Kinh tế

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp. Đây là đội ngũ quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DNNVV gặp nhiều khó khăn.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp. Đây là đội ngũ quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DNNVV gặp rất nhiều  khó khăn.

Nguồn vốn để xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nguồn vốn để xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Văn Gia

TIN LIÊN QUAN
Bên cạnh khó khăn từ các yếu tố như: chiến lược kinh doanh, công nghệ sản xuất, nhân công lao động thì nhóm doanh nghiệp này cũng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng.

* Càng nhỏ, càng khó vay

Thời gian đầu mới thành lập, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và “siêu nhỏ” hoạt động khá tốt và có tầm nhìn chiến lược. Nhưng sau đó, khi các doanh nghiệp này muốn “bung” ra để làm lớn hơn thì gặp rất nhiều vấn đề. Điều này khiến cho họ thường không mạnh dạn đột phá. Trong đó, việc thiếu vốn, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay là khó khăn lớn nhất.

Là một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực sản xuất nước uống đóng chai và đi lên từ cơ sở sản xuất nhỏ, chị Nguyễn Trần Bảo Ngọc, đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Nguyên Phát (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, doanh nghiệp hiện nay đang muốn mở rộng mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn lực của doanh nghiệp còn rất hạn chế, trong khi đó nhà xưởng hiện tại mà công ty đang sử dụng lại nằm trong khu dân cư, không phù hợp với quy mô sản xuất lớn.

“Đầu tư máy móc, công nghệ, thiết lập hệ thống phân phối… khi bắt đầu đi vào hoạt động và có nhu cầu mở rộng sản xuất thì nguồn lực cạn kiệt. Vay ngân hàng hiện nay là không thể vì những gì có được đã thế chấp hết để lấy vốn sản xuất trong thời gian qua” - chị Bảo Ngọc cho hay.

Tương tự, dù đã hoạt động được hơn 5 năm nhưng sản phẩm hệ thống nhiệt mặt trời và máy sấy nhiệt mặt trời của Công ty cổ phần công nghệ nhiệt mặt trời (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) của ông Nguyễn Văn Khỏe còn khá mới mẻ đối với thị trường.

Năm 2014, ông xin thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tuy nhiên từ đó đến nay, doanh nghiệp của ông chưa nhận được sự hỗ trợ nào đáng kể từ phía các cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Khỏe, dù đã được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, một lĩnh vực Nhà nước ưu tiên nhưng doanh nghiệp hiện chưa được vay vốn ưu đãi, chưa được ưu đãi về thuế thuê đất, vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng như những doanh nghiệp bình thường.

Rủi ro khi “vay nóng” để sản xuất

Theo khảo sát từ công ty tư vấn McKinsey (nguồn: The Saigon Times), DNNVV tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỷ USD (khoản vốn thiếu hụt). Có tới 98% doanh nghiệp trong số đó khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Tại Đồng Nai, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai hiện có khoảng 500 DNNVV tham gia hoạt động. Ông Ðặng Văn Ðiềm, Chủ tịch Hội kể, có lần ông đã làm “cầu nối” cho một doanh nghiệp thành viên kết nối với một ngân hàng thương mại để vay vốn nhưng cuối cùng không được. “Tôi dẫn đại diện ngân hàng đi tham quan nhà xưởng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp đó đề đạt nguyện vọng vay vốn ngân hàng. Nhưng sau đó nghe thông báo lại là doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn vì không có đất để thế chấp, máy móc lại không nằm trong danh mục được định giá của ngân hàng” - ông Ðiềm nói.

Đồ họa thể hiện tổng số dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến tháng 9-2019 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai . (Đồ họa: HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện tổng số dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến tháng 9-2019 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai . (Đồ họa: HẢI QUÂN)

Khó tiếp cận vốn ngân hàng nên để có nguồn tiền sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải vay “nóng” với lãi suất rất cao. Thực tế, khá nhiều doanh nghiệp buộc phải vay tín dụng từ các công ty tài chính hoặc tín dụng cá nhân gia tăng do điều kiện được vay khá “thoáng” về hồ sơ thủ tục. Nhưng cách vay này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chịu thiệt thòi khi khoản vay không được tính vào chi phí vận hành, không được khấu trừ thu nhập và thậm chí vay với lãi suất cao dưới danh nghĩa cá nhân.

