Kinh tế

Tôi không ngại khó khi là hợp tác xã đầu tiên nuôi gà xuất khẩu

17 năm gắn bó với việc nuôi gà công nghiệp, ông Lê Văn Quyết thuộc lớp nông dân tiên phong của Đồng Nai trong đầu tư phát triển ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Không chỉ là một trong những chủ trang trại đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện chăn nuôi gà công nghiệp xuất khẩu ...

Ông Lê Văn Quyết
Ông Lê Văn Quyết

g các thị trường “khó tính”, ông Quyết còn xây dựng thành công hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước là Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành).

Ở vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, ông Lê Văn Quyết cũng không ngại phản ảnh thay cho người chăn nuôi những vấn đề nhạy cảm, gai góc trong giai đoạn ngành nuôi gà công nghiệp phải đối mặt với “cơn sóng lớn”: hội nhập.

* Chăn nuôi buộc phải làm chuyên nghiệp

* Ông bắt đầu khởi nghiệp từ khi nào?

- Năm 2003, tôi đầu tư trang trại nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành. Thời điểm đó, trang trại chăn nuôi của tôi thuộc tốp đầu của tỉnh cả về ứng dụng công nghệ hiện đại với tổng đàn gấp nhiều lần so với các trại chăn nuôi tư nhân đã đầu tư trước đó. Trang trại không ngừng phát triển và chỉ khoảng 5 năm sau, trang trại đã tăng công suất lên gấp đôi, gấp ba so với khi mới khởi nghiệp.

* Ông từng nói căn nguyên dẫn đến cả khủng hoảng thừa lẫn khủng hoảng thiếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam là do mạnh ai nấy làm. Ông chia sẻ gì với người chăn nuôi về bài toán đầu tư?

- Có người đầu tư chăn nuôi thành công lớn nhưng không ít người phải bán cả cơ ngơi, cũng nên xem đây là chuyện thường. Với tôi, quản trị tốt là yêu cầu hết sức quan trọng để đầu tư phát triển trong mọi ngành nghề. Trong chăn nuôi cũng vậy, quản trị tốt thì mới thành công. Yêu cầu đầu tiên là người chăn nuôi phải thực sự chuyên nghiệp trong từng bước đầu tư. Điều này càng đúng khi ngành chăn nuôi bước vào hội nhập với nhiều khó khăn, thách thức.

 Từ quan điểm trên, ông có góp ý gì khi người chăn nuôi đang đổ xô tăng đàn gia cầm trước dự báo thiếu hụt nguồn cung thịt heo do dịch tả heo châu Phi đang lan rộng?

- Theo tôi được biết, chỉ tính riêng tổng đàn gà của Đồng Nai hiện đã đạt trên 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo nguồn cung thịt heo thiếu là cơ hội để tăng đàn gà nhưng thực tế sẽ khó xảy ra, vì có nhiều loại thực phẩm khác thay thế cho thịt heo chứ không chỉ riêng sản phẩm gà.

Người chăn nuôi nên sản xuất tuân theo quy luật của thị trường. Theo tôi, việc nhiều trang trại nuôi heo đang tính chuyện chuyển đổi sang nuôi gà là rất thiếu chuyên nghiệp.

* Nuôi gà xuất khẩu theo chuẩn thị trường Nhật Bản có dễ không, thưa ông?

- Nghịch lý là nguồn nguyên liệu gà trên thị trường Việt Nam rất nhiều nhưng đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu lại rất ít. Thực tế, rất nhiều người chăn nuôi muốn tham gia thị trường xuất khẩu nhưng không đủ điều kiện.

“Sản xuất bao giờ cũng gắn với thị trường. Đồng Nai là “thủ phủ” về chăn nuôi của cả nước chính vì có lợi thế nằm sát thị trường lớn là TP.Hồ Chí Minh. Vùng Đông Nam bộ là vùng thuận lợi phát triển chăn nuôi công nghiệp cũng nhờ lợi thế về thị trường này. Thời gian qua, nhiều dự án đường cao tốc được đầu tư càng mang lại nhiều lợi thế phát triển ngành chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn cho khu vực Đông Nam bộ. Hiện chăn nuôi gia cầm đang mở rộng ra nhiều tỉnh, thành, người chăn nuôi, chúng tôi chỉ mong chính quyền các địa phương hỗ trợ gỡ những khó khăn về mặt chính sách, thủ tục đầu tư; nhất là nút thắt về quy hoạch, nguồn quỹ đất cho chăn nuôi còn thiếu và vướng nhiều quy định chưa sát với thực tế” - ông Lê Văn Quyết chia sẻ.

Người chăn nuôi phải giỏi kinh nghiệm và đặc biệt là vững vàng về bản lĩnh. Vì để trở thành nhà cung cấp gà cho doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải chịu được 3 áp lực rất lớn là: đảm bảo về nguồn tài chính; đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trong đó, vấn đề tài chính là một áp lực không nhỏ. Vì chuyển sang nuôi gà xuất khẩu khác hẳn về bản chất so với mô hình nuôi gia công mà người chăn nuôi đã quen thuộc.

