Kinh tế

Thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi trên địa bàn TP.Biên Hòa: Sắp 'cán' đích

Sau hơn 10 năm thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm, đến nay phần lớn các xã, phường của TP.Biên Hòa đã hoàn thành mục tiêu. Nhờ đó, những nguy cơ về ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra cũng được xóa bỏ.

  

Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (KP.5A, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã chuyển đổi sang trồng rau ăn lá các loại sau khi ngưng chăn nuôi heo
Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (KP.5A, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã chuyển đổi sang trồng rau ăn lá các loại sau khi ngưng chăn nuôi heo

* 26/30 xã, phường không còn hoạt động chăn nuôi

Gia đình bà Lê Thị Lệ (KP.5A, phường Trảng Dài) có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi heo. Đầu năm 2017, gia đình bà Lê đã quyết định “chia tay” với nghề truyền thống này để chuyển sang trồng rau ăn lá các loại.

Theo bà Lệ, trước đây, nuôi heo là nghề mưu sinh chính của gia đình. Tuy nhiên, do sinh sống trong khu dân cư đông đúc nên việc nuôi heo của gia đình cũng gây ra không ít phiền phức cho hàng xóm. “Nuôi heo gây ồn ào, chất thải gây mùi hôi nên hàng xóm xung quanh cũng phàn nàn nhiều” - bà Lệ cho biết.

Năm 2007, trước tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ra, UBND TP.Biên Hòa đã ban hành lộ trình ngưng chăn nuôi.

3 địa phương gồm 2 phường Tam Phước, Phước Tân và xã Long Hưng có tổng đàn heo hơn 11 ngàn con, tập trung chủ yếu ở 2 phường Tam Phước và Phước Tân. Thời gian qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi nên đã có hơn 9 ngàn con heo bị tiêu hủy do nhiễm bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện đã có 26/30 xã, phường trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thành lộ trình, kết thúc các hoạt động chăn nuôi.

Những năm đầu thực hiện lộ trình gặp rất nhiều khó khăn do các hộ chăn nuôi không hợp tác, từ chối chuyển đổi nghề, di dời trang trại. Tuy nhiên, sau đó do làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời áp dụng các chế tài xử lý mạnh tay như cưỡng chế ngưng cung cấp điện nên các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc hơn.

Trên thực tế, vẫn còn tình trạng một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lén lút tái diễn hoạt động chăn nuôi tại các địa phương. Do đó, để đảm bảo việc ngưng chăn nuôi được thực hiện triệt để, chính quyền địa phương cũng kiểm tra, giám sát kỹ không để tái diễn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cuối tháng 8 vừa qua, khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng TP.Biên Hòa phát hiện một số hộ tại các phường Tân Biên, Long Bình và Trảng Dài tái diễn hoạt động chăn nuôi heo. Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi nên toàn bộ số heo này đã bị chết và được tiêu hủy. “Sau khi tiêu hủy, chúng tôi đã yêu cầu các hộ trên viết cam kết không tái diễn hoạt động chăn nuôi heo” - bà Nguyễn Thị Duyên cho hay.

* Dự kiến chấm dứt hẳn vào cuối năm nay

Hiện nay, hai phường Tam Phước, Phước Tân và xã Long Hưng là 3 địa phương còn lại trên địa bàn TP.Biên Hòa còn hoạt động chăn nuôi, trong đó chủ yếu là nuôi heo. Thống kê của UBND TP.Biên Hòa cho thấy, thời điểm cuối tháng 8-2019, tổng đàn heo của 3 địa phương này hiện còn khoảng hơn 11 ngàn con.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, sở dĩ 3 địa phương nói trên còn hoạt động chăn nuôi là do đây là những xã, phường được sáp nhập từ huyện Long Thành về TP.Biên Hòa sau thời điểm ban hành lộ trình ngưng chăn nuôi. Do đó, theo lộ trình, đối với 3 địa phương này, thời điểm kết thúc các hoạt động ngưng chăn nuôi có chậm hơn. “Đối với 3 địa phương này, thời điểm kết thúc chăn nuôi theo lộ trình là vào năm 2020” - bà Nguyễn Thị Duyên cho biết.

Thực tế, đặc điểm của 3 địa phương nói trên là chủ yếu phát triển mạnh nghề nuôi heo. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi nên tổng đàn giảm mạnh. UBND TP.Biên Hòa cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi có heo bị bệnh phải tiêu hủy, không tiến hành tái đàn mới, tiến tới ngưng hoàn toàn hoạt động chăn nuôi. Hiện nay, cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa cũng đã tiến hành thống kê lại tổng đàn cũng như độ tuổi của đàn heo tại 3 địa phương này để có kế hoạch ngưng chăn nuôi phù hợp. “Việc rà soát độ tuổi heo để tính toán thời điểm xuất chuồng, từ đó chúng tôi sẽ yêu cầu người dân không tiếp tục chăn nuôi nữa. Theo lộ trình, 3 địa phương này sẽ kết thúc hoạt động chăn nuôi vào năm 2020 nhưng thành phố đang cố gắng kết thúc ngay cuối năm nay” - bà Duyên nhấn mạnh.

Để việc ngưng chăn nuôi kết thúc sớm, chính quyền các địa phương hiện cũng đang khảo sát nhu cầu học nghề của người dân phục vụ chuyển đổi nghề. Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước cho biết, thực tế, trước đây có một số nghề dạy cho người dân nhưng lại không phù hợp với nhu cầu. Do đó, hiện phường đang tiến hành lấy ý kiến của những hộ chăn nuôi về ngành nghề cụ thể sẽ học để đề xuất UBND TP.Biên Hòa xem xét. “Sau khi ngừng chăn nuôi thì người dân cũng cần có nghề mới để lo cho cuộc sống. Do đó, chúng tôi hiện đang lấy ý kiến cụ thể từng hộ về ngành nghề mong muốn được học. Sau đó, sẽ kiến nghị lên thành phố tìm hướng giải quyết” - ông Võ Cao Cường cho hay. 

Phạm Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,313,912       6/968