Văn hóa

Tuổi thơ

Tuổi thơ là quá khứ đẹp nhất của mỗi người. Đó là ký ức về những cánh đồng lúa bát ngát chạy xa tít chân trời. Là mùi thơm của hương lúa trổ bông xen lẫn mùi hoa cỏ đồng nội.

Là cánh cò bay dập dìu dưới những con diều căng gió trên cao. Đã có một thời tuổi thơ của tôi sống trong mùa hè không thể thiếu tiếng sáo diều vi vu, tiếng trâu gọi bạn hay tiếng của lũ chim khách vờn nhau trên những cành khế chín.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuổi thơ với những ngày chạy nhảy ngoài đồng đầy tiếng cười rộn rã, nhìn cánh đồng lúa chín vàng ươm với những bông lúa nặng trĩu và sự hối hả của mọi người vào mùa gặt. Tôi nhớ những nếp nhăn trên khuôn mặt đăm chiêu của cha, những giọt mồ hôi của mẹ rơi dưới trời nắng cháy, nụ cười của mọi người khi lúa được mùa. Tất cả đều mang nét hiền hòa chân chất.

Thời đẹp như tranh của thuở còn tấm bé, tiếng võng à ơi ngoại ru cháu ngủ, tiếng quạt nan phấp phới khi tay bà mang gió đến cho cháu chìm vào giấc ngủ say. Câu hát đồng dao với những đứa bạn cùng xóm, những lần chơi nhà chòi, ăn trứng đắp đất, củ khoai nướng dối, nhớ vị chua chua của cà na khi chín. Chỉ có vậy mà vui, mà đầy tiếng cười trong trẻo.

Tuổi thơ là những ngày mưa dầm đất, cha mẹ không đi làm đồng được, cả nhà quây quần pha bột đổ bánh xèo tôm đất hay nấu bánh canh cua ấm nóng trong bầu không khí lành lạnh của cơn mưa rả rích ngoài hiên. Tuổi thơ là những buổi chiều dắt trâu ra triền đê gặm cỏ, là những đêm mưa chạy đi bắt cá rô lên bờ.

Thời gian có bôi xóa bao nhiêu thì những ký ức tuổi thơ vẫn in hằn trong tâm trí của mỗi người. Những kỷ niệm về dòng sông, những hàng tre, những bụi mía, hàng cau, một dải khói lam dưới mái nhà tranh, mái nhà đầy tiếng cười ấm áp của những người thân thương… là hành trang để mỗi người mang theo khi đi xa. Và đó cũng là niềm lưu luyến để những người xa quê muốn được trở về với nơi mà tuổi thơ đã từng gắn bó đậm sâu, nghe tuổi thơ mời gọi như tiếng sáo diều vi vu...

Hoàng Trường

Đồng Nai

© 2021 FAP
  646,826       13/1,621