Nuôi gia công, người nuôi được doanh nghiệp hỗ trợ từ vay vốn đầu tư trang trại đến “gối đầu” con giống, cung cấp thức ăn chăn nuôi, nông dân làm theo kiểu lấy công làm lời. Chuyển qua nuôi xuất khẩu, người nuôi phải có nguồn vốn lớn đầu tư trang trại hiện đại vừa phải chuẩn bị nguồn vốn lưu động đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi...

Để đạt chuẩn về chất lượng, phải thực hiện những tiêu chuẩn rất khắt khe, nuôi không đạt sẽ bị loại ngay. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo sản xuất ổn định với số lượng lớn.

* Đánh giá của ông về tiềm năng của thị trường xuất khẩu của gà Việt Nam?

- Xuất khẩu gà không mới với thế giới nhưng khá mới với Việt Nam. Thực tế, tại Việt Nam hiện chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đã xuất khẩu được sản phẩm thịt gà. Chúng tôi rất an tâm khi hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu này vì được họ bao tiêu sản phẩm.

Chỉ tính riêng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản vẫn còn rất giàu tiềm năng do hiện nguồn cung không đủ cầu. Cụ thể, cuối năm 2017, doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu gà thịt vào thị trường Nhật Bản chỉ có vài trang trại tham gia. Nhưng hiện chúng tôi đã phát triển thành cả hệ thống với các chuỗi trang trại lớn, tổng đàn cũng tăng lên rất nhiều.

Hiện chúng tôi đang đảm bảo sản lượng ổn định khoảng 25 ngàn con/ngày cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Và nhu cầu này vẫn đang đà tăng trưởng tốt.

* Muốn đi xa, phải liên kết

* Điều gì thúc đẩy ông đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát?

- Như tôi đã nói ở trên, với nhu cầu của thị trường xuất khẩu thì chỉ một vài trang trại không giải quyết được vấn đề nguồn cung mà phải liên kết rất nhiều thành viên là người chăn nuôi, các hợp tác xã và doanh nghiệp...

Chính vì vậy, tôi đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát vào năm 2017 khi tôi chuyển hướng sang chăn nuôi gà xuất khẩu đạt tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Mong muốn của tôi là không chỉ phát triển các trại chăn nuôi cho riêng mình mà thành lập ra hợp tác xã, kết nối thành hệ thống các trang trại với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng. Hợp tác xã chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện chăn nuôi theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu để giải quyết cả bài toán về chất lượng và số lượng.

* Người chăn nuôi có vai trò như thế nào trong chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu mà ông đang xây dựng?

- Áp lực lớn nhất của việc tăng đàn đảm bảo nguồn cung cho xuất khẩu là hợp tác xã buộc phải tăng thành viên. Nhiều chủ trang trại đã tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu nhưng buộc phải rút lui vì không đáp ứng được yêu cầu. Tăng hội viên bằng cách nào là bài toán không dễ tìm lời giải.

Chính vì vậy, cái gốc của hệ thống liên kết mà hợp tác xã đang tập trung xây dựng chính là thu hút những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh. Đây là việc không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần cả quá trình phát triển dài hạn với những kế hoạch thật cụ thể cho từng giai đoạn.

* Điều gì đã làm nên sự độc đáo của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát?

- Hiện Long Thành Phát là hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước. Đây là hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao có nhiều nét mới. Cụ thể là thành viên của hợp tác xã không chỉ có người chăn nuôi mà còn có nhiều thành viên là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám... đủ chuẩn xuất khẩu.

Hợp tác xã kiểu mới này của chúng tôi đã từng bước tìm được lời giải cho những bài toán khó về việc luôn giữ được cả về chất lượng lẫn sản lượng của con gà xuất khẩu đi Nhật Bản.

* Hợp tác xã có mục tiêu gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Mục tiêu của Long Thành Phát là tiếp tục mở rộng hệ thống các trang trại chăn nuôi đáp ứng tốt cả nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể hơn là thu hút thêm nhiều trang trại, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia để chuỗi liên kết không ngừng lớn mạnh. Đây cũng là vấn đề lớn và khó giải quyết nhưng tôi không e ngại khi bắt tay vào làm.

* Ông có thể chia sẻ thêm ý kiến về vấn đề nhập khẩu thịt ngoại tăng nhanh trong vài năm trở lại đây?

- Thị trường cần thì nhập khẩu là bình thường. Trong sân chơi chung này, nông dân phải tuân theo quy luật của thị trường.

Ở góc độ người chăn nuôi, chúng tôi buộc phải tính toán lại bài toán đầu tư sao cho năng suất chăn nuôi phải cao để giảm giá thành; chất lượng phải tốt để có thể cạnh tranh. Vấn đề cần đặt ra là về khâu kiểm soát nguồn thịt nhập nhằm đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.

 Xin cảm ơn ông!         

Bình Nguyên (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,356,846       8/907