Hợp tác xã (HTX) thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) được thành lập vào năm 2008 khi các địa phương rộ lên phong trào vận động thành lập HTX. Thời điểm đó, ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX Quyết Tiến nhận thấy tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu nông hộ rất kém hiệu quả nên đứng ra thành lập HTX để liên kết nông dân lại, hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất đến khâu thị trường.
Đây là đơn vị thuộc nhóm đầu các HTX làm ăn hiệu quả của tỉnh Đồng Nai, tiên phong đầu tư trồng và tự xuất khẩu được trái chuối vào thị trường khó tính là Hàn Quốc. HTX đang tiếp tục triển khai dự án cánh đồng lớn trồng bưởi da xanh cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ông Đồng cho rằng với những thách thức của thời hội nhập, các HTX chỉ có cách tự thay đổi mình để tồn tại và phát triển tốt hơn.
* Đối đầu với khó khăn
Theo ông, chọn khởi nghiệp với mô hình HTX dễ hay khó?
- Khi mới đi vào hoạt động, HTX khai thác về mảng dịch vụ, như: thu gom rác thải sinh hoạt, sản xuất cung cấp nước sạch, quản lý chợ... Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn. Cụ thể như với dịch vụ thu gom rác sinh hoạt vào thời điểm đó, đa số người dân nông thôn vẫn có thói quen đổ rác ra môi trường. Chúng tôi phải kiên trì vận động tạo thói quen đổ rác tập trung và bỏ tiền ra trả chi phí thu gom nguồn rác đó. Về dịch vụ cung cấp nước sạch, chúng tôi được bàn giao cho công trình cấp nước của Nhà nước đầu tư từ năm 2001 đã xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi phải bỏ hàng trăm triệu đồng cải tạo, đầu tư máy móc mới để trung tâm cấp nước đó hoạt động trở lại. Bắt tay vào làm với quá nhiều khó khăn, một số thành viên của HTX bỏ cuộc, tôi lại phải đi vận động thêm thành viên tham gia và chấp nhận bỏ vốn đầu tư.
Tôi vốn là người phụ trách trạm cung ứng vật tư nông nghiệp của một doanh nghiệp đóng tại huyện Cẩm Mỹ. Đi từ doanh nghiệp nên tôi không bắt tay vào xây dựng HTX với tâm lý trông chờ được đỡ đầu, hỗ trợ. Tôi luôn xác định rõ cần tổ chức HTX hoạt động như một doanh nghiệp. Và để cho bộ máy đó hoạt động thì cần phải có nguồn thu. Chính vì vậy, HTX cố gắng tạo lợi nhuận từ những dịch vụ đã mở...
Ai cũng cho rằng để tồn tại giữa thời kinh tế thị trường thì phải làm sao để HTX hoạt động năng động như một doanh nghiệp, nhưng liệu rằng điều này có quá khó khăn?
- Suốt năm đầu tiên, hoạt động của HTX hầu như huề vốn nên việc trả lương cho đội ngũ lãnh đạo HTX chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng chi tiền để thuê kế toán, xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, thu chi đều có chứng từ và minh bạch rõ ràng về tài chính vì biết đó là nền tảng để HTX tồn tại và phát triển lâu dài.
Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là điều cần quan tâm sâu sắc. Tôi luôn xác định rõ, HTX chỉ hoạt động tốt khi có đội ngũ con người giỏi. Chính vì vậy, từ khi mới thành lập đến nay, chúng tôi luôn tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực. Và mình phải trả giá xứng đáng để mua được nguồn chất xám đó. Tôi tự hào Quyết Tiến hiện là một trong những HTX đang trả lương khá cao cho người lao động với thu nhập bình quân cho người lao động từ 6-7 triệu đồng/tháng. Hiện lực lượng lao động thời vụ ổn định của HTX khoảng 100 người, lao động thời vụ vào mùa cao điểm có khi lên đến gần 300 người.
Theo ông, làm thế nào để đào tạo và xây dựng được nguồn nhân lực mạnh với một HTX hoạt động tại nông thôn?
- Mục tiêu của chúng tôi là HTX phải thật sự mang lại lợi ích cho người dân ở nông thôn. Và kết quả là chúng tôi đã tạo được việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Nhưng để có được một đội ngũ lao động làm việc hiệu quả là thách thức không nhỏ với HTX. Vì công nhân ở nông thôn vẫn mang đậm chất nông dân chưa có được sự chuyên nghiệp như ở các đô thị. Chúng tôi phải hiểu đặc điểm này để biết cách sử dụng lao động cho phù hợp và chấp nhận tốn rất nhiều công để đào tạo cho họ vào nếp. Một điều quan trọng không kém là công tác vận động, tuyên truyền để nông dân thấy được lợi ích và cơ hội phát triển khi tham gia HTX.
