Văn hóa

Nhà văn Nguyễn Đình Tú và tuổi thơ thời bao cấp

Nếu như coi mỗi dòng chữ là một tín hiệu thông tin thì đằng sau việc kể một câu chuyện phiêu lưu của một chú bé, nhà văn Nguyễn Đình Tú gửi đến người đọc nhiều thông điệp trong tập truyện Chú bé đeo ba lô màu đỏ vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Nếu như coi mỗi dòng chữ là một tín hiệu thông tin thì đằng sau việc kể một câu chuyện phiêu lưu của một chú bé, nhà văn Nguyễn Đình Tú gửi đến người đọc nhiều thông điệp trong tập truyện Chú bé đeo ba lô màu đỏ vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Thông điệp thứ nhất: Cuốn sách này không chỉ dành cho tuổi mới lớn mà dành cho tất cả những ai đã từng có một tuổi thơ lớn lên trong hoàn cảnh xã hội tương tự. Đó là những năm tháng của thời kỳ bao cấp chuyển sang đổi mới. Khi ấy đất nước chưa phát triển như bây giờ. Khi ấy thông tin còn ít ỏi, liên lạc còn trắc trở. Khi ấy chỉ cần xa nhau vài chục cây số là coi như đã không thể tìm nhau. Khi ấy con người ta nghèo, nhưng cuộc sống giàu tình nghĩa, sự sẻ chia, lòng tốt, những điều mà bây giờ ở cơ chế thị trường chúng ta thấy thiếu thốn rất nhiều. Tôi tin rằng đọc tác phẩm Chú bé đeo ba lô màu đỏ, rất nhiều những người không còn trẻ nữa vẫn tìm thấy bóng dáng mình trong đấy.

Còn đối với tuổi mới lớn, tác phẩm này là bức tranh nhiều màu sắc, cuốn hút, mới lạ vì viết về một thời đã qua, thời tuổi thơ của những cha mẹ các em bé bây giờ. Những dòng chữ tưởng chừng như giản đơn, lại mở ra một thế giới rộng lớn với những trò chơi, nghịch dại, những tâm tình khúc mắc của tuổi thiếu niên và trên hết là nỗi niềm đau đáu của một con người muốn đi tìm gốc rễ, nguồn cội của mình thông qua việc đi tìm hình ảnh người mẹ. Có thể nói, trong tình hình quá thiếu thốn những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn viết về một thời chưa xa lắm, cuốn sách Chú bé đeo ba lô màu đỏ của Nguyễn Đình Tú đã làm tròn được vai trò phản ánh cuộc sống muôn màu sắc bên ngoài, một chức năng vĩnh hằng của văn học.

Từ đó, nhà văn Nguyễn Đình Tú gửi cho chúng ta thông điệp thứ hai về tính nhân văn, tình yêu thương của con người đối với con người. Có nỗi đau nào hơn nỗi khao khát một người mẹ? Có tình thương nào hơn tình thương của người cha dành cho con mình? Có sự chăm sóc, đùm bọc nào hơn sự chăm sóc, sẻ chia cuộc sống miếng cơm, manh áo của những con người tình cờ bên đường dành cho một đứa bé lưu lạc? Có sự dũng cảm nào hơn sự dũng cảm của chú bé quyết tâm lên đường tìm mẹ. Đường đi thì dài, chuyến đi thì vất vả, trắc trở, khó khăn với nhiều biến cố. Nhưng chỉ cần không nản chí, chỉ cần mở lòng ra với mọi người thì con đường dù dài mấy, khó khăn đến mấy cũng sẽ đến đích, cũng như những trắc trở rồi sẽ qua, chú bé sẽ gặp lại được những người thân yêu nhất của mình. Cuộc phiêu lưu tìm mẹ cũng là cuộc phiêu lưu để rèn luyện nhân cách, dạy cho trái tim, tâm hồn con người biết yêu thương và hy vọng, nâng niu, trân trọng điều thiện, điều tốt và không thỏa hiệp với cái xấu.

