Kinh tế

Kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch: Cần tiêu chí rõ ràng

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… với giá bán cao hơn hẳn so với thị trường chung.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… với giá bán cao hơn hẳn so với thị trường chung. Nhưng trên thực tế, tiêu chí để xác định thế nào là thực phẩm sạch vẫn còn là dấu hỏi đối người tiêu dùng.

Khách hàng chọn mua rau, quả tại một cửa hàng nông sản sạch ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa. Ảnh: Quang Minh
Khách hàng chọn mua rau, quả tại một cửa hàng nông sản sạch ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa. Ảnh: Quang Minh

TIN LIÊN QUAN
Xu thế sử dụng thực phẩm, nông sản sạch đang được nhiều người quan tâm. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều cửa hàng được quảng cáo chuyên bán các loại rau, củ từ các trang trại đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đặc sản, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… đã ra đời.

* Chưa rõ tiêu chí “sạch”

Các cửa hàng bán nông sản sạch, thực phẩm sạch trong nước hoặc nhập khẩu… gần đây cũng liên tục mở ra tại: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom…

Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp còn được xét tiêu chí đủ điều kiện sản xuất an toàn theo Thông tư 38/2018/ TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, những sản phẩm nông nghiệp an toàn cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn về hàm lượng hóa chất, vi sinh, không có các chất cấm… theo các danh mục, quy định của Bộ Y tế.

Về cách kinh doanh, hầu hết cửa hàng đi theo cả hai hướng kinh doanh: trực tuyến và trực tiếp. Các chủ cửa hàng thường mở một tài khoản trên mạng xã hội để giới thiệu hàng, nhận đơn hàng, đồng thời mở cửa hàng để khách mua đến chọn trực tiếp.

Anh Ngô Thanh Tùng, chủ cửa hàng rau sạch K.F. (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, cửa hàng của anh chuyên cung cấp rau sạch, an toàn với mức giá bình ổn đến với người tiêu dùng ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Cửa hàng đang xây dựng một hệ thống cung cấp sản phẩm đến tận tay khách hàng thường xuyên sử dụng số lượng lớn nông sản, thực phẩm như: trường học, nhà hàng, công ty, bếp ăn tập thể…

Những người nhạy bén với nhu cầu tiêu dùng như anh Tùng hiện nay không hiếm. Và ở góc nhìn tích cực, sự phát triển của các cửa hàng thực phẩm sạch là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, các tiêu chí “sạch” hay “không sạch” do một số cửa hàng đưa ra nhìn chung vẫn khá mơ hồ. Sự đánh giá như thế nào là sản phẩm sạch vẫn chủ yếu dựa vào cảm quan, sản phẩm “của nhà trồng được” nên sẽ… sạch, chứ chưa có những tiêu chí, chứng nhận nào cụ thể. Một số cửa hàng còn quảng cáo bán các loại rau thiên nhiên, sản phẩm theo hướng hữu cơ, nhưng thực tế những sản phẩm theo hướng hữu cơ rất khó để trồng, hiện mới chỉ một số ít doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung cấp sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ông Thái, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở phường An Bình (TP.Biên Hòa) giới thiệu, ngoài rau tự trồng tại trang trại thì cửa hàng còn hợp tác với các cơ sở cung cấp thịt, rau củ có uy tín ở địa phương…

Anh Thanh Quang, chủ một trang trại rau sạch ở huyện Trảng Bom cho hay, hiện trang trại của anh đang trồng rau theo hướng hữu cơ, chủ yếu anh tự tìm hiểu các kiến thức, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao về rau hữu cơ ở nhiều nơi rồi về áp dụng, chưa xây dựng trang trại theo các tiêu chuẩn hữu cơ cụ thể.

Co.opmart Biên Hòa niêm yết thông tin sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn giúp người tiêu dùng tham khảo lựa chọn. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP tại siêu thị. Ảnh: Hải Quân
Co.opmart Biên Hòa niêm yết thông tin sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn giúp người tiêu dùng tham khảo lựa chọn. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP tại siêu thị. Ảnh: Hải Quân

Tương tự, tại cửa hàng nông sản sạch T.Đ (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), theo quan sát, các loại rau, củ, quả ở đây phần lớn được trưng bày ở kệ, nhiều loại trong số đó không dán các loại tem, nhãn chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP hay GlobalGAP trên sản phẩm… Khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn của nông sản thì nhân viên tư vấn cũng chỉ giới thiệu đây là các loại rau, quả “sạch, không phun thuốc”, có nguồn gốc từ Đà Lạt và một số địa phương trong tỉnh như ở Định Quán, Long Khánh…

Theo chị N.H, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), các sản phẩm của cửa hàng là rau, củ sạch, đặc sản có truyền thống của các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm thực sự đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở đây không nhiều, các loại nông sản ở đây vẫn được giới thiệu chung chung là “nông sản sạch”.

