Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ. Khi cuộc chiến thương mại giữa 2 bên diễn ra, mặt hàng gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế 10%, đây cũng là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam song cũng có những thách thức tại thị trường này.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. |
* Chủ động “né” vạ lây
Vốn không xa lạ với thị trường Mỹ, ông Trần Văn Thành, chủ Doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc (huyện Trảng Bom) cho biết, đứng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ông chọn phương án “né” những nguy cơ tiềm ẩn không tốt tác động đến. Cụ thể doanh nghiệp ông nhập gỗ nguyên liệu từ chính thị trường Mỹ để có xuất xứ an toàn; hạn chế sử dụng phụ liệu từ nguồn Trung Quốc để tránh bị “soi”.
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến nay đã trở thành ngành hàng xuất khẩu đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lớn là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. |
Ông Thành chia sẻ: “Khi thấy nguồn hàng xuất khẩu từ một nước nào đó vào Mỹ tăng mạnh, đặc biệt là thâm hụt cán cân thương mại là họ sẽ điều tra và áp thuế chống bán phá giá. Đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng với Trung Quốc về thương mại như hiện nay nếu không chủ động “né” doanh nghiệp có thể bị vạ lây”. Ông Thành cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ thời gian gần đây cũng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ hoặc những nước có chứng nhận quản lý rừng (FSC) rõ ràng để an toàn cho các lô hàng của mình.
Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nay cũng chưa có những ảnh hưởng rõ đến ngành chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của Đồng Nai nói riêng. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó chủ tịch Dowooha nói: “Nhiều người lo ngại cuộc chiến thương mại này sẽ gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất gỗ Trung Quốc và họ sẽ đưa sang Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác để “né” thuế. Tuy nhiên, điều đó cũng ít khả năng xảy ra. Điều các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất sang thị trường Mỹ cũng cần lưu ý là nên chủ động để không bị ảnh hưởng”.
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cũng cho rằng, để giảm rủi ro và chủ động ứng phó trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung doanh nghiệp cần theo dõi, kiểm tra danh mục hàng hóa mà Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó cũng nên giảm xuất khẩu gỗ nguyên liệu và nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ từ thị trường Trung Quốc để Mỹ cho rằng không có liên quan.
* Giữ vững vị trí ngành mũi nhọn
Theo thống kê của ngành hải quan, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện nay chiếm khoảng 25% tỉ trọng xuất khẩu trên toàn thế giới. Đối với Đồng Nai, mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường này cũng chiếm hơn 20%.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1,TP.Biên Hòa) |
8 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt hơn 885 triệu USD, tăng khoảng 133 triệu USD so với tháng 7 và giữ mức tăng trưởng trên 104% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công thương cho biết ngành gỗ đứng thứ 5 trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh sau giày dép, may mặc, sợi dệt và máy móc thiết bị. Theo đánh giá của Sở Công thương, sản phẩm gỗ xuất khẩu của tỉnh có số lượng lớn vẫn thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đầu năm 2018, UBND tỉnh đã cho xây dựng cụm công nghiệp dành cho ngành chế biến gỗ (Cụm công nghiệp Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu). Cụm công nghiệp này nhằm tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định chế biến gỗ là một ngành mũi nhọn với mục tiêu: năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt từ 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và tới năm 2025 kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đạt mức từ 18-20 tỷ USD. Theo đánh giá của Dowooha, ngành chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng còn yếu ở những khâu như: ứng dụng công nghệ chậm, năng suất lao động chưa cao và chi phí cho logistics lớn. Chính vì vậy cần đầu tư cho ngành chế biến gỗ nhiều hơn nữa.
Vân Nam