“Chúng tôi có khoảng 500 hội viên, đa số là những doanh nghiệp mới thành lập, doanh thu chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Hầu hết các doanh nghiệp đều vốn ít, đủ tiền mua một miếng đất, xây hoặc thuê nhà xưởng rồi mua máy móc sản xuất là cạn tiền. Muốn có vốn hoạt động phải đi vay. Vay ngân hàng khó quá thì buộc phải vay vốn với lãi suất từ 20-30%/năm, quá sức so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, nhưng cũng vẫn buộc phải vay để tồn tại” - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai Đặng Văn Điềm cho biết thêm.

Tương tự, giám đốc một công ty chuyên về thiết kế, sản xuất bảng quảng cáo ngoài trời, thi công nội thất quán cà phê, nhà hàng… ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chia sẻ, trước đây khi xây dựng nhà xưởng, anh phải đi vay “nóng” gần 500 triệu đồng do thiếu vốn. Thậm chí, có lần phải cầm cố cả chiếc xe của mình đang sử dụng chỉ để có đủ tiền mua vật liệu thi công. “May mắn là sau những khó khăn thì việc làm ăn của doanh nghiệp ngày một phát triển, dù vẫn còn các khoản nợ nhưng từ các công trình đang thực hiện sau khi hoàn thành có thể trang trải được” - vị giám đốc trẻ này thừa nhận.

Nhiều tiêu chí khắt khe

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, tính đến cuối tháng 9-2019, dư nợ cho vay DNNVV của tỉnh đạt gần 41,5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2018 và tăng 13 ngàn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2017. Tổng số các DNNVV còn dư nợ là hơn 7,1 ngàn doanh nghiệp. Trong đó, phần lớn các khoản cho vay là ngắn hạn với dư nợ khoảng hơn 26 ngàn tỷ đồng.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho hay, cho vay DNNVV là một trong những lĩnh vực ưu tiên bên cạnh cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Về phía ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay mỗi ngân hàng mỗi khác nhau. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Đồng Nai chiếm khoảng 70% dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp.

Trong khi đó, là ngân hàng lớn nhưng dư nợ cho vay DNNVV của  Ngân hàng thương mại cổ phẩn ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai chỉ vào khoảng 36% so với tổng dư nợ bán lẻ của ngân hàng. Tính chung, dư nợ cho vay DNNVV chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Con số này được cho là thấp trong khi nhóm doanh nghiệp này chiếm từ 95-96% tổng số doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do khiến các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi là do nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, đặc biệt là thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi trong khi đây lại là yếu tố tiên quyết để có thể đáp ứng điều kiện để được ngân hàng chấp thuận cho vay.

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các phương án, chương trình, các gói hỗ trợ tín dụng, mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá của các ngân hàng, trong đó xét đến các yêu cầu về phương án kinh doanh, tài sản thế chấp, mức độ tín dụng cao…

Bà Chu Thị Lành, Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ của Vietcombank chi nhánh Đồng Nai khẳng định, để vay vốn theo lãi suất ưu đãi của các DNNVV cần đảm bảo các điều kiện cho vay về báo cáo tài chính, hoạt động lĩnh vực ngành nghề, báo cáo thuế đầy đủ… Riêng lĩnh vực sản xuất, ngân hàng có các tiêu chí mở rộng, duy trì hay hạn chế cho vay, từ đó xác định lãi suất vay phù hợp đối với các doanh nghiệp.

Khó quản lý hoạt động của DNNVV

Theo số liệu điều tra của Cục Thống kê Đồng Nai, tại thời điểm 31-12-2018, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 17.801. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn khá lớn nhưng xét về quy mô lao động và quy mô vốn phổ biến vẫn là DNNVV. Do vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thấp, trình độ quản lý còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp... nên hiệu quả mang lại không cao; số doanh nghiệp thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hằng năm khá lớn.

Mặt khác, thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện nay khá đơn giản, trong khi công tác quản lý doanh nghiệp sau cấp phép chưa chặt chẽ. Tình trạng doanh nghiệp tự chuyển đổi địa điểm kinh doanh; ngưng, nghỉ hoạt động khá phổ biến nhưng khả năng kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng rất hạn chế.

Vương Thế - Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,790       2/1,130