* Chủ động hội nhập
Được biết, Quyết Tiến là một trong những HTX hiếm hoi tự xuất khẩu được các đơn hàng nông sản vào thị trường khó tính. Đơn vị đã làm như thế nào?
“Tôi nghĩ khi đã bước vào hội nhập, “thị trường như chiến trường”, và để tham gia được vào “chiến trường” đó hoạt động của HTX phải tuân theo quy luật của thị trường. Sản xuất an toàn với quy mô hàng hóa lớn, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chính là cơ hội để HTX tham gia được vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của thành viên, nông dân là thách thức không nhỏ mà HTX phải kiên trì đeo đuổi”. |
- Khởi đầu, HTX chọn khai thác mảng dịch vụ nhưng chúng tôi luôn xác định sản xuất nông nghiệp mới là căn cơ để HTX vững mạnh và thực sự tạo cơ hội cho nông dân sản xuất tại địa phương. Nhận thấy thị trường thế giới đang có nhu cầu rất lớn về trái chuối, chúng tôi đã tận dụng những vườn cao su non (thời kỳ kiến thiết cơ bản của các công ty cao su) để trồng xen canh cây chuối xuất khẩu. Hiện chúng tôi đã xuất khẩu hàng ngàn tấn chuối vào các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Sau khi có thị trường xuất khẩu ổn định với mức giá tốt, chúng tôi tiếp tục phát triển diện tích chuối ban đầu từ 100 hécta lên khoảng 350 hécta.
Cách thức quan trọng nhất để xuất khẩu tốt mặt hàng chuối vào thị trường khó tính đơn giản chỉ là đáp ứng đúng yêu cầu của khách. Chính vì vậy, HTX vừa đầu tư sản xuất vừa tìm kiếm khách hàng. Chúng tôi đưa khách về tận cánh đồng, biết rõ yêu cầu của khách từ tiêu chuẩn về chất lượng, hình thức sản phẩm cho đến khâu thu hoạch, đóng gói... Nhờ vậy, chúng tôi xuất khẩu rất tốt ngay vụ thu hoạch đầu tiên.
Kế hoạch phát triển của HTX trong thời gian tới là gì?
- Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng cánh đồng lớn trồng bưởi VietGAP cho thị trường xuất khẩu. Đây là mục tiêu phát triển của HTX trong thời gian tới. Hiện HTX đang tập trung phát triển, chuẩn hóa khâu sản xuất. Tính chuyện đầu ra, chúng tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp để tìm hiểu cơ hội thị trường xuất khẩu cho trái bưởi. Cũng đã có doanh nghiệp đặt vấn đề với HTX về việc bao tiêu sản phẩm bưởi cho nông dân.
Cần làm gì để “cởi trói” cho HTX về mặt cơ chế, chính sách để mô hình HTX nói chung phát triển trong thời hội nhập?
- Liên minh HTX tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX thành viên, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, HTX vẫn chưa tiếp cận được, thậm chí, chúng tôi còn bị “hành” khi đi vay vốn (vì một số ngân hàng còn e ngại HTX do quan niệm cũ).
Vướng mắc, khó khăn chính là do thủ tục, hồ sơ quá nhiêu khê, kéo dài. Chúng tôi kỳ vọng những chính sách mới ban hành gần đây sẽ được chính quyền địa phương quan tâm trong việc triển khai để chính sách đi vào thực tế.
Trong suy nghĩ của ông, như thế nào là một HTX kiểu mới trong giai đoạn hội nhập?
- Với tôi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng chỉ là để tạo môi trường thuận lợi hơn cho HTX hoạt động. Tôi không ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ từ chính sách. Ra biển lớn thì sóng cũng lớn, áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng lớn hơn. Ngày nay, HTX cũng là một doanh nghiệp năng động, nhạy bén trước tín hiệu thị trường và phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cạnh tranh và đối mặt với mọi khó khăn của thị trường.
Tôi cho rằng HTX phải có bộ máy năng động, nhạy bén như một doanh nghiệp nhưng không chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà phải là tổ chức liên kết vì lợi ích chung của người nông dân, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho nông sản địa phương. Để làm được điều này, HTX không chỉ quan tâm đến quyền lợi của xã viên mà còn gắn với lợi ích của người nông dân tham gia chuỗi liên kết.
Xin cảm ơn ông!
Vi Lâm - Bình Nguyên
(thực hiện)