Kinh tế

Đưa bài học vào thực tế

Đa số nông dân xuất ngoại học làm nông đều ứng dụng những gì học được vào thực tế sản xuất. Nhưng họ không ứng dụng một cách máy móc mà có nhiều cải tiến để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra mô hình phù hợp nhất với điều kiện sản xuất trong nước.

Mô hình robot tưới nước trong nhà màng tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh:L.Quyên
Mô hình robot tưới nước trong nhà màng tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh:L.Quyên

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, để hỗ trợ nông dân chủ động hội nhập, Hội đã tổ chức nhiều chuyến học tập, tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài nước. Những nông dân, cán bộ Hội được tham gia chương trình này về sẽ góp phần tuyên truyền, hướng dẫn lại cho nhiều nông dân khác để nhân rộng, ứng dụng những kiến thức đã học vào sản xuất.

* Tạo động lực thay đổi

Cũng theo bà Hằng, Hội Nông dân rất chú trọng phối hợp với 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng để có nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất như: tăng cường công tác phối hợp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ về vốn; liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ nông dân sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ hướng đến thị trường xuất khẩu...

Kết quả, trung bình mỗi năm có khoảng 73 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thu nhập các hộ nông dân giỏi ngày càng cao nhờ sự mạnh dạn đầu tư thâm canh và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng công nghệ mới...

Chị Trần Thị Phương Chi (huyện Vĩnh Cửu) là lớp cán bộ nông nghiệp đầu tiên của Đồng Nai được tham gia lớp bồi dưỡng kỹ thuật nông nghiệp 6 tháng tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gyeongnam. Sau đó, chị tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ tại Trường đại học Gyeongsang, tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc). Khi hoàn thành chương trình học, chị bắt đầu bằng việc ứng dụng mô hình sản xuất sạch cho chính vườn bưởi của gia đình và thuyết phục những người hàng xóm, người quen thực hiện các mô hình trồng lúa, rau, bưởi…theo hướng an toàn. Mô hình sản xuất sạch này thuyết phục được nhiều nông dân và đến nay, hàng chục hécta lúa, bưởi sản xuất theo hướng an toàn sinh học đã được nhân rộng. Chị không ngại đến từng cánh đồng, ruộng rau hướng dẫn tỉ mỉ cho nông dân cách diệt côn trùng, sâu bọ bằng các biện pháp sinh học.

Chị Chi chia sẻ: “Thời gian được đào tạo ở Hàn Quốc không chỉ cho tôi những kiến thức bổ ích; quan trọng nhất là đã tạo động lực để tôi bắt tay vào thực hiện và kiên trì theo đuổi con đường sản xuất sạch. Nông dân các nước họ làm tốt thì tại sao bản thân và nông dân mình lại thua kém. Việc xuất ngoại học làm nông theo công nghệ tiên tiến giúp tôi mở mang tầm nhìn, có sự thay đổi cốt lõi từ nhận thức, tư duy làm nông trong giai đoạn hội nhập”.

* Linh hoạt trong ứng dụng

ThS.Chi chia sẻ thêm, nông dân cần phải đi không chỉ để học về kỹ thuật, công nghệ mà quan trọng hơn là tìm hiểu, nắm được xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới hiện nay. Đi để học nhưng nông dân không nên “bê” nguyên công nghệ của các nước vì như vậy đầu tư rất tốn kém và có thể cũng không phù hợp với thực tế sản xuất trong nước. “Chính những giáo sư nông học Hàn Quốc hướng dẫn tôi cũng khuyên rằng phải có sự linh hoạt trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật đã học được vào thực tế sản xuất. Ví dụ, Việt Nam nguồn đất sản xuất nông nghiệp còn dồi dào thì nông dân trồng dưa lưới hoặc rau trong nhà màng có thể trồng trực tiếp trong đất thay vì trồng trong giá thể như ở Hàn Quốc” - chị Chi nói.

Mô hình sản xuất trong nhà màng có nhiều cải tiến tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên
Mô hình sản xuất trong nhà màng có nhiều cải tiến tại Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Cùng quan điểm, ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Để hiểu rõ về những công nghệ sản xuất trong nhà màng, tôi không ngại bỏ tiền túi ra đi các nước để tìm hiểu. Nhưng tôi không “bê” y nguyên công nghệ nhà màng ở châu Âu về ứng dụng tại Việt Nam”. Vì nhà màng họ thiết kế là cho xứ lạnh nên không hoàn toàn phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam là nước nhiệt đới.

Chính vì vậy, ông đã bỏ công nghiên cứu để cải tiến lại công nghệ này biến nhược điểm thành ưu điểm; tự chế thêm nhiều chi tiết, thiết bị như: hệ thống làm mát để điều tiết tiểu khí hậu bên trong nhà màng; thiết kế robot được lập trình tự động để khi nhiệt độ cao sẽ tự vận hành tưới nước cho cây; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát… Những cải tiến này còn giúp ông tiết kiệm chi phí đầu tư gấp nhiều lần so với việc nhập nguyên công nghệ từ nước ngoài về sử dụng.          

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,267,393       27/1,046