Văn hóa

Sự sẻ chia thú vị từ Giấc mơ Mỹ

Xin bắt đầu bằng chính Giấc mơ Mỹ, truyện ngắn được dùng làm tựa sách của tác giả An Lâm (ảnh) (Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP.Hồ Chí Minh ấn hành).

Xin bắt đầu bằng chính Giấc mơ Mỹ, truyện ngắn được dùng làm tựa sách của tác giả An Lâm (ảnh) (Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP.Hồ Chí Minh ấn hành). Đây cũng là một truyện ngắn hiếm hoi mà người kể có thể là “tôi” hay “chúng tôi” đều hợp lý, bởi những người trong một nhóm làm việc với nhiều độ tuổi, thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đang ngồi trò chuyện, cùng nhau nhớ và nói về sự kiện 11-9.

Thảm kịch 11-9 không chỉ làm rúng động nước Mỹ, mà hầu như cả thế giới đều nhớ và nhắc đến với rất nhiều tâm trạng, cảm xúc. Trong truyện, Robert kể ngày 11-9-2001, 2 anh em đã phải uống rượu cho hãm bớt sự điên dại khi phải chứng kiến bao nhiêu cái chết qua truyền hình. Trong hồi ức, nhiều người đã khóc, kinh hoàng, hụt hẫng khi tòa tháp đôi, một biểu tượng của nước Mỹ hiện đại, bị tấn công. Có những người không có can đảm quay lại đó, thậm chí không muốn “nhớ lại những gì mà tất cả chúng ta đang cố quên...”. Sự thinh lặng ấy được khuấy động khi một người nhắc đến “giấc mơ Mỹ”, mà hiện thực là “nước Mỹ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thiên đường...”. Câu kết truyện của tác giả nhắc đến những thân phận con người “chênh vênh trong một dòng sông mà một bên bờ là nỗi đau hậu chiến vô cùng vô tận và bên bờ kia là giấc mơ Mỹ ấm êm hạnh phúc”.

Rất đỗi bình thường

Tác giả tập sách là một phụ nữ hiện đại, trưởng thành. An Lâm (tên thật là Lâm Nguyễn Vân An) viết Giấc mơ Mỹ sau 3 năm làm việc tại Hà Lan, tiếp theo đó là 4 năm tại Singapore rồi mới đến Mỹ từ năm 2009... Chị sinh năm 1977, cựu học sinh chuyên văn của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa). Tốt nghiệp đại học năm 2000, An Lâm trúng tuyển khóa huấn luyện đặc biệt của Tập đoàn tàu biển Đan Mạch Mearsk Line. Từ ngày tạm biệt quê nhà ra đi, An Lâm tâm sự là chưa một lần nào được về sống với ba mẹ hơn 10 ngày. Hiện nay chị là Giám đốc liên kết của Mearsk Line, chồng chị cũng là người quê gốc Biên Hòa, gia đình có 2 con đang sống tại Houston, Texas.


Giấc mơ Mỹ được nhà văn Đàm Hà Phú nhận xét: “Những truyện ngắn được viết bằng một giọng kể nồng nàn... hầu hết có cấu trúc khá mở để bạn đọc tự cảm nhận và khám phá”.

An Lâm là con gái của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thanh (nguyên cán bộ Phòng Giáo dục TP.Biên Hòa). Là một cây bút trẻ của Đồng Nai, An Lâm đã đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi và sáng tác thơ văn tuổi học trò. Cô bé lém lỉnh một thời luôn mang trong tim hình ảnh của những cô giáo dạy văn thuở thiếu thời, bạn bè, gia đình, quê hương... Để rồi sau một thời gian dài phấn đấu không ngừng trong công việc, lắng đọng về cuộc đời, An Lâm chia sẻ: “Vào một ngày cuối hè 2015, những câu chuyện này nhảy nhót trong đầu tôi, đòi tôi cho chúng quyền được kể. Tôi ngồi vào bàn và viết, những câu chuyện về nơi tôi đang sống (không phải là một nước Mỹ long lanh, hùng mạnh, diễm lệ), về những người dân Mỹ (không phải là những người sáng láng, đẹp đẽ, thành đạt), mà một nước Mỹ rất đời thường của những người dân rất đỗi bình thường...”.

Cái cớ để viết về tuổi thơ, quê hương và khát vọng sống

Chính vì vậy mà những truyện ngắn trong tập Giấc mơ Mỹ rất hiện thực về đời sống nước Mỹ và những câu hỏi về nhân sinh mà tác giả (với vai trò là một con người nhân bản và là một người phụ nữ hiện đại) tự đặt ra cho mình. Đó cũng là những trải nghiệm sâu sắc được viết ra từ một sự quan sát, tìm hiểu kỹ càng thế giới xung quanh, để vun đắp tình yêu cuộc sống, tình yêu con người cho chính bản thân mình. Linh trong truyện Ngựa yêu ngựa quý, luôn băn khoăn làm sao tìm được một tình yêu không điều kiện khi mọi thứ xung quanh và bản thân mình luôn có vẻ hoàn hảo? Đó cũng có thể là Minh với những khao khát, ray rứt về tình mẫu tử, khi mình đang ở xa mẹ đến nửa vòng trái đất, và đã là mẹ của 2 đứa con (Trường sinh nhẹ gánh)...

Giấc mơ Mỹ chỉ là cái cớ để tác giả viết về tuổi thơ, về quê hương và khát vọng sống trong mình, ở đó hiện thực không tách bạch với hoài niệm, mà luôn hòa quyện, nâng đỡ nhau. Nhờ sự thích nghi của con người trong xã hội hiện đại mà những bước chân cùng với ước vọng ngày càng bay cao, bay xa hơn; song cũng chính điều đó khiến con người luôn trăn trở về bản thể của mình, mong ngóng về quê hương xứ sở...

Vì vậy, bàng bạc qua các truyện ngắn trong tập sách luôn là một cô gái xưng “tôi”, nhưng đó là một cái tôi luôn gợi mở, tìm kiếm, sẻ chia... 13 truyện ngắn cũng là 13 khúc tự sự nhẹ nhàng, nên thơ, không đầu không cuối, với những ẩn dụ rất đời thường về những điều riêng - chung, xa - gần, ra đi - trở về... An Lâm với tập truyện đầu tay, không chỉ trao gửi tình cảm, tâm sự về với quê hương, mà chị còn “trở về” là mình, một người phụ nữ với văn chương...  

  Mai Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  663,252       1/924