Văn hóa

Hương rạ

Tháng tư, tháng năm, cái nắng gắt gao đổ lửa, giục những bông lúa uốn câu, vàng ruộm. Chỉ khoảng một hai đợt nắng như thế, quê tôi lại xôn xao vào vụ gặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet

Ký ức đọng lại trong tôi là những thửa ruộng đã gặt xong, những gốc rạ trơ trọi cùng với một mùi hương thoang thoảng dịu nhẹ.

Rạ là phần gốc của cây lúa, thường ít ai để ý. Chỉ trừ nhà nào chăn nuôi gia cầm, gia súc hay làm nương rẫy thì cần tới nó để ủ phân, làm ẩm gốc cây trồng, giữ nước cho cây. Cha mẹ tôi không những thuần nông mà còn là một trong những hộ gia đình làm rất nhiều ruộng, nương rẫy. Rạ được cha mẹ tận dụng để mang về. Nhiều thì đốt lấy tro, ít thì rải gốc cây. Vì thế, mùa gặt nào tôi cũng có nhiệm vụ ra đồng cắt rạ. Hương rạ bám víu vào quần áo, vào da thịt ngai ngái nồng nồng. Những hôm mệt, tôi nằm ngay trên những ụn rạ, ngửa mặt nhìn trời xanh, xung quanh đám chim sâu lích chích, lũ châu chấu đập cánh bay loạn xạ. Hương rạ theo tôi lẩn quất vào trong cả giấc ngủ vội trên triền cỏ nội biếc xanh.

Hương rạ men theo cả tiếng cười tuổi thơ tinh nghịch của trẻ mục đồng nghêu ngao câu đồng dao chiều muộn. Đám trẻ con nghịch ngợm ôm cả từng nắm rạ mà tung tẩy nghịch nhau. Hương rạ theo đám trẻ con trong làng cùng những trận vui hết mình bên đống lửa với củ khoai, bắp ngô, củ sắn vặt trộm. Lửa rạ tí tách reo vui cùng đám trẻ thơ trong sáng hồn nhiên. Giản đơn mà nhớ mãi!

Trên con đường trở lại thành phố, cảm giác bất tận và hoang hoải khi đứng giữa cánh đồng gốc rạ, hương rạ cứ thoang thoảng. Tôi dừng lại một vài phút, hít đẫy đà cho đầy lồng ngực. Tôi tham lam muốn ôm trọn lấy cả hương quê mang theo lên phố. Nghe hương rạ tôi như thấy cả quê hương xứ sở dõi theo bên mình từng phút, từng giây.

Cao Quyền

Đồng Nai

© 2021 FAP
  650,873       1/884