Kinh tế

Phủ xanh núi Chứa Chan

Núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) có hơn 100 hécta đất trống trên đỉnh. Nơi đây chỉ có đá và vài loại cỏ dại. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ xói mòn vào mùa mưa và hỏa hoạn vào mùa khô. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bằng sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của địa phương, toàn bộ diện tích đất trống trên núi Chứa Chan đã được trồng cây xanh.

Công nhân phát cỏ trên diện tích tràm trồng mới tại núi Chứa Chan
Công nhân phát cỏ trên diện tích tràm trồng mới tại núi Chứa Chan. Ảnh:H.Lộc

Việc phủ xanh hơn 100 hécta trên đỉnh núi cao hơn 800m so với mực nước biển và có nhiều sườn dốc, vách đá dựng đứng là điều không dễ dàng.

* Nỗ lực trồng cây trên núi

Kế hoạch trồng cây và chăm sóc rừng phòng hộ núi Chứa Chan được UBND huyện Xuân Lộc triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do địa hình núi cao và hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, công tác trồng và chăm sóc rừng chưa được quan tâm đúng mức nên sau nhiều lần trồng cây, đỉnh núi Chứa Chan vẫn trọc.

Để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp của núi Chứa Chan, UBND huyện Xuân Lộc đã ban hành một số quy định bắt buộc đối với khách du lịch. Theo đó, khách du lịch đến núi Chứa Chan phải thực hiện việc cam kết đi đúng tuyến, đúng địa chỉ như đã đăng ký; không mang túi ny-lông, chai nhựa vào rừng; không đốt lửa trong rừng; không mang các chất dễ cháy, chất gây lửa, vũ khí, chất gây nổ, chất độc hại vào rừng; không hái lượm, săn bắn, thu thập mẫu vật trên rừng...

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1356/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với mục tiêu trong 4 năm, từ 2017-2020, nâng tỷ lệ phủ xanh diện tích rừng phòng hộ, trong đó có rừng phòng hộ núi Chứa Chan.

Thực hiện quyết định này, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và UBND huyện Xuân Lộc đã lập phương án thiết kế, dự toán và bắt tay vào trồng hơn 100 hécta rừng. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, toàn bộ diện tích đất trống trên núi Chứa Chan đã được phủ kín các loại cây keo lai, tràm, si.

Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Xuân Lộc, đơn vị phụ trách trồng hơn 42 hécta rừng trong năm 2019 chia sẻ, quá trình trồng cây trên núi Chứa Chan gặp rất nhiều khó khăn từ khâu lập dự toán, rà phá bom mìn đến phát dọn cỏ tranh, cỏ đót. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển cây giống và phân bón trên quãng đường gần 3km từ lưng chừng núi (nhà chờ cáp treo trên núi) lên đến đỉnh để trồng rừng cũng là thách thức không nhỏ với công nhân. Quá trình trồng cây chỉ thực hiện vào thời điểm mưa nhiều và liên tục (tháng 7-9 dương lịch) nên đại đa số công nhân phải ở lại trên núi nhiều ngày...

“Sau nhiều nỗ lực, tháng 9 vừa qua, hơn 42 hécta đồi trọc còn lại trên núi Chứa Chan cũng được phủ kín. Số cây trồng trước đó bị chết cũng được trồng dặm lại với tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%” - ông Nam chia sẻ.

Như vậy, tính đến cuối tháng 9-2019, huyện Xuân Lộc đã phủ xanh được 100% diện tích đồi trọc trên đỉnh núi Chứa Chan, hoàn thành nhiệm vụ trước 1 năm so với kế hoạch.

* Bảo vệ đa dạng hệ sinh thái

Liên quan đến công tác chăm sóc rừng trồng mới, ông Lê Văn Nam cho biết, Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện đã hợp đồng với đơn vị trồng và chăm sóc cây trong vòng 3 năm. Trong khoảng thời gian này, đơn vị hợp đồng phải chịu trách nhiệm trồng mới, trồng dặm những cây chết và chăm sóc cây sinh trưởng. “Quá trình trồng cây, chúng tôi cử người bám trụ trên núi để hằng ngày kiểm tra công tác trồng, chăm sóc, đảm bảo tỷ lệ cây sống tối thiểu 85%. Qua kiểm tra liên ngành vừa qua, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%” - ông Nam nói. Ngoài ra, mỗi ngày, kiểm lâm viên và nhân viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử danh thắng núi Chứa Chan trực tuần tra; định kỳ hằng quý, phối hợp với các đơn vị như Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TP. Long Khánh, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện kiểm tra diện tích rừng trồng.

2. Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao huyện Xuân Lộc kiểm tra cây tràm trồng mới
Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao huyện Xuân Lộc kiểm tra cây tràm trồng mới

“Khó khăn hiện nay của chúng tôi là thiếu người, địa hình núi dốc và đá đi lại khó khăn, một số cây trồng mới bị chết phải chờ đến mùa mưa năm sau mới trồng dặm được” - ông Nam chia sẻ.

Núi Chứa Chan (hay còn gọi là núi Gia Ray, núi Gia Lào) là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ, sau núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Núi có hệ sinh thái động thực vật khá đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều cá thể Voọc chà vá chân đen (là loài động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IB), khỉ đuôi dài. Ngoài ra, mỗi cánh rừng đều có nhiều loại cây gỗ quý, hệ thống hang động, bãi đá kỳ vĩ kết hợp với các công trình văn hóa tâm linh tạo thành một quần thể thắng cảnh đa dạng, độc đáo. Năm 2016, hệ thống cáp treo lên núi được đưa vào hoạt động càng thu hút du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Ông Dương Văn Tài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TP.Long Khánh cho biết, núi Chứa Chan có hệ sinh thái đa dạng. Năm 2012, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ra quyết định công nhận di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia đối với quần thể núi Chứa Chan.

Trong 3 năm (2017-2019), huyện Xuân Lộc đã tổ chức trồng mới và trồng dặm được hơn 100 hécta cây keo lai, tràm, sanh, si trên núi Chứa Chan. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% diện tích đồi trọc trên đỉnh núi Chứa Chan được phủ xanh với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Ngoài công tác quản lý, chăm sóc và phát triển rừng, các đơn vị là Trung tâm văn hóa thông tin - thể thao, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TP.Long Khánh thường xuyên tuần tra bảo vệ cây rừng và đất rừng, các loại động vật, phòng chống cháy rừng...

 Hoàng Lộc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,697       1/1,130