Văn hóa

Búp sen vàng 2016: Mất mùa và cô đơn

6 bộ phim xuất sắc nhất được lựa chọn chiếu tại lễ trao giải Búp sen vàng diễn ra ngày 21-8 tại Rạp Công nhân Hà Nội đã khiến khán giả khá buồn ngủ. Những ai từng theo dõi các mùa giải trước đây, đều không khỏi thất vọng về chất lượng phim năm nay.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (bìa trái) trao giải Búp sen vàng phim truyện xuất sắc do Ban giám khảo bình chọn cho đoàn làm phim XX2016.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (bìa trái) trao giải Búp sen vàng phim truyện xuất sắc do Ban giám khảo bình chọn cho đoàn làm phim XX2016.

Búp sen vàng là giải thưởng thường niên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (gọi tắt là TPD, trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam). Giải thưởng đã tổ chức liên tiếp 6 mùa, trao giải cho các bộ phim tài liệu, phim truyện điện ảnh ngắn, do các bạn trẻ thuộc cộng đồng Chúng ta làm phim của TPD thực hiện. Tuy chỉ là một giải thưởng nội bộ, nhưng Búp sen vàng đã mang đến một nguồn gió tươi mát cho điện ảnh Việt Nam.

Những năm trước, Búp sen vàng có rất nhiều phim tốt. Không thiếu những bộ phim tài liệu chân thật, xúc động, cho thấy sự dấn thân của tác giả, như: Chúng tôi đã cưới, Một ngày bình thường, Mẹ con của Hà… Hay những phim truyện giàu mơ mộng, trẻ trung bắt đầu có ngôn ngữ điện ảnh riêng: Ngoài kia có gì, Hạt cam và con mèo vàng không tuổi... Trong đó bộ phim truyện ngắn Ngoài kia có gì từng đoạt giải thưởng của ban giám khảo dành cho phim ngắn.

Nhưng năm nay, các nhà làm phim tài liệu trẻ vẫn chỉ loanh quanh trong phạm vi gia đình. Bộ phim tài liệu Khi sóng vỗ bờ đoạt giải Búp sen vàng chọn một đề tài rất phức tạp, quá sức với nhà làm phim trẻ, nhưng không tìm được cách kể câu chuyện một cách mạch lạc. Bộ phim tài liệu Rito, Rito chọn được một nhân vật rất hay, nhưng cũng lúng túng về cách kể, cách kết cấu phim.

Mảng phim truyện, có XX2016 đoạt giải Búp sen vàng phim truyện do ban giám khảo bình chọn có ý tưởng và cách kể tốt hơn, tuy nhiên cũng chưa thật xuất sắc.

Đặc thù của Búp sen vàng là gần như phim được trao giải hàng năm đều là phim đầu tay, hoặc cùng lắm là phim thứ hai. Do đó, khó có thể đòi hỏi cao ở các nhà làm phim trẻ lần đầu làm phim. Tuy nhiên, khi các mùa giải trước Búp sen vàng đã duy trì phong độ rất tốt, nhưng đến mùa này chất lượng tự dưng sụt giảm cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi: lý do là gì?

Theo nguồn tin của phóng viên là do tình hình tài chính của TPD hiện không tốt. Mặt khác, những biến động về giảng viên, hầu hết là những nhà làm phim cũng bận rộn với dự án riêng không có nhiều thời gian hướng dẫn cho học viên nên chất lượng phim năm nay không tốt là dễ hiểu.

Dẫu vậy, TPD vẫn đang giữ một vai trò rất quan trọng tại khu vực phía Bắc hiện nay. TPD từng hỗ trợ những nhà làm phim độc lập, như: Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp trong chặng khởi đầu. Và cũng từ đây đang hình thành một lớp nhà làm phim độc lập mới với tư duy làm phim mới mẻ. Trong cộng đồng TPD, các bạn trẻ đã quen với việc làm phim kiểu “con nhà nghèo” như chính họ tự trào “làm phim không tiền cũng như bắn súng không đạn vậy”, nhưng cũng chính từ gian khó họ đã biết cách hỗ trợ nhau và vươn lên.

Với các phụ huynh, TPD là nơi con họ học được kỹ năng sống và nghệ thuật điện ảnh. Chị Phạm Thị Thanh Hoài, mẹ của em Lý Đức Nghĩa sau học lớp Teen nâng cao tại TPD, cho biết: “Tại đây cháu không chỉ học được cách làm phim mà còn biết cách làm việc nhóm, biết cách chia sẻ, nhận thức về cuộc sống của thay đổi. Bây giờ cháu đang nuôi ước mơ sang Mỹ học điện ảnh. Tôi rất vui”.

Trước kia, TPD từng được Quỹ Văn hóa Ford hỗ trợ, nhưng tới giờ thì TPD phải tự lực, không hẳn là dễ dàng vì điện ảnh là một nghề rất tốn tiền.

Tại Việt Nam, hiện nay Nhà nước vẫn tiếp tục đặt hàng sản xuất những bộ phim Nhà nước không thể ra rạp, không thể bán vé. Quỹ điện ảnh đã từng được thành lập nhưng chưa bao giờ hoạt động. Trong khi đó, những trung tâm như TPD, nơi đào tạo tài năng, đang phải tự bơi.

Mộc Lan

Đồng Nai

© 2021 FAP
  661,456       2/1,031