Kinh tế

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ còn cao

Hiện nay, tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chợ tạm, chợ tự phát, việc bày bán thực phẩm tươi sống chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Thịt bê thui được bày bán trên tấm bạt ngay giữa ngã ba đường ở chợ Cổng 2 (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa). Ảnh: A.NHIÊN
Thịt bê thui được bày bán trên tấm bạt ngay giữa ngã ba đường ở chợ Cổng 2 (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa). Ảnh: A.Nhiên

Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đã quy định, thực phẩm tươi sống tại các chợ phải bảo đảm tiêu chí an toàn, vệ sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại khu bán thực phẩm tươi sống của một số chợ ở TP.Biên Hòa vẫn chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

* Bày bán thịt trên tấm bạt...

Ngay giữa trung tâm TP.Biên Hòa, chợ Cổng 2 (thuộc phường Tân Phong), những chiếu thịt vẫn được bày bán ngay bên đường. Chỉ với một tấm bạt trải trên nền đất ngay giữa ngã ba đường khói bụi nhưng người bán người mua vẫn tấp nập.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) Nguyễn Văn Hữu khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm tươi sống ở những điểm cửa hàng có uy tín và tốt nhất là mua ở những điểm bán có bảo đảm chất lượng cho khách hàng. Rau, quả nên mua ở những nơi bán thực phẩm sạch. Trong trường hợp mua ở chợ phải chọn những nơi có kệ kê thực phẩm cao ráo; không mua thực phẩm đã ôi thiu, chuyển màu...

Nhiều khu bày bán thực phẩm tươi sống của các chợ tự phát ở phường Long Bình và Hóa An cũng rơi vào cảnh tương tự. Thực phẩm tươi sống được bày bán tràn lan hai bên đường. Rất nhiều điểm bày bán thịt heo, thịt bò trên một cái mẹt hay tấm bạt đặt trên nền đất đầy bụi bẩn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An) cho biết: “Dù biết thịt, cá để bán sát đất là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng mua bán ở chợ cho tiện, với lại giá cả rẻ, vừa túi tiền”.

Tại chợ Tam Hòa, khu bán thực phẩm tươi sống nằm sát với một bãi rác rất lớn, nước rỉ rác quanh năm chảy ra đường, nhiều ruồi nhặng nhưng người bán vẫn vô tư bày thực phẩm trên những tấm bạt trải trên nền đất ẩm ướt dơ bẩn. Rau củ cũng đổ tràn lan dọc theo hai lối đi vào chợ. Các điểm bán gà, vịt, cá... tươi sống cho sơ chế, chà rửa thực phẩm trực tiếp trên nền gạch, trên nắp cống rãnh...

Trong khi đó, Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT ngày 8-12-2005 của Bộ Y tế về việc ban hành quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ như sau: Hệ thống cống rãnh phải kín, thoát nước tốt, không gây ô nhiễm các vùng xung quanh. Dụng cụ chứa đựng chất thải phải kín, có nắp đậy và được thu gom xử lý hằng ngày, không để ứ đọng ô nhiễm; có khu giết mổ gia súc, gia cầm riêng, cách biệt khu bày bán thực phẩm.

* Khó quản lý?

Cục ATVSTP (Bộ Y tế) vừa có cuộc khảo sát chất lượng thực phẩm tươi sống tại 12 chợ truyền thống của 5 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Kết quả, có 300 mẫu thịt gà, heo, vịt, cá, hải sản lấy về từ các chợ được xét nghiệm cho thấy: 100% mẫu đều nhiễm vi khuẩn E.coli - một loại vi khuẩn có thể gây bệnh nhiễm trùng máu, viêm màng não và các bệnh đường ruột. Riêng hải sản có đến 82% mẫu nhiễm E.coli ở ngưỡng rất cao.

Theo đánh giá của Cục ATVSTP từ kết quả khảo sát, thực phẩm bị nhiễm khuẩn là do nhiều loại gia súc, gia cầm được giết mổ trong điều kiện vệ sinh kém; thủy, hải sản bị tẩm ướp các loại hóa chất, thêm vào đó việc bày bán, sơ chế thực phẩm trong điều kiện thiếu vệ sinh như ở lề đường, gần bãi rác, cống rãnh... khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) Nguyễn Văn Hữu cho hay, hàng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, thành phố và các huyện đều tổ chức các đợt ra quân kiểm tra ATVSTP ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, số hộ kinh doanh lại quá lớn nên không thể kiểm tra xuể. Theo phân cấp, trách nhiệm quản lý ATVSTP tại các chợ địa phương sẽ do UBND các xã, phường, thị trấn và ban quản lý chợ đảm nhận. Song, không phải địa phương nào cũng quan tâm thực hiện. Do đó, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong các chợ, đặc biệt là những chợ tự phát vẫn còn cao.

Với trách nhiệm địa phương, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Trần Văn Thắng cho rằng, phường cũng thường xuyên kiểm tra, dẹp những điểm bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nhưng khi lực lượng đi khuất thì đâu lại vào đấy, phường không có đủ người để trực gác ở đó. Hơn nữa, cán bộ phường cũng không có công cụ kiểm tra thực phẩm, không được phép phạt, chỉ lập biên bản rồi kiến nghị UBND TP.Biên Hòa xử lý nên cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn.

An Nhiên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,285,601       1/1,089