Kinh tế

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm

Thời gian qua, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đang bị chậm lại. Nguyên nhân là do các vướng mắc liên quan đến đất đai trong quá trình thẩm định giá. Hiện các doanh nghiệp đang chờ Chính phủ có chính sách tháo gỡ khó khăn.

Bến xe Biên Hòa có kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2019 nhưng khó hoàn thành. Ảnh: K.Minh
Bến xe Biên Hòa có kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2019 nhưng khó hoàn thành. Ảnh: K.Minh

Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, kế hoạch năm 2019, tỉnh sẽ tiến hành cổ phần, thoái vốn khoảng  10 đơn vị. Trong đó có 2 tổng công ty là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi).

* Chưa gỡ được vướng mắc về đất đai

Từ đầu năm đến nay, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh diễn ra khá chậm. Hiện tại, những doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cổ phần, thoái vốn nhưng có liên quan đến đất đai đều đang phải tạm ngưng vì vướng mắc ở các quy định của Bộ Tài chính.

Ngày 16-8-2019, UBND tỉnh đã có Văn bản số 9554 gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ một số khó khăn trong việc cổ phần hóa. Cuối tháng 10-2019, Bộ Tài chính có văn bản trả lời Đồng Nai về một số vướng mắc. Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào để thực hiện cổ phần, thoái vốn vẫn chưa “thông”.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà các công ty, đơn vị có vốn nhà nước đang tiến hành cổ phần, thoái vốn gặp phải là việc xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất trả tiền hằng năm làm cơ sở xác định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn.

Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi cho biết: “Thoái vốn nhà nước tại tổng công ty và một số công ty con của Sonadezi đang bị ngưng lại do khâu xác định giá đất. Theo quy định của Chính phủ, những khu đất doanh nghiệp đang thuê trả tiền hằng năm của Nhà nước thì phải được tính giá thuê đất suốt quá trình để đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên việc này không thể thực hiện được, vì giá cho thuê đất 5 năm thay đổi một lần”.

Theo quy định của Chính phủ, bảng giá đất của các tỉnh, thành được xây dựng 5 năm/lần, trong quá trình thực hiện, nếu đất đai có biến động lớn thì sẽ tiến hành điều chỉnh tăng hoặc giảm cho phù hợp. Nếu các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn căn cứ vào thời điểm đang triển khai áp giá đất theo bảng giá hiện hành cho suốt quá trình thuê đất thì sẽ sai so với quy định về đất đai.

Giám đốc Bến xe Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt cho hay: “Kế hoạch là năm 2019, Bến xe Biên Hòa sẽ tiến hành cổ phần hóa, các khâu chuẩn bị đều thuận lợi nhưng hiện đang bị ách tắc lại ở khâu đưa đất thuê vào giá trị doanh nghiệp. Đây là đơn vị công ích phục vụ xã hội nếu đưa đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, giá cổ phần đội lên cao sẽ rất khó tìm được khách hàng mua”. Ông Đạt cũng chia sẻ thêm, việc định giá đất thuê hằng năm cũng đang gặp khó khăn vì bảng giá đất chỉ áp dụng cho 5 năm, trong khi thời gian thuê đất của Bến xe Biên Hòa lên đến vài chục năm.

* Còn nhiều điểm nghẽn

Dự tính năm 2019, Tổng công ty Dofico sẽ cổ phần hóa, nhưng vì vướng vào vấn đề thẩm định đất đai nên sẽ khó hoàn thành được trong năm nay.

Theo Sở Tài chính, các doanh nghiệp thoái vốn không liên quan đến đất đai thì triển khai rất nhanh và sẽ đảm bảo đúng kế hoạch năm 2019. Thế nhưng những doanh nghiệp có liên quan đến đất đai thì đa số đang phải ngưng lại để chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngoài vướng mắc ở định giá đất, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn do đất đai không đầy đủ giấy tờ. Cụ thể, doanh nghiệp thuê đất dài hạn của Nhà nước nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải đợi hoàn thành các thủ tục về đất đai mới tiến hành định giá đất đai, đưa vào giá trị tài sản của doanh nghiệp để tính toán giá trị của cổ phần. Giá đất thường xuyên có những biến động tăng và giảm, nên nếu định giá đất quá cao, cổ phần bán ra sẽ không có người mua, việc này cũng ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Hiện các doanh nghiệp trong cổ phần, thoái vốn còn có thêm khó khăn là Công ty tư vấn thẩm định giá phát hành làm cơ sở để tiến hành thoái vốn chỉ có hiệu lực trong 6 tháng kể từ ngày chứng thư thẩm định giá phát hành. Trong khi doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, hồ sơ thoái vốn qua nhiều khâu, làm mất nhiều thời gian. Đến giai đoạn đấu giá, trường hợp đấu giá không thành công thì lại phải làm lại thủ tục, hồ sơ thoái vốn theo phương thức đấu giá như ban đầu, dẫn đến chứng thư thẩm định giá hết thời gian hiệu lực, phải tiến hành thẩm định lại giá, tốn nhiều thời gian chi phí, có trường hợp mất luôn cơ hội thoái vốn.

Trong buổi làm việc với Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm là do vướng một số quy định của Trung ương. Các tỉnh, thành khác cũng đang gặp khó khăn tương tự Đồng Nai và việc cổ phần, thoái vốn cũng rất chậm. Đồng Nai sẽ kiến nghị Trung ương tháo gỡ những vướng mắc trên để tiến hành nhanh hơn kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn.

Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, hiện nay, việc chào bán và cạnh tranh về việc bán cổ phần đang gặp khó khăn, vướng mắc do Sở Giao dịch chứng khoán chưa triển khai được vì Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa ban hành quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần. Vì thế, các tỉnh, thành rất mong Chính phủ sớm ban hành quy chế trên để tạo thuận lợi cho cổ phần, thoái vốn.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,241,439       1/291