Kinh tế

Cuối năm lo mất mùa, dịch bệnh

Vụ thu hoạch cuối năm nay, nhiều vùng rau, hoa và cây lâu năm tại Đồng Nai như: tiêu, bưởi, thanh long… bị mất mùa, trễ vụ do thời tiết thất thường. Bên cạnh đó, những đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều loại dịch bệnh bùng phát trên các loại cây trồng gây thiệt hại khá lớn cho nông dân.

Vụ thu hoạch cuối năm nay, nhiều vùng rau, hoa và cây lâu năm tại Đồng Nai như: tiêu, bưởi, thanh long… bị mất mùa, trễ vụ do thời tiết thất thường. Bên cạnh đó, những đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều loại dịch bệnh bùng phát trên các loại cây trồng gây thiệt hại khá lớn cho nông dân.

Nông dân tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) tỉa dọn những cành thanh long bị nấm bệnh trong vườn. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) tỉa dọn những cành thanh long bị nấm bệnh trong vườn. Ảnh: B.Nguyên

Ngoài ra, nông dân còn phải đối mặt với rủi ro khác vì nông sản mất giá do thị trường tiêu thụ khó khăn hơn mọi năm.

* Lo mất mùa

Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng rau tại cánh đồng Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) chia sẻ, vụ thu hoạch vừa qua, nhiều nông dân trồng rau tại vùng này mất trắng vì đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều đồng rau chìm trong nước. Một số ruộng rau không bị ngập cũng bị hao hụt rất lớn do bị giập, úng vì mưa. “Hiện nông dân đang xử lý đất để xuống giống lứa rau mới, có nơi thì chuyển sang trồng hoa cho vụ Tết nhưng thời tiết thất thường như hiện nay, rau sinh trưởng chậm, công chăm sóc, chi phí phân, thuốc tốn kém hơn gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của nhà vườn” - ông Trung nói.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong 9 tháng của năm 2019, có 4 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông. Nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh hầu hết đều cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,2-2,1OC. Lượng mưa tính đến đầu tháng 9 đạt 56% tổng lượng mưa/ năm. Nguồn nước các hồ chứa đạt khoảng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong những đợt mưa cao điểm, một số hồ chứa quá tải phải xả bớt lượng nước để đảm bảo an toàn bờ, đập gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp như ở các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu…

Nhiều cây trồng lâu năm như: bưởi, tiêu, thanh long…cũng mất mùa nặng. Bà Trần Thị Phương Chi, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, năm nay, nhiều nhà vườn có thể sẽ mất trắng vụ bưởi Tết Nguyên đán 2020. Nguyên nhân là trong thời gian xử lý bưởi ra hoa vụ Tết, có những đợt mưa lớn khiến hoa không đậu trái, nhiều vườn đã có trái non cũng bị rụng hàng loạt. Theo bà Chi: “Nông dân trồng bưởi rất lo lắng vì bỏ nhiều chi phí xử lý bưởi ra hoa cho thu hoạch đúng mùa Tết nhưng đa số đều mất mùa, quan sát tình hình chung là có vườn sẽ mất trắng, có vườn khó thu hoạch đúng vụ. Dịch bệnh trên cây bưởi cũng xuất hiện nhiều và khó xử lý hơn mọi năm khiến nông dân càng tốn thêm chi phí đầu tư”. 

Dự báo vụ thu hoạch năm nay, hồ tiêu cũng mất mùa nặng. Ông Trần Văn Toàn, nông dân trồng tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) so sánh: “Năm ngoái vườn tiêu của tôi thu được 5 tấn thì năm nay chỉ được khoảng 1 tấn. Đây cũng là tình hình chung của nhiều nhà vườn. Năng suất tiêu giảm mạnh có nguyên nhân do giá tiêu quá thấp, nông dân không mặn mà chăm sóc. Ngoài ra, mưa nắng biến động quá thất thường cũng góp phần làm mất mùa tiêu”.

* Dịch bệnh tấn công

Năm nay, giai đoạn cao điểm mùa mưa kéo dài hơn mọi năm, gây ẩm thấp, ngập úng nhiều nơi cũng là nguyên nhân khiến nấm, bệnh xuất hiện nhiều trên cây trồng.

Ông Đỗ Minh Hưng, nông dân trồng hoa tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cho biết, mọi năm, từ đầu tháng 9 âm lịch, khi nhà vườn xuống giống vụ hoa Tết là lượng mưa bắt đầu giảm nên cây trồng sinh trưởng rất thuận lợi. Năm nay thời điểm này vẫn còn mưa bão kéo dài gây hại cho hoa màu. Ông Trung dẫn chứng: “Gia đình tôi trồng 3 hécta hoa Tết, cứ sau một đêm mưa lớn, mở mắt ra là nhà vườn lỗ hàng triệu đồng chi phí nhân công xử lý chậu hoa bị úng nước, trồng lại những chậu hoa chết. Chỉ vài tuần này, chi phí đầu tư đã đội lên hàng chục triệu đồng vì hoa bị hao hụt; chi phí nhân công, phân thuốc cũng cao hơn mọi năm vì nấm bệnh xuất hiện nhiều”.

Ông Phạm Bá Trung, nông dân trồng mì tại xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) nhổ bỏ cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá mì nặng. Ảnh: B.Nguyên
Ông Phạm Bá Trung, nông dân trồng mì tại xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) nhổ bỏ cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá mì nặng. Ảnh: B.Nguyên

Ẩm thấp do mưa bão cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh trên cây trồng lây lan nhanh. Ông Phạm Bá Trung, nông dân trồng mì tại xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) nói: “Hiện 10 hécta mì trồng của gia đình tôi đều xuất hiện bệnh khảm lá mì dù vụ trước đó dịch này chưa xuất hiện. Tôi buộc phải nhổ bỏ một số đám mì bị nhiễm bệnh nặng. Với tình hình này, năng suất thu hoạch khó mà đạt như mọi năm”.

Cùng nỗi lo về dịch bệnh, bà Phan Thị Tâm, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) nhận xét, mùa mưa, cây thanh long xuất hiện nhiều loại bệnh như: bệnh thối gốc, thối cành; đốm trắng, nấm tắc kè… Năm nay mưa nhiều khiến các loại nấm bệnh trên lây lan nhanh và khó xử lý hơn. Bà Tâm chia sẻ: “Nhiều đợt tôi bẻ luôn hoa, không chờ đậu trái để thu hoạch vì thu trái còn lỗ hơn. Có đợt, giá thanh long bán tại vườn chỉ được 5-7 ngàn đồng/kg một phần do dịch bệnh trái không đạt nhưng phần lớn là thị trường tiêu thụ chậm vì khó khăn trong xuất khẩu”. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,119,154       9/1,009