Kinh tế

Doanh nghiệp "đua" với các FTA

Tính đến đầu tháng 9-2019, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiện đang đàm phán thêm 4 FTA. Với số lượng FTA đã ký kết, Việt Nam trở thành nước tham gia hội nhập nhanh, sâu, rộng của thế giới. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh tận dụng cơ hội từ các FTA khá tốt.

Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai mở rộng xuất khẩu vào Hàn Quốc để hưởng ưu đãi từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc
Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai mở rộng xuất khẩu vào Hàn Quốc để hưởng ưu đãi từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh:H.Giang

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trên bình diện chung thì các FTA đã ký kết và có hiệu lực đã giúp cho xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua liên tục tăng cao. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng thuận lợi hơn.

Sức bật nhanh

Những FTA có sự ảnh hưởng lớn đến Việt Nam có thể kể đến là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam - Liên minh Á Âu và sắp tới đây là Việt Nam - EU...

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, người tham gia đàm phán các FTA của Việt Nam và đã có nhiều đợt về Đồng Nai tham gia hội thảo về hội nhập sâu, nhận định: “Các doanh nghiệp Đồng Nai có sự chuẩn bị cho từng FTA tương đối kỹ nên khi hiệp định có hiệu lực, họ có thể tận dụng ngay những ưu đãi về thuế quan. Khi hiểu rõ về đặc điểm từng FTA, doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh vào từng thị trường cho phù hợp”.

Việt Nam đã ký kết 12 FTA là ASEAN, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia và New Zealand, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Liên minh Á Âu, CPTPP và Việt Nam - EU. Có 4 hiệp định đang đàm phán là RCEP (Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực), ASEAN - Hong Kong, Việt Nam - Israel và Việt Nam - EFTA (Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu).

Thực tế, khi tham gia hội nhập, doanh nghiệp FDI thường “nhanh chân” hơn nhiều so với doanh nghiệp Việt. Mỗi FTA mà Việt Nam tham gia đàm phán, các doanh nghiệp FDI đều tìm hiểu kỹ để điều chỉnh nguồn nguyên liệu cho sản xuất phù hợp với yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt để đảm bảo những yêu cầu khác về môi trường, nhà xưởng, lao động...

Đồng Nai hiện đang xếp thứ 5 trên cả nước về xuất khẩu, trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, khối FDI chiếm trên 80% và các FTA được cho là đã giúp nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng thị trường, tăng công suất.

Ông Hung Chih Hsing, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2001, chủ yếu sản xuất các loại sợi và một số sản phẩm khác. Ban đầu, Formosa chỉ đầu tư vào tỉnh 245 triệu USD, nhưng quá trình hoạt động thuận lợi, thị trường được mở rộng nhờ lợi thế từ các FTA nên công ty đã tăng vốn lên trên 1,6 tỷ USD”.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai cũng liên tục tăng vốn đầu tư để đón đầu các FTA là Hyosung, Fujitsu, Schaeffler, Bosch, Chang Shin, Kenda, Ajinomoto, C.P... Theo đánh giá chung, các FTA đã giúp cho xuất khẩu của tỉnh trong những năm qua liên tục tăng với mức tăng từ 10-12%/năm. Đồng Nai cũng chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu khoảng 7 năm nay. 

Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi thế từ các FTA chậm hơn so với doanh nghiệp FDI. “Hơn 90% doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ nên thường gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, do đó chưa thể đầu tư nhà xưởng, công nghệ hiện đại để hưởng các ưu đãi từ FTA. Nhưng các FTA cũng là dịp để doanh nghiệp Việt phải nhìn nhận lại và tìm cách khắc phục những khó khăn, tồn tại từ trước tới nay” - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định.

Tạo sức hút cho đầu tư

Các FTA không chỉ giúp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn mở ra cơ hội cho thu hút đầu tư FDI và phong trào khởi nghiệp. Riêng 8 tháng của năm nay, Việt Nam đón nhận trên 22,6 tỷ USD từ dòng vốn FDI đổ vào. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt trên 90 ngàn. Tại Đồng Nai, kế hoạch thu hút đầu tư FDI cả năm là 1 tỷ USD, nhưng chỉ trong 8 tháng đã vượt kế hoạch với số vốn thu hút được đạt trên 1,21 tỷ USD.

PGS-TS.Võ Phước Tấn, Chủ nhiệm ngành Quản trị kinh doanh (Đại học công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh), chuyên gia cao cấp của Bộ Công thương cho hay: “Việt Nam hội nhập sâu và nhanh, tạo ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa và thu hút vốn đầu tư FDI. Nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Đồng Nai và các tỉnh, thành khác trên lĩnh vực công nghiệp để xuất khẩu vào các nước đã ký kết FTA”. Cũng theo ông Tấn, năm nay khả năng xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt 500 tỷ USD, riêng Đồng Nai có thể đạt 38 tỷ USD.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Các FTA giúp cho thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu cũng tăng theo. Làn sóng đầu tư vào công nghiệp ở Đồng Nai những năm tới vẫn tiếp diễn sẽ thúc đẩy xuất khẩu được mở rộng hơn nữa”.

Sau hơn 30 năm hội nhập, Đồng Nai đã thu hút đầu tư FDI được 29,7 tỷ USD và trên 500 ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư trong nước.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,328,798       10/1,016