Kinh tế

Chậm triển khai nhiều dự án xử lý chất thải

Từ năm 2015, Đồng Nai đã có quy định giảm việc chôn lấp rác sinh hoạt về dưới 15%, nhưng các dự án đã được cấp phép xử lý chất thải triển khai chậm nên tỷ lệ chôn lấp hiện vẫn còn 43%.

Mỗi ngày, trên địa bàn Đồng Nai phát sinh gần 1.840 tấn rác sinh hoạt.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng kiểm tra Khu xử lý chất thải ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán)
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng kiểm tra Khu xử lý chất thải ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán)

TIN LIÊN QUAN
Xử lý rác sinh hoạt cũng là một trong những tiêu chí mà nhiều năm nay chưa đạt, phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuống. Năm 2019, tỉnh yêu cầu việc chôn lấp rác sinh hoạt trên địa bàn phải giảm về dưới 30%.

Để đạt được tiêu chí này, tỉnh phải đưa 2/3 lượng rác sinh hoạt về Khu xử lý (KXL) chất thải ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất).

* Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh có gần 10 đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển rác về những khu quy hoạch, các xe vận chuyển rác phần lớn không phải xe chuyên dụng nên không đảm bảo về vệ sinh môi trường.

UBND tỉnh đã quy hoạch 7 KXL rác sinh hoạt và rác công nghiệp. Các dự án này bao gồm: KXL chất thải Bàu Cạn (huyện Long Thành) do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long làm chủ đầu tư; KXL chất thải ở xã Quang Trung của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư hạ tầng; KXL chất thải Tây Hòa (huyện Trảng Bom) thuộc Công ty TNHH Tài Tiến; KXL Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) của Công ty cổ phần môi trường Sonadezi; KXL Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) thuộc Công ty TNHH thương mại môi trường Thiên Phước; KXL Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) được Công ty TNHH Cù Lao Xanh làm chủ đầu tư; KXL chất thải Túc Trưng (huyện Định Quán) do Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc đầu tư.

Đến thời điểm này mới chỉ có 2 dự án KXL chất thải ở xã Túc Trưng và Quang Trung thực hiện đúng tiến độ là xử lý rác sinh hoạt thành phân bón và tỷ lệ rác còn lại phải chôn lấp từ 8-14%.

Đơn cử, trong số các dự án chậm trễ khá lâu có KXL chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ở KXL chất thải này, ngoài nhà đầu tư chính còn thu hút thêm 2 dự án xử lý rác sinh hoạt nữa là Công ty cổ phần môi trường Đồng Xanh với công suất 400 tấn/ngày. Dự tính sẽ xử lý rác thành phân bón, vật liệu xây dựng, chất đốt và đi vào hoạt động từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng thì đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa liên hệ với Sở hoàn tất các hồ sơ về xây dựng để triển khai xây dựng nhà máy. Vì thế dự án này chưa biết sẽ trễ hẹn đến khi nào.

Đồ họa thể hiện sự phân bố, phân loại của 7 khu xử lý chất thải theo quy hoạch của UBND tỉnh. Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện sự phân bố, phân loại của 7 khu xử lý chất thải theo quy hoạch của UBND tỉnh. Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân

Ngoài ra, Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC cũng được UBND tỉnh cấp phép đầu tư làm nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành điện công suất 1 ngàn tấn/ngày từ năm 2012. Sau hơn 4 năm không thực hiện dự án, tháng 3-2016, công ty này đã xin rút lui. Cả hai dự án đều không triển khai khiến 765 tấn rác sinh hoạt/ngày đưa về khu vực này đều phải chôn lấp hoàn toàn.

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi cho biết: “Công ty chịu trách nhiệm chôn lấp phần rác sinh hoạt còn lại dưới 15% từ 2 dự án xử lý rác sinh hoạt thành phân bón và xử lý rác thành điện. Tuy nhiên, 2 dự án trên chưa làm nên toàn bộ rác sinh hoạt đưa về đây đều phải chôn lấp 100%”.

Theo Phó bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Tấn Phước, rác sinh hoạt từ TP.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu đưa về KXL Vĩnh Tân chủ yếu chôn lấp gây bức xúc cho người dân khu vực xung quanh vì tình trạng ô nhiễm mùi và xe vận chuyển rác để nước rỉ rác nhỏ ra đường.

Tương tự, KXL chất thải Bàu Cạn, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long đầu tư nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân bón rất chậm, đến đầu năm 2019, vẫn còn chôn lấp rác sinh hoạt 100% nên tỉnh ngưng đưa rác về đây mà chuyển về các KXL chất thải ở xã Quang Trung, Tây Hòa, Xuân Tâm, Xuân Mỹ; nhà đầu tư cũng kéo dài dự án xử lý rác sinh hoạt thành phân bón đến nay trễ hẹn 2-3 năm, chưa biết khi nào mới hoàn thành.

