Văn hóa

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: "Bán trâu" vì đồng bào miền Trung

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (ảnh) mất nhiều năm để "đủ duyên" sưu tập bức tranh vẽ các con trâu của họa sĩ trẻ Lại Thanh Dũng (sinh năm 1982, tại Quảng Bình). Khi đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt, chị đã quyết định bán đấu giá bức tranh này để... mua trâu giúp bà con có phương tiện cày cấy làm ăn sau khi nước rút.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (ảnh) mất nhiều năm để “đủ duyên” sưu tập bức tranh vẽ các con trâu của họa sĩ trẻ Lại Thanh Dũng (sinh năm 1982, tại Quảng Bình). Khi đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt, chị đã quyết định bán đấu giá bức tranh này để... mua trâu giúp bà con có phương tiện cày cấy làm ăn sau khi nước rút.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi có cuộc trò chuyện về hành động thiện tâm này.

Chị bảo rằng rất thích bức tranh vì mỗi khi ngắm tranh đem lại cảm giác yên bình. Sao chị lại chọn tác phẩm này đem bán đấu giá vì đồng bào miền Trung mà không phải là bức tranh khác?

- Bức tranh đàn trâu trong một vòng tròn khép kín mang màu xanh thanh bình luôn đem lại cho tôi cảm giác an ổn, bình yên, thanh thản và hạnh phúc đơn sơ. Chính vì lẽ đó, tôi chọn bức tranh này và hy vọng truyền tải được mong ước đó cho người dân miền Trung đang chịu nỗi khổ lũ lụt.
Hơn ai hết, người dân chỉ mong ước có được một hạnh phúc bình dị, một cuộc sống an ổn, thanh bình, êm ấm, có được đàn trâu đi cày, có đủ miếng ăn, lo lắng được cho tụi trẻ đi học. Giờ đây ước mơ nhỏ nhoi đó đã bị phá sạch và tôi mong ước đàn trâu của mình góp phần nhỏ nhoi giúp họ được phần nào xây dựng lại mơ ước của người dân.

Bức tranh này chị mất rất nhiều năm mới tìm mua được. Xin chị kể lại hành trình và “duyên” để gặp được tác phẩm mà mình “truy tìm”?

- Đây là bức tranh tôi vô tình bắt gặp trong một lần ra mắt sách của một nhà văn Việt kiều. Nó ấn tượng tôi mãi đến lúc về nhà vẫn nhớ. Sau đó, tôi liên hệ với phòng trưng bày và với họa sĩ để xin mua nhưng không thấy trả lời cả trên email, điện thoại và cả facebook. Quả thực tôi đã nản, định bỏ cuộc.
Mãi mấy năm sau vô tình sắp xếp các file ảnh trong máy tính, tôi tình cờ thấy lại bức tranh này cùng hình ảnh nhà văn trong buổi ra mắt sách kia. Niềm yêu thích bức tranh trỗi dậy, tôi lại quyết tâm tìm mua bức tranh này và may sao lần này gặp được chủ phòng trưng bày  - một người cũng rất yêu thích sách. Nói chung tôi thấy mọi việc đều có duyên với nhau, khi duyên chưa đến thì việc chưa tới, muốn là của mình cũng không được.

Nguyễn Lệ Chi còn có thương hiệu sách Chibooks với rất nhiều đầu sách đã ấn hành. Nếu chị đem sách ra bán rồi trích lại ít tiền giúp đồng bào miền Trung có phải thuận lợi hơn là đấu giá bức tranh?

- Thực ra tôi đã thành lập Quỹ Chibooks kết nối yêu thương từ năm 2012, thường trích tiền bán sách để giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn, như: bệnh nhi, các mái ấm, trường trẻ em khuyết tật... Và gần đây là bảo trợ cho con gái chị Lò Thị Phanh ở Sơn La (người phụ nữ xấu số bị chết phải bó chiếu chở xe máy về nhà vì quá nghèo) đủ ăn học trong 5 năm tới. Trở lại việc muốn đấu giá bức tranh, bản thân tôi là người yêu nghệ thuật, rất yêu thích tranh và muốn gửi gắm tình yêu nghệ thuật, tình yêu mỹ thuật lan tỏa ra cộng đồng.

Bức tranh vẽ đàn trâu trong bộ sưu tập của dịch giả Nguyễn Lệ Chi được bán đấu giá vì miền Trung.
Bức tranh vẽ đàn trâu trong bộ sưu tập của dịch giả Nguyễn Lệ Chi được bán đấu giá vì miền Trung.

Khi đưa ra đấu giá một bức tranh, hẳn nhiên chị phải kỳ vọng giá cao nhất thu về. Theo chị, ước đoán con số đó là bao nhiêu tiền và ai sẽ là người mua?

- Tranh là một thứ rất cá nhân, tình yêu tranh thường rất cảm tính, khi đã yêu thích bức tranh nào đó, có thể họ sẽ bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu nó mà những người không cùng sở thích sẽ cảm thấy rất khó hiểu. Tôi mong muốn bức tranh với xuất xứ và ý nghĩa như vậy sẽ bán ra được ít nhất từ 50 triệu đồng trở lên.

Sau khi hoàn tất phiên đấu giá này, số tiền thu được chị sẽ chi như thế nào với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình...? Vì như một số nhóm, cá nhân khác khi hướng về miền Trung trong đợt tai họa này đều hướng đến một số đối tượng cụ thể, chẳng hạn nhóm “Moto học bổng” hướng về trường học và học sinh.

- Nếu bán được tranh, tôi sẽ góp số tiền này vào Quỹ Chibooks kết nối yêu thương và có thể sẽ kết hợp đồng hành cùng một số tổ chức từ thiện khác để mua trâu cho người dân. Ngoài ra, tôi và các công ty làm sách tại TP.Hồ Chí Minh đã kêu gọi mọi người cùng đóng góp cho người dân miền Trung lũ lụt với nhiều quà tặng thiết thực, trong đó đóng góp giáo dục như: sách giáo khoa, tập học sinh...

Thanh Kiều (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  659,106       4/946