Sau khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) Việt Nam - EU được ký kết, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ có "làn sóng" đầu tư từ các nước và từ châu Âu vào Việt Nam.
Sau khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) Việt Nam - EU được ký kết, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ có “làn sóng” đầu tư từ các nước và từ châu Âu vào Việt Nam. Với nhiều lợi thế, Đồng Nai sẽ là một trong những điểm đến được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn lựa.
Sản xuất linh kiện máy bay xuất khẩu tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu vào EU và nhiều quốc gia khác. Ảnh: Khánh Minh |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào Đồng Nai gần 120 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất công nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đến từ EU đã liên tục mở rộng sản xuất để đón đầu cơ hội từ EVFTA, EVIPA.
* Đầu tư từ EU có thể tăng mạnh
Không chỉ cơ hội xuất khẩu, việc ký kết 2 hiệp định EVFTA, EVIPA cũng giúp Việt Nam thêm nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ EU. Khoảng 2 năm nay, một số tập đoàn đến từ EU liên tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai như: Bosch, Meggitt, Schaeffler...
Ông Georg F.W. Schaeffler, Chủ tịch Tập đoàn Schaeffler (Đức) cho biết: “Chúng tôi chuyên sản xuất các loại vòng bi và linh kiện công nghiệp cho nhiều loại máy móc, thiết bị. Mới đây, Chúng tôi tiếp tục đầu tư hơn 45 triệu euro để mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Amata
(TP.Biên Hòa) và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào trong sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đến từ nhiều quốc gia”.
Tập đoàn Schaeffler dự tính còn tiếp tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai khi EVFTA, EVIPA có hiệu lực. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn của EU trên những lĩnh vực công nghiệp hiện đại gồm sản xuất linh kiện cho ô tô, máy bay, thuốc tây cũng đã đặt nhà máy ở Đồng Nai.
Ông Trần Quang Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty dự tính sẽ còn tiếp tục mở rộng sản xuất tại Đồng Nai để cung ứng thiết bị cho những hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới. Khi EVFTA, EVIPA có hiệu lực sẽ có nhiều doanh nghiệp EU vào Đồng Nai để sản xuất, xuất khẩu vì môi trường đầu tư được đảm bảo sẽ thuận lợi hơn”. Lâu nay, các doanh nghiệp EU rất quan tâm đến chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam nên khi EVIPA được ký kết cũng là lời cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc sẽ tạo ra môi trường đầu tư công bằng, thuận lợi để doanh nghiệp phát huy hết khả năng của mình.
EVFTA, EVIPA là hiệp định được nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lẫn doanh nghiệp trong nước trông đợi. Do đó, ngoài làn sóng các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng Nai thì doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia khác cũng nhìn ra cơ hội lớn khi vào Việt Nam đầu tư.
* Lợi thế nào cho Đồng Nai?
Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, hạ tầng khu công nghiệp hoàn chỉnh, tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng là đường bộ, đường sắt, đường thủy và tới đây là hàng không. Vì thế khi đầu tư vào tỉnh, các doanh nghiệp FDI dễ dàng tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đồng Nai sẽ là một trong những nơi đón nhiều làn sóng đầu tư nhất, đặc biệt khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động giai đoạn 1. Dù tỉnh đi trước cả nước hơn 5 năm về việc thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, song hàng năm vốn FDI đổ vào tỉnh đều vượt kế hoạch 50-70%.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đánh giá: “Các doanh nghiệp FDI chọn Đồng Nai đầu tư nhiều là vì tỉnh có lợi thế về giao thông, khí hậu, thổ nhưỡng. Trên địa bàn tỉnh chưa từng xảy ra thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất công nghiệp. Nền đất của tỉnh khá cứng giúp doanh nghiệp xây dựng nhà máy nhanh, tiết kiệm nhiều chi phí”. Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai thực hiện chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, những khó khăn sẽ được tháo gỡ kịp thời để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo ông Chung Min-chul, Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, với nhiều hiệp định thương mại đã ký kết có hiệu lực, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Khoảng 3 năm nay, Hàn Quốc dẫn đầu trong đầu tư vào Đồng Nai với trên 6 tỷ USD nhằm đón đầu các hiệp định thương mại, trong đó có EVFTA.
Khánh Minh