Kinh tế

Nông dân Đồng Nai làm 'nông nghiệp thông minh'

Là một trong những địa phương dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới trên cả nước..., Đồng Nai hiện không thiếu những nông dân, doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Là một trong những địa phương dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới trên cả nước và có sự đầu tư bài bản trong phát triển nông nghiệp, Đồng Nai hiện không thiếu những nông dân, doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Nông dân tham gia buổi trình diễn công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay tự động tại Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên
Nông dân tham gia buổi trình diễn công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay tự động tại Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Nhiều mô hình “nông nghiệp thông minh” với những giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

* Nhà vườn thông minh

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận xét: “Điểm nổi bật của Đồng Nai là đã thu hút được nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ mới, vào các giải pháp thông minh với cách làm hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương”.

Với nông dân, làm “nông nghiệp thông minh” nên bắt đầu từ những kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ ứng dụng. Trong đó, hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống được điều khiển bởi app trên điện thoại di động để bật, tắt hệ thống tưới tự động đang được ứng dụng phổ biến.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, nông dân trồng bưởi xã Bảo Quang, TP.Long Khánh vừa mới lắp đặt hệ thống tưới thông minh “3 trong 1” với các chức năng phun thuốc, tưới nước và tưới phân. Ông Hoàng chỉ tốn khoảng 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới thông minh này cho vườn bưởi rộng 6 ngàn m2. Các thiết bị tưới thông minh được điều khiển bởi app trên điện thoại di động nên ông Hoàng có thể tự do đi khắp nơi vì chỉ cần kích hoạt qua điện thoại là vườn cây luôn được tưới đúng giờ. “Ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công nghệ này còn giúp nông dân hạn chế tiếp xúc với các loại thuốc, phân hóa học nên giảm sự độc hại do sản xuất” - ông Hoàng nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quang - lớp nông dân đầu tiên của Đồng Nai được cấp chứng nhận vườn tiêu GlobalGAP tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) - không ngại đầu tư vốn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel cho toàn bộ vườn tiêu rộng 3 hécta của gia đình. Hệ thống tưới này được lập trình sẵn, ông có thể dùng điện thoại thông minh điều khiển hoạt động mở, tắt từ xa.

Ông Quang cũng tự bỏ công ủ phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà cho cắt cỏ phủ lên đất, ưu tiên sử dụng thuốc và các giải pháp sinh học trong phòng và trừ bệnh. Sản phẩm tiêu GlobalGAP của ông Quang được DN bao tiêu với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường. Tính đến hiệu quả lâu dài, sản xuất sạch có chi phí rẻ hơn so với thói quen lạm dụng phân thuốc chạy theo năng suất. “Giai đoạn thị trường tiêu thụ hồ tiêu khó khăn, nông dân càng cần phải quan tâm đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để vừa giảm giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm an toàn thì mới tạo ra lợi thế cạnh tranh” - ông Quang nói.

Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Lò Văn Hợp
Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Lò Văn Hợp

Đầu tư công nghệ mới và các giải pháp thông minh vào sản xuất nông nghiệp cũng đang thu hút DN tham gia. Xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn, tốn kém là lý do chính khiến ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ và lập trang trại rộng 13 hécta với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch. Ông chủ DN xuất thân từ kỹ sư cơ khí này không “bê nguyên” công nghệ từ nước ngoài về sử dụng mà có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng; tự thiết kế robot được lập trình tự động trong việc tưới nước cho cây; ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng để có chi phí sản xuất rẻ nhất…

Ông Tính cho biết: “DN sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất sạch và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây là cơ hội tốt để nông dân chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, có giá trị kinh tế cao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ chạy theo số lượng nên được mùa là mất giá”.

* Chăn nuôi hiện đại

Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) là DN đầu tiên của Việt Nam đăng ký và thực hiện tốt việc xúc tiến xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Để sản xuất ra con gà đủ chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính trên, từ nhiều năm trước, những nông dân tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu của Đồng Nai đã thực hiện nuôi gà GlobalGAP. Họ cũng đổ vốn lớn xây dựng chuồng trại hiện đại; lập quy trình chăn nuôi khắt khe theo tiêu chuẩn của người tiêu dùng Nhật Bản...

Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất không ngừng được nâng cao. Theo ông Hiroyuki Watanabe, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Koyu & Unitek, trong tương lai gần, DN sẽ đầu tư nhà máy giết mổ, chế biến mới có công suất gấp 2-3 lần công suất hiện tại. “Chúng tôi sẽ chuyển giao những công nghệ hiện đại nhất từ Nhật Bản về Việt Nam từ hoạt động của trại sản xuất giống, trại nuôi thịt đến nhà máy giết mổ, chế biến” - ông Hiroyuki Watanabe khẳng định.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân nhận xét: “Hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn của Đồng Nai đều đang sử dụng công nghệ hiện đại. Cả DN và nông dân đều không áp dụng rập khuôn, bê nguyên mô hình công nghệ tiên tiến của nước ngoài mà có những cải tiến để phù hợp với thực tế sản xuất”.

* Không ngại bỏ tiền cho công nghệ mới

Chia sẻ về sự linh động trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Tôi nhập công nghệ chăn nuôi hiện đại của châu Âu nhưng từ hệ thống cân bằng nhiệt độ, độ ẩm; công nghệ làm mát, sưởi... đều được cải tiến cho thích hợp với điều kiện thời tiết nhiệt đới”.

Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) tiên phong lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp cho hoạt động của trang trại. Ảnh: P.Tùng
Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) tiên phong lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp cho hoạt động của trang trại. Ảnh: P.Tùng

Cụ thể, công nghệ châu Âu, một khung nuôi được 11 con gà, nhưng ứng dụng tại Việt Nam, ông Đức yêu cầu thiết kế khung nuôi gà chỉ 8 con vì điều kiện khí hậu xứ nhiệt đới không cho phép nuôi dày như ở xứ ôn đới.

Đầu tư công nghệ thông minh vào sản xuất không còn là câu chuyện lẻ tẻ của một vài đại gia có vốn lớn mà đang được nhân rộng trong nông dân thông qua hoạt động của các hợp tác xã. Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất con giống.

Đơn vị này từng được Cục Chăn nuôi trao bằng khen là hợp tác xã sản xuất heo giống tốt nhất cả nước. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú Phan Văn Danh không ngại bỏ ra số vốn lớn để nhập con giống cụ kỵ từ các nước chăn nuôi hiện đại nhất để lai tạo ra heo giống có nhiều tính trạng trội như: tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon, đặc biệt thịt heo có mỡ vắt như thịt bò Kobe.

ông Danh cho biết: “Hợp tác xã đang áp dụng công nghệ cao của Canada trong quy trình chăn nuôi heo sinh sản. Đơn vị cũng đang sử dụng phần mềm tiên tiến nhằm tối ưu hóa quá trình nuôi và kiểm soát chặt chẽ chất lượng heo giống. Mục tiêu là để tạo ra được nguồn giống tốt cung cấp rộng rãi cho người chăn nuôi trong nước”.

Đồng Nai thu hút được các tập đoàn, DN lớn đầu tư, trở thành đầu tàu góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của địa phương phát triển. Cụ thể như: Dự án cánh đồng lớn trồng chuối theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu đi Hàn Quốc do Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) hợp tác đầu tư từ quy trình sản xuất giống chuối cấy mô đến xưởng sơ chế, bảo quản, đóng gói chuối. Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã đầu tư trang trại ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch tại huyện Long Thành với quy mô hàng trăm hécta…

Bình Nguyên

Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) tiên phong lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp cho hoạt động của trang trại. Ảnh: P.Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,099,388       3/935