Văn hóa

Đến Oshino Hakkai, mơ về làng cổ Đồng Nai

Làng cổ Oshino Hakkai (Nhật Bản) là điểm du lịch nổi tiếng hầu như không thể bỏ qua trong tour du lịch đến núi Phú Sĩ. Tuy nhiên, ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi này lại có sức hút tự thân độc đáo, không cần "ăn theo" danh thắng núi Phú Sĩ.

Làng cổ Oshino Hakkai (Nhật  Bản) là điểm du lịch nổi tiếng hầu như không thể bỏ qua trong tour du lịch đến núi Phú Sĩ. Tuy nhiên, ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi này lại có sức hút tự thân độc đáo, không cần “ăn theo” danh thắng núi Phú Sĩ.

Đường vào làng cổ Oshino Hakkai thơ mộng.  Ảnh: T.THÚY
Đường vào làng cổ Oshino Hakkai thơ mộng. Ảnh: T.THÚY

Làng nằm ở khu vực chân núi Phú Sĩ. Vào những ngày mưa gió hay có tuyết rơi, để đảm bảo an toàn du khách không được trực tiếp leo núi Phú Sĩ mà chỉ có thể đi xe đến các trạm ở lưng chừng núi, cao nhất cũng chỉ được đến trạm 5 (cao 1.980m so với mực nước biển). Đứng trên núi để ngắm núi, ắt hẳn sự thú vị giảm đi rất nhiều. Và lúc đó, từ làng cổ Oshino Hakkai ngắm núi Phú Sĩ là một chọn lựa tuyệt vời.

* Làng cổ “người thật, việc thật”

Nếu như làng cổ Cheongeup cũng khá nổi tiếng ở đảo Jeju (Hàn Quốc) trong thực tế chỉ là phục dựng, không có người sinh sống trong những mái nhà truyền thống, thì làng cổ Oshino Hakkai lại rất sinh động khi cư dân với sự hỗ trợ của Chính phủ vẫn sống, sinh hoạt và làm việc ngay tại làng. Bí quyết đầu tiên thu hút du khách của Oshino Hakkai nằm ở từ “cổ”. Nằm ở Fuefuki, thủ phủ của tỉnh Yamanashi, cách Tokyo chưa đầy 100km, thế nhưng bóng dáng những ngôi nhà cao tầng ngất ngưỡng, sự náo nhiệt, sầm uất của một Tokyo hiện đại bị bỏ lại sau lưng ngay từ khi đặt chân đến chiếc cổng gỗ của làng. 

đầu làng Oshino Hakkai có một hồ nước nhỏ. Người Nhật có tập tục nhúng tay vào nguồn nước được cho là thiêng liêng, lấy một ít rửa mặt hoặc uống. Nguồn nước ở làng cổ hình thành từ những lớp băng tuyết tan chảy của núi Phú Sĩ, được thấm lọc qua nhiều lớp dung nham. Làng cổ có 8 hồ nước, gồm: Kagami, Shobu, Nigori, Waku, Choshi, Sokonuke, Deguchi và Okama, người dân trong làng quan niệm rằng đây chính là nơi 8 vị vua rồng ẩn náu, vì thế các hồ nước và nguồn nước nơi đây được người dân trong làng xem là thiêng liêng và rất tôn kính.

Đừng mong nhìn thấy những con đường hiện đại thẳng tắp, đúng chuẩn lưu thông ở làng cổ. Thay vào đó là những con đường nhỏ uốn lượn, hai bên đường là những ngôi nhà gỗ theo lối kiến trúc truyền thống hoặc ngôi nhà lợp rơm ngả màu thời gian, trên vách treo hàng xâu nông sản như bắp, củ hành, cạnh đó là chiếc guồng gỗ quay nước phủ đầy rêu. Đặc biệt, hầu như nhà nào cũng có những hàng rào cây xanh thẫm và luống hoa đủ màu sắc được chăm sóc tỉ mỉ, hoặc những vườn rau nhỏ, cây bon sai được tạo hình thật mỹ thuật. Và tất nhiên, không thể thiếu loài hoa anh đào hầu như đã trở thành biểu tượng của nước Nhật. Người Nhật yêu thiên nhiên, đi đến nơi đâu cũng có thể bắt gặp cây cối, hoa cỏ được bố trí hài hòa đẹp mắt. Làng cũng gìn giữ được những cây cổ thụ rất to thân cây mang đầy rêu phong, vươn mình xõa bóng bên hồ nước, rất thơ mộng.

Ở Oshino Hakkai, tôi rất “kết” món đậu hũ đường, hương vị thật giống ở Việt Nam. Thức ăn vặt ở Oshino Hakkai rất ngon, đặc biệt là bánh đậu các loại, bánh trà xanh đặc sản thơm ngon, không quá ngọt như bánh kiểu phương Tây lại như tan trong miệng, không bị nghẹn. Oshino Hakkai cũng có đặc sản nấm hương, các hàng quán thường có nồi lớn nấu nấm hương thơm phức, du khách ngang qua đều được mời nếm thử chén nước nấm hương nóng hổi, thế là rất nhiều người cầm lòng không đặng móc hầu bao rối rít mua nấm tươi, nấm khô. Người Việt Nam thì lạ gì các loại khoai củ, thời bao cấp thấy nồi cơm độn khoai lang là muốn chảy nước mắt, vậy mà đến làng cổ Oshino Hakkai rất nhiều người bị mùi khoai lang nướng hấp dẫn, cũng móc mấy trăm yen mua củ khoai vừa đi vừa thổi. Khoai lang Nhật củ to, nhiều mật vàng ruộm, ăn ngọt thanh cả cổ. Trái cây ở đây cũng phong phú, chất lượng, nhất là dâu tây vừa to vừa ngọt lịm. Nghe nói  Oshino Hakkai cũng là quê hương của giống anh đào ngon nhất Nhật Bản, nhưng vì đến làng không phải mùa nên tôi mất cơ hội thưởng thức.