Nhân vật cô Đào trong tác phẩm Chú bé đeo ba lô màu đỏ đã dạy cho chú bé Hưng: phải trở thành một người đàn ông trưởng thành, phải vượt qua khó khăn, đừng khóc, đừng sợ. Đây cũng là lời gửi gắm của chính tác giả đến với bạn đọc nhỏ tuổi rằng điều gì rồi cũng qua, trắc trở gì cũng giải quyết được. Thông điệp của Nguyễn Đình Tú chỉ đơn giản vậy thôi nhưng tính chất giáo dục, gợi mở tâm hồn cho các bạn đọc nhỏ tuổi là điều luôn phảng phất, bàng bạc trong tác phẩm này của anh.

Giống như Không gia đình của nhà văn Pháp Hector Malot, Nguyễn Đình Tú cũng kể về một câu chuyện phiêu lưu của một chú bé Việt. Nếu Hector Malot đã khắc họa thành công diện mạo châu Âu thế kỉ 19 với 2 nước chủ yếu là Anh và Pháp thì Nguyễn Đình Tú dẫn dắt người đọc đến với khung cảnh quê hương và tấm lòng con người Việt Nam ở thập niên cuối cùng của thế kỉ 20. Từ tầm vóc nghệ thuật cho đến nội dung chuyển tải, có thể nói Chú bé đeo ba lô màu đỏ là một Không gia đình của Việt Nam.

Thông điệp thứ ba mà nhà văn muốn gửi đến chúng ta là: Nguyễn Đình Tú không chỉ cá tính, mạnh bạo trên từng trang viết cho người lớn, mà còn có thể trong trẻo, dịu dàng với những trang viết cho tuổi thiếu niên. Vẫn với những hiểu biết sâu sắc về mọi chi tiết của đời sống hàng ngày, vẫn với giọng văn kể chuyện mang nặng tính tự sự, Nguyễn Đình Tú đã thành công khi xây dựng cho mình một phong cách viết khác hẳn với những tiểu thuyết đình đám trước đây, như: Nháp, Phiên bản, Kín, Hoang tâm, Xác phàm, Cô Mặc Sầu… Lợi thế của Nguyễn Đình Tú là vốn sống dồi dào, nên trong tác phẩm Chú bé đeo ba lô màu đỏ không thiếu những chi tiết rất thực, rất đời, như: xưởng rửa xe, cảnh hát tuồng, những đồi núi trung du, những bãi biển miền Trung và cả những cảnh đánh ghen, lừa gạt bán mình ở quán karaoke... Thành công nhất về mặt nghệ thuật của Nguyễn Đình Tú trong tác phẩm này là anh đã chọn được cho mình một giọng kể phù hợp, điều phối khi nhanh, khi chậm, khi gay cấn, lúc êm đềm và có nhiều lúc đầy kịch tính, lên đến cao trào, chẳng hạn như cảnh đâm ô tô của cha con anh Vũ.

Một hình ảnh lặp đi lặp lại trong tác phẩm này của Nguyễn Đình Tú là chiếc ba lô màu đỏ không rời chú bé Hưng. Chiếc ba lô này do người bố yêu thương đưa cho Hưng và theo chú bé suốt chặng đường vào Nam, ra Bắc. Qua nhiều biến cố, chiếc ba lô vẫn ở bên Hưng, như tượng trưng cho hy vọng, cho tình yêu thương không bao giờ mất đi, mai một. Chiếc ba lô to, nhét được đủ thứ đồ vật, nhưng nó vẫn dành một ngăn lớn cho tình cảm. Đây có thể nói là hình ảnh lớn, hình ảnh chủ đạo, như một sợi chỉ đỏ mong manh xuyên suốt tác phẩm, nhưng không hề đứt quãng.

TS. Hà Thanh Vân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  662,457       10/947