* Người tiêu dùng băn khoăn

Các cửa hàng về thực phẩm, nông sản sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ ra đời góp phần giúp người tiêu dùng có thêm các kênh mua sắm mới về thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế để xác định sản phẩm tại các cửa hàng này có thực sự sạch như quảng cáo hay không thì người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn, chưa xác định được một cách rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Hậu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Người nội trợ như tôi nghe quảng cáo là rau sạch chứ thực sự không thể biết được có phải là sản phẩm thực sự an toàn hay không mà chủ yếu dựa vào sự tin tưởng vào người bán. Sản phẩm rau, quả ở các cửa hàng được bày biện bắt mắt hơn ngoài chợ, nhìn cảm quan bên ngoài thì có phần tươi mới hơn”.

Tương tự, chị Bích Ngọc, nhân viên văn phòng ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho hay, đối với các loại rau, củ quả, thịt chị thường mua hàng ở các cửa hàng “ruột” để an tâm hơn, một số sản phẩm có thể đặt qua mạng thay vì trực tiếp đến cửa hàng để mua. Còn để xác định tiêu chí thế nào là thực phẩm, nông sản sạch vẫn còn khá mơ hồ.

Theo quan sát, tại nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị cũng có nhiều loại thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng chỉ VietGAP, thực phẩm hữu cơ… được dán nhãn chứng nhận hoặc thông tin cụ thể trên bao bì sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm bày bán đều được nhập từ những doanh nghiệp uy tín, có mã vạch, mã số. Ngoài một số sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc, còn lại do nhập từ cơ sở sản xuất nhỏ nên không có bao bì, người tiêu dùng không thể tự kiểm tra nguồn gốc mà chỉ có thể nghe qua giới thiệu của người bán.

Đồ họa thể hiện tổng diện tích các loại cây trồng đạt chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP), chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm về sản xuất, chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế) và tiêu chuẩn 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) - Nguồn: Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn. (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng diện tích các loại cây trồng đạt chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP), chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm về sản xuất, chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế) và tiêu chuẩn 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) - Nguồn: Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn. (Đồ họa: Hải Quân)

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, nhu cầu về thực phẩm sạch ngày càng lớn trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh các cửa hàng, đơn vị cung cấp các loại thực phẩm, nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thì trên thực tế vẫn tồn tại nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, hữu cơ theo trào lưu. Một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch mang tính “tự xưng” khi mập mờ, không công khai minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như thông tin các tiêu chí thực phẩm đạt chuẩn cần thiết.

* Khó trong công tác quản lý

Không chỉ người tiêu dùng còn mơ hồ về các tiêu chí để xác định thế nào là thực phẩm, nông sản sạch, an toàn mà cơ quan chức năng cũng “loay hoay” trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm, nông sản sạch bởi các tiêu chí còn chung chung, chưa cụ thể.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho hay, hiện nay chưa có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể nào quy định như thế nào là thực phẩm, nông sản sạch, an toàn mà chỉ có các tiêu chí đánh giá chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, thực phẩm, hầu hết là các loại thực phẩm chế biến được đóng gói bao bì. Việc đánh giá, kiểm tra thực phẩm sạch hay không phần lớn bằng cảm quan, kiểm tra về nhãn mác, nguồn gốc.

Ngoài ra, quá trình kiểm tra về dư lượng chất bảo vệ thực vật, hóa chất còn phải tiến hành theo các trình tự, mất nhiều thời gian để thử mẫu, gửi mẫu lên các trung tâm kiểm nghiệm… Do đó, quy trình kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc đối với thị trường thực phẩm, nông sản sạch, các loại trái cây ngoại nhập… còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể thế nào là sản phẩm nông nghiệp sạch. Các sản phẩm nông nghiệp đang đánh giá dựa trên tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN năm 2017 của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn.

Trong đó, đối với dự án nông nghiệp sạch cần có các tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; dự án sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…).

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, bên cạnh các tiêu chuẩn về GAP (VietGAP, GlobalGAP) còn có các tiêu chuẩn như UTZ, Rainforest… Đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hiện nay áp dụng theo bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 (năm 2017), Bộ tiêu chuẩn này đưa ra các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing và đưa ra các yêu cầu đối với vật tư đầu vào…

Văn Gia - Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,095,483       2/935