Kinh tế

Không vứt xác heo bệnh ra môi trường

Dich tả heo châu Phi đang diễn biến phúc tạp ở các địa phương trong tỉnh. Hiện tại các ngành chức năng đang tập trung mọi nguồn lực để xử lý khi các ổ dịch xuất hiện.

Là một trong những huyện có tổng đàn heo lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, những ngày này, lực lượng chức năng huyện Thống Nhất đang căng mình xủ lý các ổ dịch. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương đang phải đối mặt với tình trạng người dân lén đổ xác heo chết ra môi trường, khiến cho nguy cơ lây lan của dịch bệnh gia tăng. Ông NGÔ THANH TÙNG, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết, việc người dân vứt xác heo chết ra môi trường không chỉ gây khó khăn cho lục lượng chức năng hay ô nhiễm môi trường mà nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng nhanh, ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác.

* Thưa ông, vì sao có tình trạng người dân vứt xác heo chết ra môi trường mà không thông báo tiêu hủy?

- Tình trạng vứt xác heo ra môi trường thời gian vừa qua theo xác minh cũng như đánh giá của một số chủ trại chăn nuôi thì số lượng heo bị vứt ra môi trường thường là heo của các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, các hộ nuôi gia công cho công ty và một số hộ gia đình nhỏ lẻ, các thương lái thực hiện. Bởi phần lớn số heo của các doanh nghiệp lớn cũng như các hộ gia công đều có các ký hiệu trên người con heo nên dễ dàng nhận diện. Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện có 91 hộ chăn nuôi heo gia công cho doanh nghiệp lớn và 1 trang trại của doanh nghiệp. Theo quy định, những đối tượng trên không được nhận hỗ trợ thiệt hại của dịch tả heo châu Phi nên rất có thể khi có heo bị bệnh, những nơi này không báo với chính quyền địa phương mà tự tìm cách tiêu hủy.

Tiêu hủy heo tại một trang trại trên địa bàn xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Ảnh: M.QUÂN
Tiêu hủy heo tại một trang trại trên địa bàn xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Ảnh: M.QUÂN

Những đối tượng vứt xác heo chết thường lợi dụng lúc đêm khuya, trời mưa lớn để bỏ. Họ sẽ cho người đi thăm dò trước khu vực dự tính sẽ bỏ heo chết, nếu an toàn thì mới báo cho xe chở xác heo tới đổ. Do đó, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương rất khó để bắt quả tang cũng như truy tìm thủ phạm.

* Quy trình xử lý dịch bệnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Ngay sau khi nhận thông báo tình trạng heo bệnh từ hộ chăn nuôi, lực lượng chức năng tại địa phương sẽ đến ghi nhận hiện trạng như: tổng số đầu heo hiện có tại chuồng, trại, phân loại heo thành từng nhóm (heo nái, heo thịt, heo con). Sau đó tiến hành lấy mẫu để gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm thường có sau khoảng 2-3 ngày và được thông báo ngay chủ trại nuôi heo. Nếu âm tính thì hướng dẫn xử lý môi trường xung quanh để phòng trừ dịch bệnh. Trường hợp dương tính sẽ kiểm lại tổng đàn một lần nữa xem có đúng với số thống kê ban đầu hay không trước khi tiến hành tiêu hủy.

Kể từ khi cơ quan chức năng lấy mẫu cho đến khi có kết quả, người chăn nuôi tuyệt đối không được mang heo ra khỏi khu vực chuồng trại. Nếu có heo chết phải yêu cầu cán bộ địa phương xuống lập biên bản, bởi nếu số lượng không khớp với con số ban đầu thì chúng tôi phải yêu cầu người dân giải trình sự chênh lệch trên, thậm chí chuyển qua cho công an điều tra, xử lý.

Việc tiêu hủy heo bệnh sẽ thực hiện ngay trong khu vực chuồng trại của hộ chăn nuôi, trường hợp khu vực đó không có quỹ đất chúng tôi mới buộc phải đưa heo đến điểm khác để tiêu hủy. Việc này nhằm hạn chế vận chuyển heo bệnh ra ngoài cũng như việc tận dụng quỹ đất của hộ chăn nuôi. Hố chôn heo bệnh và các hóa chất xử lý heo luôn được bảo đảm cho môi trường, không để lại nguy cơ phát bệnh khi người dân chăn nuôi trở lại.

* Chính sách hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh, thiệt hại trên địa bàn đến nay có bảo đảm thực hiện đầy đủ không?

- Mọi chế độ, chính sách hỗ trợ người dân có heo bị dịch bệnh hiện đang được thực hiện theo Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, mức hỗ trợ cho người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại từ 25-30 ngàn đồng/kg; 8-10 ngàn đồng/kg đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con, công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn). Những đối tượng không được hỗ trợ chi phí là doanh nghiệp lớn, các hộ nuôi heo gia công cho các doanh nghiệp lớn.

Hiện tại, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện đã hoàn tất hồ sơ và chuyển Phòng Tài chính huyện xem xét, chi trả tiền hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả heo châu Phi cho 73 hộ với tổng số tiền đề xuất hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng. Kinh phí lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy heo bệnh cho các đối tượng được hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước.

 Xin cảm ơn ông!

Theo ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, diễn biến bệnh dịch tả heo châu Phi đang khá phức tạp. Nhiều trang trại thực hiện rất nghiêm việc phòng tránh dịch bệnh từ nhiều tháng nay với quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cũng không tránh khỏi bệnh dịch tả lây lan nhanh chóng. Ông Tùng khuyến cáo những hộ chăn nuôi nên tìm cách giảm đàn sớm nếu heo còn âm tính với bệnh dịch tả. Đồng thời kêu gọi những doanh nghiệp, hộ chăn nuôi gia công không thuộc đối tượng được hỗ trợ thực hiện nghiêm việc xử lý tiêu hủy heo theo đúng quy trình để bảo vệ môi trường và tránh lây lan sang các trang trại, hộ chăn nuôi khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi gia công không được vứt xác heo chết ra môi trường bên ngoài.

Minh Quân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,362,195       5/925