Kinh tế

Thành quả bước đầu trong xây dựng xã hội học tập

Mục tiêu của việc xây dựng xã hội học tập là nâng cao dân trí, giúp người dân có thêm kiến thức để áp dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Xuân Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng xã Suối Cát (bìa phải) đến thăm vườn ca cao của một học viên trung tâm. Ảnh: H. Yến
Ông Phạm Xuân Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng xã Suối Cát (bìa phải) đến thăm vườn ca cao của một học viên trung tâm. Ảnh: H. Yến

Xây dựng xã hội học tập  còn góp phần hoàn thành tiêu chí của một số phong trào như: xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

* Đáp ứng nhu cầu học tập của người dân

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 5192/KH-UBND ngày 16-6-2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về triển khai thực hiện đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020, Đồng Nai đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 55% gia đình, 35% dòng họ, 68,5% cộng đồng, 64% đơn vị được công nhận các danh hiệu: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.

Để có được kết quả này, trước tiên là nhờ nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội về phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên. Nhờ đó, các cấp Hội Khuyến học (HKH) đã được tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai, thực hiện.

Giữ vai trò là tổ chức nòng cốt, HKH các cấp đã thực hiện tốt việc liên kết với các lực lượng xã hội tham gia phong trào xây dựng xã hội học tập. Tổ chức HKH ở các địa phương có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng mô hình học tập, nhất là những mô hình gắn liền với nhu cầu thực tế lao động, sản xuất của người dân.

Ông Phạm Hải Lý (ấp Bình Minh) là một trong những nông dân từng tham gia các khóa học về chăn nuôi thú y do Trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) tổ chức. Nhờ tham gia lớp học, ông biết ứng dụng chăn nuôi một cách khoa học, bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lý cho biết: “Trước đây, mỗi lần heo, gà của nhà bị bệnh hoặc đến kỳ phối giống, sinh sản tôi đều phải gọi dịch vụ thú y đến. Từ ngày tham gia lớp học, tôi biết canh thời gian phối giống chuẩn xác, tự phối giống cho heo. Gia súc, gia cầm trong nhà bị bệnh cũng tự chích thuốc được”.

Không chỉ tham gia các khóa học do HKH phối hợp tổ chức, người dân còn chủ động học cách sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh (smart phone) để truy cập internet tìm kiếm kiến thức, giao tiếp xã hội rộng rãi hơn, vận dụng để thực hiện thương mại điện tử…

“Việc hình thành các mô hình học tập nêu trên đã góp phần tác động đến phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, đời sống người dân được cải thiện, hiệu quả sản xuất nâng lên. Với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thì việc học tập cũng có tác động, góp phần hoàn thành các tiêu chí của danh hiệu này. Tình làng, nghĩa xóm được gắn kết hơn, góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội” - ông Phan Sĩ Anh, Phó chủ tịch HKH tỉnh chia sẻ.

* Thêm cơ hội cho người lớn tuổi

Khuyến khích người lớn tuổi tham gia học tập là một trong những yêu cầu của việc xây dựng xã hội học tập. Việc học tập của người lớn tuổi chủ yếu thông qua hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng. Đặc biệt, nhờ mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng có mặt ở tất cả các xã, phường, thị trấn mà cơ hội học tập của người lớn tuổi ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Ông Phan Ngọc Thi, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) cho biết, trong thời gian 3 năm trở lại đây, trung tâm đã mở được nhiều khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn như: kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng rau sạch, nấu ăn, may công nghiệp… Trung bình, mỗi năm trung tâm tổ chức được 2 lớp dạy nghề. Độ tuổi trung bình của lớp học là 45 tuổi, trong đó người lớn tuổi nhất đã hơn 70 tuổi.

Ở những lớp này, ngoài học thầy, học từ sách vở, các học viên còn được trao đổi kinh nghiệm thực tế với nhau, từ việc trồng, chăm sóc đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian thực hành cũng được chú trọng nhiều hơn, được tổ chức ngay tại các nhà vườn, hộ chăn nuôi trên địa bàn xã. Vì thế, sau các khóa học, hầu hết các học viên đều ứng dụng tốt trong điều kiện sản xuất, chăn nuôi của gia đình.

                Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,324,517       5/1,003