Kinh tế

Cần 'cú hích' về hạ tầng giao thông tạo đà tăng trưởng

Tuy vẫn là khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chậm lại. Một trong những điểm nghẽn là kết nối hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.Hồ Chí Minh
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.Hồ Chí Minh

Thông tin trên được các lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế nhận định tại hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra tại Đồng Nai vào ngày 31-10.

* Kết nối hạ tầng giao thông chưa đồng bộ

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến nay vẫn chưa làm được đó là giao thông kết nối. Giao thông kết nối chính là tiền đề giải quyết hai vấn đề quan trọng là: liên kết phát triển kinh tế và phát triển chuỗi vùng đô thị.

Thực tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế của vùng chưa hoàn chỉnh; mạng lưới đường sắt đầu mối chưa phát triển, chưa có đường sắt đô thị tốc độ cao; tình trạng quá tải diễn ra cả giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa…

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Nhiều điểm nghẽn vẫn còn tồn tại, liên kết kinh tế chưa như mong muốn. Kết nối hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng phát triển đô thị, quản lý đô thị bất cập cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phải thay đổi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lấy ví dụ về khó khăn trong việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị từ TP.Hồ Chí Minh  đến 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và nhấn mạnh rằng hiện nay, đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,vấn đề đầu tiên phải nói đến là kết nối hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng.

Trước đó, tại hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cũng diễn ra tại Đồng Nai vào tháng 5 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu dẫn chứng, tại TP.Hồ Chí Minh, đến nay trung bình 11km2 diện tích mới chỉ có 2,1km đường, trong khi theo chuẩn phải là 1km2 diện tích phải có 10km đường.

“Cả nước có 800km đường cao tốc thì khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ có 91km, chiếm 11%. Một vùng tạo ra hơn 42% ngân sách cho cả nước, trong khi chỉ có 11% đường cao tốc, để thấy rằng vùng chưa được đầu tư tương xứng” - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho biết.

* Xử lý vướng mắc một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách

Trước các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo, một số việc kéo dài từ các nhiệm kỳ trước chưa được giải quyết cụ thể, nên bên cạnh những thành quả đã đạt được, việc triển khai các công việc quan trọng, cấp bách của ngành giao thông - vận tải còn chưa được chủ động, hiệu quả chưa cao, còn tồn tại hạn chế.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải chủ động hơn, tập trung mọi lực lượng để làm tốt nhiệm vụ được giao. Các đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; các trường hợp trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ cần phải được xử lý nghiêm. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải chỉ đạo phân công nhiệm vụ rõ ràng, có thời hạn hoàn thành cụ thể, tìm nguyên nhân nếu để xảy ra chậm trễ. Bộ Giao thông - vận tải chịu trách nhiệm chính, chủ động, tích cực xử lý các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và địa phương phối hợp xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - vận tải nghiên cứu, xác định danh mục những lĩnh vực nhà nước phải làm để có kế hoạch tập trung nguồn lực. Các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý vướng mắc một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách, trong đó có những dự án giao thông có liên quan đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Như về dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn ngân sách Trung ương năm 2019 cho dự án theo đúng Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15-7-2019 để tiếp tục triển khai, đáp ứng tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - đầu tư khẩn trương thẩm định để bảo đảm yêu cầu báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm tiến độ; thực hiện tốt, kịp thời, không để đợi đến năm 2020, trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật.

Đối với các dự án cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị chức năng chịu trách nhiệm chính theo đúng thẩm quyền được giao trong việc bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không; chủ động thực hiện công tác duy tu, sửa chữa lớn và lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam khẩn trương đề xuất Bộ Giao thông - vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phương án đầu tư nâng cấp, khắc phục ngay các hư hỏng đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không.

Bộ Giao thông - vận tải rà soát các dự án đường sắt đô thị đang triển khai, đề xuất phương án bảo đảm tính kết nối đồng bộ (quy hoạch tuyến, công nghệ vận hành, thu phí...), tạo thuận lợi nhất cho người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Lâm Viên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,098,824       6/930