Kinh tế

'Rộ' trạm dừng trên quốc lộ 20

Vài năm gần đây, tuyến quốc lộ 20 qua địa bàn các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú xuất hiện cả chục trạm dừng chân đón khách. Trong đó, nhiều trạm dừng chân được đầu tư bài bản với quy mô lớn, góp phần phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch cho các địa phương trên.

Nhiều loại nông sản từ các nhà vườn ở huyện Định Quán được tiêu thụ rất tốt tại Trạm dừng chân Thảo Nguyên (huyện Định Quán)
Nhiều loại nông sản từ các nhà vườn ở huyện Định Quán được tiêu thụ rất tốt tại Trạm dừng chân Thảo Nguyên (huyện Định Quán). Ảnh:B.Nguyên

Một số trạm dừng chân đã kết nối với các tour, tuyến du lịch nội tỉnh. Đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương phát triển kênh tiêu thụ và quảng bá thương hiệu.

* Phát triển “ăn theo” du lịch

Quốc lộ 20 là tuyến “độc đạo” kết nối từ TP.Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và là một trong những tuyến đường có đông du khách đi qua. Các huyện trải dài theo tuyến quốc lộ này cũng có nhiều điểm du lịch thu hút khách như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Công viên Suối Mơ, hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú); Bàu nước sôi, Thác Mai, quần thể Đá ba chồng, Tượng đài chiến thắng La Ngà (huyện Định Quán)... Du lịch các huyện miền núi của Đồng Nai chuyển mình cũng là lợi thế thu hút các nhà đầu tư vào trạm dừng chân.

Theo chủ đầu tư một số trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ 20 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, du khách là người được hưởng lợi khi có nhiều trạm dừng chân cho khách lựa chọn. Vì áp lực cạnh tranh giữa các trạm dừng chân ngày càng lớn buộc những nhà đầu tư phải chăm chút hơn về dịch vụ, đa dạng hơn về sản phẩm để hút khách.

Ông Đậu Đình Cảnh, chủ Trạm dừng chân Thảo Nguyên (huyện Định Quán) cho biết, khởi đầu đây chỉ là một điểm dừng chân với dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ. Nhưng khi đường sá được đầu tư mở rộng, thêm nhiều hãng xe khai thác tuyến TP.Hồ Chí Minh - Đà Lạt; xe chở du khách đến các khu du lịch ở Định Quán, Tân Phú ngày càng đông, ông mới mạnh dạn đầu tư mở rộng trạm dừng chân.

“Ngoài khu ăn uống còn có siêu thị đặc sản của Đồng Nai và các vùng miền...Thực phẩm tại đây đều được tôi ưu tiên sử dụng thực phẩm tươi sống của địa phương. Để đa dạng mặt hàng phục vụ du khách, tôi liên kết với các nhà vườn cung cấp thêm nhiều đặc sản trái cây sạch của địa phương” - ông Cảnh nói.

Nắm bắt xu thế du lịch sinh thái vườn ngày càng được thị trường ưa chuộng, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) đã mở khu dịch vụ thương mại, du lịch “Thế giới ca cao”. Đây là một điểm dừng chân hấp dẫn vì có nhiều nét mới cho du khách trải nghiệm như: thăm vườn ca cao đang mùa thu hoạch, tham quan quá trình từ khâu thu hái trái, các bước sơ chế đến khâu chế biến rượu, chocolate và các sản phẩm khác từ trái ca cao; thưởng thức những món đặc sản chế biến từ trái ca cao, mua quà tặng... Công ty còn kết nối với Công viên Suối Mơ (huyện Tân Phú) và các công ty du lịch lữ hành tại TP.Hồ Chí Minh để đón các đoàn khách lớn cho du lịch nội tỉnh.

Ông Khanh chia sẻ: “Trước đây, chỉ những mùa cao điểm du lịch, trạm dừng chân mới đông khách. Nhưng nhờ du lịch nội tỉnh và tuyến TP.Hồ Chí Minh - Đà Lạt ngày càng đông khách, chúng tôi đón khách quanh năm với mức trung bình khoảng 10 ngàn lượt khách/tháng và lượng khách vẫn đang tăng đều theo từng năm”.

* Quảng bá đặc sản địa phương

Ông Khanh cho biết thêm: “Tổ chức mô hình du lịch sinh thái gắn với sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong việc đẩy mạnh khâu quảng bá cho sản phẩm và thương hiệu của đặc sản ca cao, chocolate... Định Quán. Công ty cũng sẵn sàng hỗ trợ về mặt bằng để trưng bày, quảng bá cho các loại nông sản, đặc sản của Định Quán nói riêng, Đồng Nai nói chung và đến nay có nhiều mặt hàng tiêu thụ rất tốt”.

Trái cây địa phương được tiêu thụ rất tốt tại Trạm dừng chân Thanh Sơn 1 (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên.
Trái cây địa phương được tiêu thụ rất tốt tại Trạm dừng chân Thanh Sơn 1 (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Du khách cũng là nhóm khách hàng rất tiềm năng mà các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản tại Đồng Nai mong muốn tiếp cận. Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, huyện Định Quán) nhớ lại: “Thời gian đầu khi doanh nghiệp mới giới thiệu sản phẩm ra thị trường, tôi phải tự đi chào từng gói sản phẩm vào các cửa hàng tạp hóa, điểm dừng chân, đến chợ lớn, chợ nhỏ... khắp các tỉnh, thành. Trong đó, kênh bán hàng tôi tập trung phát triển là các trạm dừng chân vì nơi đây đón cả nguồn khách trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, đây là kênh quảng bá sản phẩm có tính lan truyền mạnh và nhanh nhất”. 

Cùng quan điểm, ông Mai Thành Nghĩa, chủ cơ sở Hưng Nghĩa có quầy kinh doanh đặc sản tại Trạm dừng chân Thống Nhất (huyện Thống Nhất) nhận xét: “Vài năm trở lại đây, lượng xe, khách đi qua tuyến quốc lộ 20 ngày càng đông nên các trạm dừng chân được đầu tư rất nhiều với quy mô lớn. Tôi đã đăng ký mở quầy kinh doanh trong trạm dừng chân vì nhận thấy đây là cơ hội tốt để kinh doanh và quảng bá rộng rãi về những đặc sản địa phương đến du khách”.

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,109,610       4/1,035