Kinh tế

Trồng thanh long theo công nghệ Israel

Thanh long ruột đỏ là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Vài năm trở lại đây, một số nhà vườn đã đầu tư trồng thanh long theo công nghệ Israel (trồng thanh long giàn thay cho trụ) nhằm tiết kiệm diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng trái.

Anh Lê Hoài Thanh (ngụ ở ấp 5, xã Xuân Hưng) chia sẻ mô hình trồng thanh long giàn, ảnh Tuệ Lâm
Anh Lê Hoài Thanh (ngụ ở ấp 5, xã Xuân Hưng) chia sẻ mô hình trồng thanh long giàn, ảnh Tuệ Lâm

* Hiệu quả cao

Anh Lê Hoài Thanh (ngụ ấp 5, xã Xuân Hưng) là một trong những hộ nông dân tiên phong và thành công với mô hình trồng thanh long giàn. Đến nay, vườn thanh long của anh đã cho thu hoạch được gần 10 lứa.

Anh Thanh chia sẻ, năm 2017, sau chuyến tham quan, học tập tại tỉnh Long An, nhận thấy phương pháp trồng thanh long giàn của nông dân nơi đây có năng suất cao hơn thanh long trồng trụ bình thường tại địa phương, trái tròn và đẹp, quan trọng hơn là có thể áp dụng tại địa phương nên anh Thanh đã mạnh dạn đầu tư gần 800 triệu đồng đổ trụ, làm giàn kẽm trồng thanh long giàn trên diện tích 6 sào đất.

Nhờ trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sau 16 tháng, vườn thanh long ruột đỏ của anh Thanh đã ra trái. Đến nay, vườn cho thu hoạch gần 10 lứa. Theo anh Thanh, thanh long trồng giàn trái to đồng đều, đỡ bị thiếu nắng nên giá bán thường cao hơn 2 ngàn đồng/kg so với thanh long chỉ trồng trụ bê tông. Năm nay, anh Thanh dự kiến thu khoảng 800 triệu đồng từ 6 sào thanh long giàn ruột đỏ.

* Hướng đi mới cho nông dân

Hiện tại, mô hình trồng thanh long giàn đang được một số nông dân ở xã Xuân Hưng áp dụng. Với phương pháp trồng này, mỗi hécta có thể trồng khoảng 2 ngàn gốc, gấp đôi số gốc so với trồng theo kiểu truyền thống và năng suất có thể đạt khoảng 50 tấn/hécta.

Theo nông dân địa phương, trồng thanh long giàn kết hợp với tưới nước tiết kiệm, bón phân nhỏ giọt qua đường ống ngầm và bao trái sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, hạn chế sâu bệnh, thuận tiện chăm sóc và thu hoạch, nhờ đó lợi nhuận tăng đáng kể.

Anh Lê Văn Hùng (ấp 5, xã Xuân Hưng) cho biết, trồng thanh long giàn chi phí đầu tư ban đầu cao hơn trồng trụ truyền thống bởi ngoài trụ bê tông còn phải có giàn lưới bằng kẽm hoặc thép, nhưng năng suất tăng gấp rưỡi. Với 5 sào thanh long giàn đang cho thu hoạch, anh Hùng thu về khoảng 600 triệu đồng/năm.

Năng suất tăng, mẫu mã đẹp, lợi nhuận cao hơn, đó là lý do mô hình trồng thanh long giàn đang được các nhà vườn quan tâm và là hướng đi mới cho nông dân trồng thanh long ở xã Xuân Hưng.             

   Lê An - Tuệ Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,089,845       2/1,132