* Dùng dằng vì lo thua lỗ

Hiện nay, mới chỉ có Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (chủ đầu tư KXL chất thải ở xã Quang Trung) và Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc (chủ đầu tư KXL chất thải Túc Trưng) có đầu tư xử lý rác thành phân bón. Còn các nơi khác có đầu tư lò đốt nhưng công suất chỉ vài chục tấn/ngày.

Sở dĩ các doanh nghiệp kéo dài các dự án làm nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân bón, chất đốt... vì ngại đầu tư xong rồi không đấu thầu được rác, các nhà máy sẽ bỏ không, như vậy sẽ cầm chắc thua lỗ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc, chủ đầu tư KXL chất thải ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán) cho hay: “Công suất xử lý rác sinh hoạt cửa dự án 110 tấn/ngày, còn lại là xử lý rác công nghiệp. Công ty dự tính đầu tư thêm nhà máy xử lý rác sinh hoạt thành phân bón nhưng lại lo ngại làm xong không đấu thầu được rác”.

Băn khoăn của ông Nam cũng là nỗi niềm chung của các doanh nghiệp có dự án được UBND tỉnh cấp phép. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại sẽ cần 200-400 tỷ đồng, nhưng làm xong không đấu thầu được rác thì rủi ro rất cao. Bởi những doanh nghiệp đầu tư dây chuyền xử lý rác hiện đại chi phí thường cao nên khi tham gia đấu thầu xử lý rác thường bỏ giá cao hơn những doanh nghiệp chỉ đầu tư dây chuyền xử lý rác đơn giản vì vốn họ bỏ ra ít, giá xử lý sẽ thấp. Đây là “rào cản” khiến họ còn “dùng dằng” chưa mạnh dạn bỏ vốn ra xây dựng các nhà máy xử lý rác thành phân bón.

Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho hay: “Mới đây, HĐND tỉnh vừa có đợt giám sát về việc xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án xử lý rác sinh hoạt triển khai rất chậm khiến lượng rác sinh hoạt phải chôn lấp khá lớn, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”. Cũng theo ông Thông, doanh nghiệp cũng có cái khó là lo bỏ vốn ra đầu tư nhà máy nhưng không nắm chắc được có nguyên liệu để sản xuất hay không. Tuy nhiên, cũng cần sớm có hướng giải quyết hợp lý vì không thể kéo dài dự án quá lâu mà không thực hiện.

Rác sinh hoạt đưa về khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) để chôn lấp.
Rác sinh hoạt đưa về khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) để chôn lấp.

Nhiều doanh nghiệp khi bị tỉnh “nhắc nhở” triển khai dự án chậm đã “chữa cháy” bằng cách đưa rác sinh hoạt vào những lò đốt rác công nghiệp để đốt, nhưng số lượng không đáng kể, chỉ vài chục tấn/ngày. Sau đó, với lý do địa phương còn nợ tiền rác nên giảm số lượng hoặc ngưng luôn việc tiếp nhận rác sinh hoạt để xử lý.

* Cần giải pháp dứt điểm

So với một số tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh thì Đồng Nai quy hoạch khá nhiều KXL rác sinh hoạt. Có những dự án đã cấp phép 5-7 năm nhưng vẫn chưa xây dựng xong. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo vệ môi trường của tỉnh.

Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cho rằng, Đồng Nai luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu thì không có lý do gì để các dự án xử lý rác sinh hoạt kéo dài nhiều năm không thực hiện. Hiện nay, quy định về đầu tư khá rõ ràng, dự án được cấp phép trong thời gian bao lâu thì phải triển khai, nếu không triển khai sẽ bị thu hồi. Nếu chủ đầu tư không đủ sức cạnh tranh về giá, công nghệ hoặc không đủ năng lực tài chính thì nên nhường lại cho những doanh nghiệp có đủ khả năng đầu tư.

Bà Đặng Thị Kim Thắm, Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Trước đây, tỉnh căn cứ vào tiến độ các dự án xử lý rác sinh hoạt thành phân bón, điện để đưa ra chỉ tiêu năm 2015, chôn lấp dưới 15%, nhưng đến hết năm 2019 cũng chưa thực hiện được do các dự án kéo dài nhiều năm. Các sở, ngành nên kiểm tra lại các dự án để có biện pháp yêu cầu họ làm theo cam kết”.

Đồng Nai hiện nay đang phải chôn lấp hơn 700 tấn rác sinh hoạt/ngày, làm phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến nước ngầm, nước mặt và mất nhiều đất.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức cho biết: “Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại các dự án xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn. Sau đó sẽ tính toán, đánh giá năng lực của chủ đầu tư và buộc cam kết thời gian thực hiện, công nghệ đảm bảo. Nếu các doanh nghiệp không làm sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án”.

 Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,322,022       5/995