Văn hóa

Một giọng văn nữ được nhiều đồng nghiệp nam nể phục

Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam Book vừa ấn hành tập truyện ngắn Lao vào lửa và 3 truyện dài: Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam Book vừa ấn hành tập truyện ngắn Lao vào lửa và 3 truyện dài: Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.

Trước năm 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong 5 gương mặt nhà văn nữ thời danh và cả thời thượng, được độc giả miền Nam yêu thích.

Tác phẩm của nữ nhà văn này có nhiều điều cần ghi nhận, nhưng do hoàn cảnh lịch sử nên suốt một thời gian dài không được tái bản. Lần tái bản 4 tác phẩm này được chính nhà văn cho là một sự “tái sinh”. Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cho rằng: “Có lẽ do không đọc đầy đủ, hoặc chỉ nói hùa theo nhận định của người khác nên đã có không ít ý kiến nhận định sai lệch về nội dung các tác phẩm của bà. Từ phía người đọc tôi nhận ra rằng, nhìn chung toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ thể hiện rõ nét, xuyên suốt ở 2 mảng đề tài: nông thôn và vũ nữ thị thành”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ sinh năm 1937 tại Vĩnh Long, dạy học ở quê nhà đến 1965 lên Sài Gòn bắt đầu nghiệp viết. Đã in: Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang (truyện dài) và Lao vào lửa, Mèo đêm, Chiều mênh mông (truyện ngắn). Trong đó, Khung rêu đoạt Giải thưởng văn học miền Nam năm 1971 - một giải thưởng uy tín nhất khi đó.

Theo Lê Minh Quốc, tác phẩm lấy chất liệu từ đời sống của bà con nông dân, cụ thể là Vĩnh Long, nơi tác giả sinh ra. Bà đã dựng lại với những câu chuyện tình yêu, tình đời trong sự đổi thay của thời cuộc. Có thể nhìn thấy qua: Trong trận gió kinh thiên, Như thiên đường lạnh, Chiều xuống êm đềm,  Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya…  Ở đây, không chỉ những biến động dữ dội bên ngoài xã hội mà còn là sự giằng xé, hỗn tạp, đa chiều từ nội tâm của nhiều mẫu nhân vật.

Sức hấp dẫn của Nguyễn Thị Thụy Vũ chính là câu chuyện gia đình, những cuộc hôn nhân éo le, gãy đổ do ràng buộc nghiêm ngặt của quan niệm cũ kỹ. Tác giả còn có biệt tài quan sát khi miêu tả sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc ở nông thôn miền Nam thuở ấy, chẳng hạn hát bội đình làng, giải sầu ca vọng cổ; ngoài ra còn là sự miêu tả các món ăn dân dã, quê mùa rất đỗi thân thương… nay đã ít nhiều trở thành dĩ vãng.

Truyện dài Khung rêu được “tái sinh” lần này.
Truyện dài Khung rêu được “tái sinh” lần này.

Khác những cây bút nữ “thời thượng” của thập niên 1970 ở miền Nam, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã chọn một lối đi khác hẳn: khai thác về số phận vũ nữ, gái quán bar với nhiều chi tiết được thể hiện bằng con mắt quan sát của một nhà báo. Sự tồn tại của loạt tác phẩm về đề tài này, như: Lao vào lửa, Ngọn pháo bông, Mèo đêm… không phải ở tình tiết bề ngoài mà chính là cái nhìn nhân văn, sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn về một tầng lớp phụ nữ bị rẻ rúng, khinh thường - nói như thi hào Nguyễn Du, đó là hạng “sống làm vợ khắp người ta”, nhưng cuối cùng số phận của họ bi đát, cơ cực ra sao, ngòi bút của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã có nhiều nỗ lực chạm đến.

Văn của Nguyễn Thị Thụy Vũ được không chỉ đồng nghiệp nam thế hệ sau này như Lê Minh Quốc đánh giá cao, mà ngay các đồng nghiệp nam thành danh trước năm 1975 tại miền Nam cũng bày tỏ sự nể phục. Họa sĩ, nhà văn Tạ Tỵ nhận xét: “Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà văn phái nữ, hiện diện giữa khung trời văn nghệ với sắc thái đặc thù. Những ý nghĩ bỏng cháy và giãy giụa về thân xác trong mỗi tác phẩm, đôi khi vượt qua ý nghĩ của nhiều người”.

Hay như nhà thơ Du Tử Lê cho rằng: “Tuy xuất hiện có phần trễ hơn một chút so với những cây bút nữ nổi danh thời đó, nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã cho thấy móng vuốt của mình. Những móng vuốt sắc, nhọn và võ công có thể gây hiểm nghèo cho địch thủ khi lâm trận…”.

Đọc những tác phẩm “tái sinh” của Nguyễn Thị Thụy Vũ, người đọc còn bất ngờ khi tiếp cận được lời ăn tiếng nói trước đây của người Nam bộ. Chính sự phong phú, đa dạng về ngôn từ trong truyện của bà sẽ giúp ta hiểu hơn về con người, vùng đất mà những nhà văn thế hệ trước đã từng “khai phá”, như: Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh… Nói cách khác, cách sử dụng ngôn từ trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã góp phần lưu giữ lại tiếng nói, cách phát âm một thời của bà con miệt vườn ở miền Nam đất Việt.

Hoàng Nhân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  655,768       20/1,204