Văn hóa

Tình người trong ngõ nhỏ

Tết năm nay, vở kịch Hồn anh xác em (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) được xem là vở diễn "hot" nhất của Sân khấu kịch Thế giới trẻ.

Tết năm nay, vở kịch Hồn anh xác em (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) được xem là vở diễn “hot” nhất của Sân khấu kịch Thế giới trẻ. Với một câu chuyện nhẹ nhàng, nói nôm na là có nêu gương “người tốt việc tốt”, Hồn anh xác em cócách nào thu hút khán gi gia thi bui nhiu người chthích hài kchrn rn trong mt câu chuyn nht nho?

Dù là con nuôi nhưng Thanh Tú (Quang Tuấn đóng, trái) luôn cảm thấy ấm áp với tình yêu thương vô bờ của người cha nuôi (Tiểu Bảo Quốc đóng). Ảnh: T.G.T
Dù là con nuôi nhưng Thanh Tú (Quang Tuấn đóng, trái) luôn cảm thấy ấm áp với tình yêu thương vô bờ của người cha nuôi (Tiểu Bảo Quốc đóng). Ảnh: T.G.T

Sau Sân khấu kịch Hồng Vân, có lẽ Sân khấu kịch Thế giới trẻ là nơi mặn mòi khai thác dòng kịch kinh dị, thế nhưng năm nay chả có… “con ma” nào ở Thế giới trẻ. Có chăng là hơi hướm liêu trai, chút ma mị thôi không đủ làm khán giả sợ nhưng vẫn tạo một sắc thái khá lạ cho câu chuyện. Có lẽ, đó cũng là lựa chọn, sự chuyển hướng của Thế giới trẻ khi chiều hướng kịch “nhát ma” bây giờ đã bão hòa và khán giả cũng bắt đầu mệt mỏi…

Hồn anh xác em mang màu sắc liêu trai như thế. Chuyện ở một ngõ nhỏ ở TP.Hồ Chí Minh. Thanh Tú - anh chàng điển trai sớm mất cha, mất mẹ, rồi ông nội - điểm tựa duy nhất cũng ra đi. May mắn, Tú gặp chú Bảy và được chú nhận vào gia đình, yêu thương như con ruột. Chú Bảy nhà nghèo nhưng tốt bụng, chạy xe ôm để kiếm sống nhưng thấy chuyện trái tai gai mắt là ra tay nghĩa hiệp. Người ta gọi chú là Hiệp sĩ đường phố, mấy lần nhận được giấy khen, bằng khen của chính quyền. Chú bắt cướp từ trẻ tới già, từ hồi sung sức chạy theo tóm bọn cướp trong những con hẻm ngoằn ngoèo đến khi già bị bọn cướp… rượt trở lại đánh bầm giập, khiến Tú và em trai phải… khóa cửa để ba an tâm ở nhà, không chạy ra ngoài bắt cướp nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh hưởng từ lối sống và mầm thiện của ba nuôi, Tú cũng tiếp tục chạy xe ôm và cũng là một trong những hiệp sĩ đường phố nhiệt tình. Một ngày vì cứu cô gái cùng tên mà Tú bị bọn cướp đâm chết. Khi linh hồn Tú xuống cõi… Lưng chừng (nơi trung gian giữa Thiên đàng và Địa ngục), Tú mới phát hiện mình bị chết oan do thần Ban mai và Bóng đêm làm việc tắc trách đã bắt nhầm linh hồn của anh với cô gái Thanh Tú, cô gái được anh giúp thoát khỏi tay bọn cướp. Và để sửa chữa sai sót này, Thần Sinh tử đã cho Tú nhập lại linh hồn vào thân xác của cô gái Thanh Tú, bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười bắt đầu xảy ra…

Lấy hình ảnh hiệp sĩ đường phố làm trung tâm, đưa những câu chuyện có tính chất nêu gương, nói những câu nói khuyên người ta làm điều tốt, hướng thiện, nhưng Hồn anh xác em không lên gân. Bởi đạo diễn khéo léo lồng ghép thông điệp đó vào những câu chuyện đời thường, dung dị và đầy thuyết phục khi người ta hiểu được luật nhân quả ở đời và “tự nguyện” sống hướng thiện, làm điều tốt theo lương tâm mình mách bảo, chẳng cần ai đó phải rao giảng hay lên lớp.

Nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc quá vững chắc khi vào vai ông Bảy, hiền lành, nghĩa hiệp và cũng hài hước theo một cách rất ý nhị, dễ thương. Chính lối diễn hài tỉnh bơ như không và cách nêm nếm cảm xúc vừa đủ, Tiểu Bảo Quốc đã kết nối được các diễn viên trẻ trong vở, như: Thanh Tú, Quang Tuấn, Gia Bảo, Khả  Như, Diệu Nhi, Puka, Minh Dự… để làm nên câu chuyện giản dị nhưng chạm đến cảm xúc, trái tim người xem.

Những con người trong xóm nghèo, xóm nhỏ của TP.Hồ Chí Minh cũng thiệt là chân tình, dễ thương. Đến cả chủ nợ xéo xắt của ông Bảy còn không làm người ta ghét được thì hỏi sao ai đó sống ở TP.Hồ Chí Minh không yêu mảnh đất này đến thế. Cô Tám qua đòi hàng, không cho ông Bảy may mướn nữa bởi mắt mũi ông kèm nhèm, toàn làm hư đồ người ta. Sau khi rần rần cằn nhằn vì ông mà cô phải đền hàng, cô Tám xách đít về nhưng không quên bỏ bịch sữa chống loãng xương lại, dằn giọng: “Của người ta cho tui mà tại thấy anh yếu nên tui xách qua đây!”. Rồi cô Chín qua đòi tiền hụi, vì ông Bảy hốt trước rồi mà cứ thiếu tiền hụi hoài. Cổ cũng rần rần đòi siết đồ trong nhà này nọ nhưng ầm ĩ vậy thôi rồi cũng quay về, không quên hăm he: “Bữa khác tới nữa!”. Mà hăm he cho… vui vậy thôi, chớ biết nhà ông Bảy nhân nghĩa, tại nghèo quá chứ nào muốn phiền lòng xóm giềng!

Những câu chuyện nhỏ cứ thế trôi đi, có những tình huống kịch khiến người ta bật cười, nhưng cười rồi lại thương, lại thấy xuyến xao. Ở đời, cái tình người làm con người ta hóa giải những mâu thuẫn, những mầm thiện khiến người ta bỏ bớt sân si mà xích lại gần nhau. Ngày xuân, đi coi kịch giải trí, được cười vui thoải mái nhưng trên hết là thấy ấm lòng khi nhìn thấy những mảnh tình dung dị chơn chất vẫn còn đâu đó trong cuộc sống…               

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  653,346       3/953