Kinh tế

Tân Phú, Định Quán: Nhiều nông dân trắng tay sau lũ

Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy nhận xét, đợt lũ vừa xảy ra tại hai huyện Tân Phú, Định Quán là trận lũ lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây tại Đồng Nai.

Người dân nuôi cá bè tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) dọn cá chết sau lũ.
Người dân nuôi cá bè tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) dọn cá chết sau lũ.

TIN LIÊN QUAN
Đỉnh lũ cao nhất trên sông Đồng Nai (đo tại Trạm Tà Lài, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) xuất hiện vào lúc 13 giờ ngày 9-8 với mực nước là 114,1m, cao hơn mức báo động III 0,5m. Mức lũ này chỉ thấp hơn 0,21m so với mực nước của trận lũ lớn lịch sử vào tháng 8-1987.

Thống kê ban đầu tại hai địa phương trên, hàng ngàn tấn cá bè, hàng ngàn hécta cây trồng và nhiều tài sản khác bị thiệt hại.

* Hàng ngàn tấn cá trôi sông

Đến nay, hầu hết trong số  600 hộ dân tại các xã Núi Tượng, Tà Lài, Đắc Lua, Phú Thịnh (huyện Tân Phú) được di dời tránh lũ đã quay về nơi ở. Trước đó, ngày 10-8, 109 hộ dân tại hai xã Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán) đã về nơi ở và đã ổn định cuộc sống.

Theo người nuôi cá bè tại huyện Định Quán, trong ngày 9-8, nước lũ tràn về rất đột ngột khiến người dân trở tay không kịp. Dòng nước chảy xiết khiến bè cá bị vỡ, có nơi người dân phải cắt thả cả vèo cá để giữ lại bè, bảo vệ mạng sống. Thống kê ban đầu của UBND huyện Định Quán, toàn huyện có 81 bè, 486 vèo cá bị thiệt hại với trên 5 ngàn tấn cá chết và thất thoát ra sông. Trong đó, xã Thanh Sơn bị thiệt hại nặng nề nhất vì người nuôi cá bè của xã này đã mất trắng 3.570 tấn cá.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ một bè cá tại xã Thanh Sơn xót xa: “5 vèo cá với hơn 100 tấn cá diêu hồng, cá lăng của gia đình tôi hầu như chẳng còn gì. Có 2 vèo cá tôi buộc phải cắt cho trôi theo dòng nước lũ để giữ bè, bảo vệ mạng sống, những vèo cá còn lại bị vỡ khiến cá trôi hết ra sông, còn sót lại con nào phần thì chết, phần thì vớt bán rẻ như cho nên coi như trắng tay”. Khó khăn lớn nhất của gia đình bà Loan là chỉ mới nuôi cá bè khoảng 2 năm nay, đa số vốn liếng đầu tư đều do vay mượn nên hiện không biết xoay xở ra sao vì cả cá, cả bè nuôi đều thiệt hại.

Các lực lượng chức năng giúp dân làng bè tại xã Ngọc Định (huyện Định Quán) vớt cá bị chết ra khỏi bè. Ảnh: Tố Tâm
Các lực lượng chức năng giúp dân làng bè tại xã Ngọc Định (huyện Định Quán) vớt cá bị chết ra khỏi bè. Ảnh: Tố Tâm

Hai ngày nay, bà Nguyễn Thị Ngọc, ngụ tại xã Thanh Sơn bỏ mọi công việc để ngồi chợ bán cá cho họ hàng của mình có bè cá bị thiệt hại do lũ cuốn. Bà Ngọc cho biết: “Vốn đầu tư 80 bè cá của họ hàng nhà tôi cho đến khi gần xuất bán lên đến hơn 20 tỷ đồng. Trận lũ cuốn đi gần hết cá, số ít cá còn lại bán không được bao nhiêu vì giá rẻ như cho. Cá chết thì đành đổ bỏ vì không có người mua. Trong 2 ngày, tôi bán cả chục tạ cá nhưng thu về có vài ba triệu đồng”.

