Kinh tế

Sau đợt mưa lũ lớn tại 2 huyện Tân Phú, Định Quán: Cần quan tâm chi trả hỗ trợ sớm cho dân

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổng thiệt hại về tài sản trong đợt mưa lũ từ ngày 8 đến 12-8 vừa qua tại 2 huyện Tân Phú, Định Quán gồm: gần 3,5 ngàn hécta cây trồng bị ngập, trên 4,3 ngàn tấn cá bị chết hoặc cuốn trôi… với tổng số tiền thiệt hại ước tính trên 400 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổng thiệt hại về tài sản trong đợt mưa lũ từ ngày 8 đến 12-8 vừa qua tại 2 huyện Tân Phú, Định Quán gồm: gần 3,5 ngàn hécta cây trồng bị ngập, trên 4,3 ngàn tấn cá bị chết hoặc cuốn trôi… với tổng số tiền thiệt hại ước tính trên 400 tỷ đồng.

Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vớt cá chết sau đợt lũ. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vớt cá chết sau đợt lũ. Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, 2 địa phương trên đã tích cực thực hiện công tác thống kê thiệt hại của người dân và đang lập hồ sơ để chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Việc người dân hiện chưa được nhận hỗ trợ chủ yếu do một số vướng mắc về hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ.

* Đề xuất hỗ trợ hơn 41 tỷ đồng

Theo UBND huyện Định Quán, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có trên 4,3 ngàn tấn cá chết và thoát ra ngoài tự nhiên với 69 bè cá cùng 532 dèo của 81 hộ dân bị thiệt hại; 50 ngàn con tôm loại 40-50 con/kg; 5 ngàn con cá chạch lấu; 1 phà chở cám bị nước cuốn với 780 bao cám bị trôi và hư hỏng; 364 hécta ruộng lúa và cây lâu năm bị ngập, thiệt hại.

Tổng số tiền thiệt hại của người dân gần 220 tỷ đồng. Huyện Định Quán đề xuất hỗ trợ cho 165 hộ dân tại 3 xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Ngọc Định bị thiệt hại về bè, dèo và ao nuôi cá là gần 29 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá, thời gian qua, huyện Định Quán và Tân Phú đã thực hiện rất kỹ việc xác minh thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhưng 2 địa phương này cần tích cực hơn, tập trung hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện vì đây là tiền hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn. Việc hỗ trợ phải kịp thời, nhưng hồ sơ, quy trình thủ tục phải được thực hiện đúng, chặt chẽ.

Trong việc chi trả hỗ trợ cần làm theo cách “cuốn chiếu”, hồ sơ nào còn vướng mắc có thể để lại tiếp tục thẩm tra, điều chỉnh, còn hồ sơ nào đạt phải trình ngay để chi trả hỗ trợ kịp thời. Những hồ sơ đã đúng, nên thông báo công khai lên phương tiện truyền thông, có đường dây nóng hoặc kênh phản hồi thuận lợi cho người dân liên hệ, đóng góp ý kiến.

Huyện Tân Phú có trên 1,5 ngàn hécta lúa và cây lâu năm bị ngập; gần 309 hécta ao cá bị thất thoát; chết gần 19 ngàn con gia cầm; cuốn trôi 188 dèo cá… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 182 tỷ đồng. Trong đó, những thiệt hại đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh khoảng 82 tỷ đồng. Huyện Tân Phú đề xuất hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại gần 6,5 tỷ đồng.

Với những trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP do không đúng với quy hoạch, kế hoạch, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương và không có kê khai ban đầu thì ước tính thiệt hại khoảng 102 tỷ đồng. Huyện Tân Phú đề xuất mức hỗ trợ thấp hơn nên cần khoảng gần 6 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Tính chung, tổng mức hỗ trợ mà 2 địa phương đề xuất là hơn 41 tỷ đồng. Khó khăn trong công tác thống kê thiệt hại cho người dân của 2 địa phương trên là do số lượng các hộ bị thiệt hại nhiều, diện tích thiệt hại lớn nên công tác rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại; nhất là còn một số vướng mắc về hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ…

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Định (huyện Định Quán) cho biết do nước lũ dâng quá đột ngột, người dân buộc phải cắt bỏ dèo để giữ lại bè nên thiệt hại rất lớn. Nhiều hộ thiệt hại quá lớn hiện đã chuyển đi nơi khác nên mất thời gian trong việc hoàn tất hồ sơ hỗ trợ.

* Nỗ lực thực hiện hỗ trợ cho dân

Chia sẻ về việc thực hiện công tác thống kê thiệt hại cho người dân, ông Phan Thanh Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) cho biết, UBND xã đã thành lập hội đồng công tác đến từng hộ dân để xác minh thực tế thiệt hại, tổ chức họp dân để thông báo về chính sách hỗ trợ.

Cá chết được bán với giá từ 10-15 ngàn đồng, thậm chí còn vài ba ngàn đồng tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Cá chết được bán với giá từ 10-15 ngàn đồng, thậm chí còn vài ba ngàn đồng tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Thiệt hại của người dân sau khi ngành chức năng thống kê đã được công khai, nhờ vậy các hộ dân xung quanh hộ dân bị thiệt hại có thể xác minh. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã phát hiện mấy mươi hécta không có trồng lúa nhưng người dân vẫn khai bị thiệt hại. “Với các mô hình nuôi thủy sản, đoàn gặp khó khăn trong thẩm định thiệt hại, nhất là về mức thiệt hại” - ông Tâm nói.

Để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong công tác thống kê thiệt hại cho người dân, trong các đoàn kiểm tra, thẩm định thiệt hại của các xã có thành viên là nông dân. Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết: “Về xác định thiệt hại trên cây trồng, tuy người dân không có kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương nhưng các xã vẫn linh động nắm theo chu kỳ gieo trồng, vụ mùa để xác định thực tế sản xuất của nông dân”.

Theo ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những trường hợp bị thiệt hại đã đủ điều kiện hỗ trợ, các địa phương khẩn trương rà soát, xác minh, thẩm định, hoàn thiện thủ tục hồ sơ hỗ trợ trình duyệt đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Với những trường hợp bị thiệt hại chưa đủ điều kiện hỗ trợ, các địa phương cũng tổng hợp, thống kê, đánh giá, tổ chức thẩm định mức độ thiệt hại và có văn bản kiến nghị, đề xuất đối tượng, mức độ hỗ trợ cụ thể.

Ông Ký kiến nghị, với những trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan xem xét, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại chưa đáp ứng đủ mọi điều kiện theo quy định, đặc biệt đối với các hộ nuôi cá lồng, bè trên địa bàn xã Phú Thịnh.

Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Nguyễn Hữu Tài cho biết, ngoài những khó khăn, vướng mắc do một số hộ dân chưa đủ điều kiện được nhận hỗ trợ theo quy định, hiện kinh phí dự phòng của huyện chỉ có khoảng 42 tỷ đồng đã thực hiện chi cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi. Huyện mong UBND tỉnh cân đối, bố trí bổ sung kinh phí thực hiện từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,105,683       3/1,020