Văn hóa

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: Tâm tình lớn của nữ lưu đã trở lại

Dù bà từ chối danh hiệu "nhà văn tiêu biểu của trào lưu nữ quyền" (feminism), nhưng những tác phẩm của bà thì đi ngược lại sự từ chối đó. Sau gần nửa thế kỷ vắng bóng, 10 tác phẩm của nữ nhà văn hàng đầu tại miền Nam trước năm 1975 đã tái bản.

Dù bà từ chối danh hiệu “nhà văn tiêu biểu của trào lưu nữ quyền” (feminism), nhưng những tác phẩm của bà thì đi ngược lại sự từ chối đó. Sau gần nửa thế kỷ vắng bóng, 10 tác phẩm của nữ nhà văn hàng đầu tại miền Nam trước năm 1975 đã tái bản. Điều đặc biệt, những vấn đề mà Nguyễn Thị Thụy Vũ đặt ra trong tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên giá trị với tâm tình của nữ lưu ngày nay.

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (ngồi giữa, đeo kính) tại buổi ra mắt sách ở Đường sách TP.Hồ Chí Minh chiều 19-3-2017. Ảnh: TL
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (ngồi giữa, đeo kính) tại buổi ra mắt sách ở Đường sách TP.Hồ Chí Minh chiều 19-3-2017. Ảnh: TL

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ bắt đầu viết văn từ năm 1965. Từ đó cho tới năm 1975, bà xuất bản 10 tác phẩm, gồm 3 tập truyện ngắn: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông; 7 truyện dài: Ngọn pháo bông, Thú hoang, Khung rêu (Giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1971), Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Cho trận gió kinh thiên. Tất cả 10 tác phẩm này vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phương Nam Book tái bản, đợt 1 gồm 4 tác phẩm vào cuối năm 2016, đợt 2 vừa phát hành.

Tại miền Nam trước 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ được xếp vào 5 tác giả nữ tiêu biểu, bên cạnh Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng. Đặc điểm lớn trong văn phong của Nguyễn Thị Thụy Vũ là có thể dùng góc nhìn nam giới để viết về nữ giới, để bênh vực, chia sẻ cùng họ - những người phụ nữ trong thời chiến.

“Văn chương Thụy Vũ thật khó xác định. Chị viết về tâm sự cô đơn của các cô gái già, chị viết về xã hội các cô gái buôn hương bán phấn, chị viết về sinh hoạt của gia đình nhiều biến cố có liên quan đến thời cuộc và đến những khúc quanh của lịch sử. Đó là thứ văn chương hiện thực xã hội pha trộn một chút bóng dáng văn chương nổi loạn, vốn là tàn dư sót muộn của văn chương hiện sinh. Trừ Nhã Ca ra, bốn nhà văn nữ Trùng Dương, Túy Hồng, Thụy Vũ và Nguyễn Thị Hoàng xiển dương thứ văn chương tình yêu trượt qua tình dục, không cần miễn cưỡng, không cần chống đối sự trượt ngã ấy. Văn chương của họ phải tách ra phong cách cô giáo, phải phản ảnh trung thực cái ước vọng của họ, không cần ngụy trang nếp suy nghĩ của mình” - nhà văn Hồ Trường An nhận định.

Còn nhà văn Ngô Thị Kim Cúc thì cho rằng: “Bằng cách viết không quá dụng công về kỹ thuật, với một văn phong giản dị, sử dụng không hạn chế ngôn từ dân gian đậm đặc chất Nam kỳ, là phong cách rất riêng của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Đọc truyện bà, người ta có cảm giác được nghe một người từng trải, thâm trầm đang tẩn mẩn tỉ mỉ kể lại những câu chuyện đời, trong đó có những điều hết sức riêng tư thầm kín của nhiều dạng người khác nhau, không hề xen lời bình phẩm, chỉ để từng chi tiết tự bộc lộ cái nhếch mép kín đáo hoặc cái chớp mắt cúi mặt để lướt qua những cơn buồn. […]. Nhưng cuối cùng, điều đọng lại rõ nhất trong độc giả sau khi đọc Nguyễn Thị Thụy Vũ: có một quá khứ đang từ từ thức dậy theo ngòi bút của bà. Những ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói thân thương, rặt chất Nam kỳ nhất, đã từ lâu không còn xuất hiện trên văn bản, trên sách báo bỗng gọi nhau trở về. Chúng làm tươi lại, làm đa dạng và giàu có vốn từ tiếng Việt đang rụng rơi, mai một dần vì đủ thứ lý do”.

Sau năm 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ làm nhiều nghề khác nhau, từ lơ xe đò cho đến chăn dê, trồng cà phê… để nuôi 4 con nhỏ. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cứ tưởng cơ hội để độc giả ngày nay được tiếp xúc lại tác phẩm của bà là khá vô vọng. Cho nên, việc tái bản 10 tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ được nhiều người trông đợi. Và quan trọng hơn, sau gần nửa thế kỷ “ngủ quên”, các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn còn “tươi trẻ” khi thức giấc, nên chắc chắn sẽ còn đủ sức hấp dẫn độc giả xa gần, đặc biệt là giới nghiên cứu hàn lâm.

Văn Bảy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  649,117       1/818