Riêng xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) có 41 bè cá của 2 hộ nuôi bị cuốn trôi, ước thiệt hại 22,5 tỷ đồng.

* Thiệt hại nhiều tài sản

Do nước lũ dâng cao đột ngột khiến nhiều nhà dân chìm trong biển nước, gây mất mát và hư hại tài sản nặng nề.

Ông Trương Công Vững, chủ Khu du lịch Tre Xanh (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) cho biết: “ Tổng tài sản thiệt hại của cơ sở khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tất cả hơn 40 phòng tại khu du lịch đều chìm trong nước lũ, một căn nhà gỗ 5 gian bị trôi mất, ngập một nhà máy sản xuất nước sạch, đường ống nước, điện đều tê liệt, hư hỏng nặng… Chúng tôi đã phải thông báo cho hơn 200 khách du lịch ngưng đặt phòng và phải đến hơn 10 ngày sau mới có thể đón khách trở lại nếu nước rút hoàn toàn”.

Máy kéo được người dân ấp 4, xã Núi Tượng sử dụng để đưa thóc lúa lên vùng cao. Ảnh: TIẾN KHANG
Máy kéo được người dân ấp 4, xã Núi Tượng sử dụng để đưa thóc lúa lên vùng cao. Ảnh: TIẾN KHANG

Huyện Tân Phú có trên 1,9 ngàn hécta bị ngập, trong đó có gần 900 hécta cây ăn trái, cây lâu năm và hàng trăm hécta lúa, hoa màu… Ngoài ra, Trang trại gà Miền Đông và một số trại nuôi gà tư nhân cũng bị ngập, làm chết khoảng 116 ngàn con gà. 

Người dân của 4 xã Phú Tân, Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định (huyện Định Quán) đã bị thiệt hại trên 220 tỷ đồng do mưa lũ. Ngoài các hộ nuôi cá bè, toàn huyện có trên 253 hécta cây trồng bị ngập úng. Ngoài ra, hàng trăm bao cám chăn nuôi; một số ao nuôi tôm, cá của người dân cũng bị thiệt hại do lũ cuốn.

* Nỗi lo chưa dứt

Theo Công an huyện Định Quán, ngày 11-8, thi thể ông Phạm Văn Lâm (58 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, tạm trú tại ấp 1, xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú) bị nước lũ cuốn trôi mất tích 3 ngày trước đó đã được tìm thấy tại khu vực gần trạm bơm xã Ngọc Định. Cơ quan chức năng đã liên hệ thân nhân ông Lâm đưa thi thể nạn nhân về mai táng.

Cùng ngày, anh Nguyễn Đức Ngọc Tiến (37 tuổi, ngụ TP.Long Khánh, tạm trú xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) trong quá trình sửa chữa nhà cửa sau cơn lũ cũng bị điện giật chết.        

Tố Tâm

Sau khi lũ rút vào ngày 10-8, người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai vẫn canh cánh nỗi lo cá chết. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ hộ nuôi cá bè tại xã Ngọc Định (huyện Định Quán) cho biết: “Những bè cá thoát được trận lũ vừa qua, chủ bè cũng đang sống trong bất an. Vì nước sông vẫn đục như nước sình, cá tại nhiều bè vẫn tiếp tục chết dần. Nhiều chủ bè muốn bán cá để hạn chế rủi ro nhưng đành sống chung với lũ vì giá cá sống hiện chỉ có
10-15 ngàn đồng/kg mà vẫn khó tìm được thương lái mua”.

Theo ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, huyện đã di dời 83 hộ với 325 nhân khẩu đến nơi an toàn. Đến sáng 10-8, nước lũ đã rút nên đa số thanh niên, đàn ông khỏe mạnh đã về lại gia đình để dọn dẹp, bảo vệ tài sản. “Ngoài việc khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do lũ lụt xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn huyện Định Quán vẫn luôn giữ tinh thần sẵn sàng ứng phó với nguy cơ lũ lụt bất ngờ xảy ra trong thời gian tới” - ông Tài cho biết.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,348,147       7/863