo kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Nhiều doanh nghiệp ở vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, huyện Long Thành) sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô
Nhiều doanh nghiệp ở vùng phụ cận Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, huyện Long Thành) sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô

Mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức trần học phí theo trình độ đào tạo đối với các cơ sở công lập; đối với người học trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại cho 1 khóa học. Mỗi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ học phí đào tạo và các khoản hỗ trợ theo quy định cho một khóa đào tạo nghề, thời gian lựa chọn và đăng ký học nghề không quá 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc phải di chuyển chỗ ở.

Cùng với đào tạo nghề thì vấn đề việc làm cho người dân trong vùng dự án cũng được tỉnh xem xét khá kỹ. Theo khảo sát của Sở Lao động - thương binh và xã hội, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch và 2 địa phương vùng lân cận dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là huyện Trảng Bom và TP.Biên Hòa, có nhu cầu tuyển dụng lao động giai đoạn 2018-2020 gần 230 ngàn người. Nhu cầu lao động tại huyện Long Thành từ năm 2018-2020 cần khoảng 57 ngàn lao động, huyện Nhơn Trạch trên 62 ngàn lao động, huyện Trảng Bom gần 28 ngàn lao động và TP.Biên Hòa gần 82 ngàn lao động.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, Sở đã thực hiện khảo sát về nhu cầu lao động ở các khu công nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn nhu cầu lao động còn cao. Ông Mai Văn Nhơn, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay các khu công nghiệp sát với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành như: Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Long Đức, An Phước thuộc huyện Long Thành và Khu công nghiệp Tam Phước thuộc TP.Biên Hòa vẫn tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào diện tích còn lại nhu cầu về lao động là rất lớn.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,449,839       9/990