* Làng cổ Đồng Nai, tại sao không?

Nếu so về tuổi tác, làng Oshino Hakkai có lẽ cũng sàn sàn với vùng Trấn Biên - Đồng Nai. Nhưng trong khi làng cổ nơi đây được cơ quan quản lý du lịch Nhật Bản bảo tồn nguyên vẹn đồng thời phát huy được giá trị lịch sử - văn hóa, những phong tục, truyền thống, nét văn hóa Nhật Bản theo chân du khách đến làng cổ được quảng bá rộng khắp thế giới, thì dự án làng cổ ở Đồng Nai, cụ thể là làng cổ Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) mấy chục năm nay vẫn còn nằm trên giấy. Không riêng gì xã Phú Hội, theo thống kê năm 1998 của ngành văn hóa tỉnh, Đồng Nai có 401 nhà cổ phân bố ở các địa phương: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.

Hồ Waku và Bảo tàng Hannoki Bayashi Shiryokan.
Hồ Waku và Bảo tàng Hannoki Bayashi Shiryokan.

So về kiến trúc, làng cổ Oshino Hakkai không có được ngôi nhà nào có kiến trúc gỗ sánh được với nhà cổ Hội đồng Liêu về mặt chạm trổ nghệ thuật. Huống chi, khu vực xã Phú Hội còn rất nhiều nhà cổ, như nhà của các gia đình: Mã Thị Tám, Phạm Thị Khê… Ngoài ra, Đồng Nai còn các nhà cổ rất có giá trị về mặt kiến trúc, như: nhà cổ Trần Ngọc Du, nhà cổ Nguyễn Bửu Khoa (TP.Biên Hòa), nhà cổ Nguyễn Văn Hảo (huyện Vĩnh Cửu). Tuy nhiên, du khách sẽ không đến chỉ để xem một vài nhà cổ, mà nhà cổ phải gắn liền với không gian sinh hoạt cả cộng đồng với nét văn hóa đặc sắc riêng của vùng, miền về nhiều mặt, như: phong tục, tín ngưỡng, sinh hoạt, ẩm thực, làng nghề… mà làng cổ Oshino Hakkai là một ví dụ.

Giữa làng cổ Oshino Hakkai, khu vực hồ Waku (mùa xuân) được thiết kế thành bảo tàng rất độc đáo. Bảo tàng Hannoki Bayashi Shiryokan có hình dáng như nhà nông dân, lợp mái rạ, trưng bày rất nhiều loại nông cụ, các vật dụng dùng trong gia đình nông dân Nhật Bản xưa, có cả áo giáp cùng các loại vũ khí Samurai, vì đây là nơi khởi phát lễ hội Samurai nổi tiếng… Giữa hồ có một đảo nhỏ cùng cầu bắc ngang để du khách ngoạn cảnh. Nước hồ trong vắt, mát lạnh, từng đàn cá bơi tung tăng. Du khách cũng rất thích ném tiền xu xuống hồ để cầu may.

Năm 2013, người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) làm đơn gửi cơ quan chức năng xin “trả” lại danh hiệu. Một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc là do không được tự chủ ngay trong ngôi nhà của chính mình, mấy thế hệ sống chật chội thiếu tiện nghi trong khi Nhà nước chưa có những chính sách hỗ trợ cụ thể nhưng lại ràng buộc quá nhiều. Ở Đồng Nai tuy chưa đến mức xin trả danh hiệu, nhưng chủ nhân nhiều ngôi nhà cổ không muốn ngôi nhà được công nhận di tích cũng do những bất cập trên.

Để giải quyết hài hòa vấn đề này, Nhật Bản có những chính sách hỗ trợ người dân làng cổ rất thiết thực. Có thể kể: học sinh là cư dân làng cổ được chính quyền cấp cặp đi học có gắn bảng màu vàng “ưu tiên, các phương tiện lưu thông công cộng phải chở các em đi học miễn phí, tất cả xe cộ phải dừng lại khi các em qua đường, người lớn đều phải có trách nhiệm giúp đỡ khi các em cần. Ở làng cổ, cư dân trong làng, chủ yếu là phụ nữ sống nhờ vào kinh doanh sản phẩm du lịch, thuế má được Nhà nước có chính sách giảm phù hợp, vì thế không chỉ sống được mà còn có điều kiện sửa chữa, bảo tồn nhà cửa theo quy định của Nhà nước. Nhà ở làng cổ, kể cả nhà tranh mái rạ, nhưng bên trong vẫn thiết kế rất tiện nghi. Có thể sống yên bình trên quê hương, trong mái nhà của tổ tiên bao đời, ai mà chẳng muốn.

Thanh Thúy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  662,427       8/930