Văn hóa

Khán giả vẫn rất nặng tình

Thời điểm này, chỉ cần ngồi tại nhà và bật tivi, ai cũng có thể xem đủ các chương trình giải trí. Vậy nhưng mỗi khi Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh, huyện, thị, thành phố biểu diễn, vẫn có không ít người dân ra khỏi nhà để tìm đến nơi biểu diễn.

Ông Trần Văn Hồng (phải), người có uy tín tại ấp Phú Kiên, xã Phú Bình, huyện Tân Phú, cảm ơn các thành viên trong đội chiếu phim lưu động vì đã cho bà con có một đêm giải trí vui vẻ. Ảnh: V.TRUYÊN
Ông Trần Văn Hồng (phải), người có uy tín tại ấp Phú Kiên, xã Phú Bình, huyện Tân Phú, cảm ơn các thành viên trong đội chiếu phim lưu động vì đã cho bà con có một đêm giải trí vui vẻ. Ảnh: V.TRUYÊN

* Vì nghĩa, vì tình...

Bà Dương Thị Mày (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho hay: “Nghe thông báo trên loa truyền thanh của xã thì nào ai đã biết chương trình hay dở ra sao, có thể không bằng nghệ sĩ đang nổi đình nổi đám diễn trên tivi. Mọi người đã lặn lội đường xa vào tận Thanh Sơn xem trước hết là vì quý cái nghĩa, cái tình của nghệ sĩ”.

Không chỉ người dân ở vùng nông thôn mới tìm đến xem chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật lưu động, mà ngay ở TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh người dân vẫn tìm đến xem rất đông. “Nhiều cháu trong Đội Tuyên truyền lưu động thị xã hát có khi còn vấp, trật nhịp nhưng tôi và mọi người vẫn đến xem, trước hết để cổ vũ tinh thần cho người trên sân khấu vì đã tự tin đứng trước đám đông. Tôi nghĩ cũng đừng đòi hỏi quá cao, nhất là với các đội tuyên truyền lưu động vì lực lượng thường là cây nhà lá vườn, các em tham gia biểu diễn vì nhiệt tình, đam mê là chính chứ thù lao nhận được mỗi đêm chỉ vài chục ngàn đồng thôi”- ông Dương Văn Thanh (ngụ phường Xuân Trung,
TX.Long Khánh) nói.

Những buổi chiếu phim lưu động do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai thực hiện cũng luôn thu hút một lượng khán giả khá đông đến theo dõi. Điều này đã góp phần động viên tinh thần những người làm công tác chiếu phim. Anh Trần Văn Quảng (công nhân đang thuê trọ tại xã Hóa An, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Bây giờ mua vé xem phim rẻ lắm, người xem được lựa chọn phim, chọn giờ xem, ngồi xem trên ghế nệm, có máy lạnh, nhưng đi xem phim lưu động miễn phí cũng có cái hay riêng. Trước hết là người coi khỏi trả tiền vé. Phim chiếu lưu động có nhiều phim tuy đã cũ nhưng tôi chưa coi lần nào, nhất là phim đề tài chiến tranh cách mạng, phim về danh nhân văn hóa”.

* Vì trách nhiệm và yêu nghề    

Nếu khán giả vì nghĩa, vì tình và vì hay mà đến xem các buổi biểu diễn lưu động thì chính những người trực tiếp phục vụ nhân dân ở từng đơn vị nghiệp vụ văn hóa của tỉnh, các huyện, thị, thành phố lại vì trách nhiệm và vì lòng yêu nghề mà gắn bó với công việc.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc tuy là đoàn nghệ thuật địa phương, biểu diễn phục vụ nhân dân hoàn toàn miễn phí song các vở diễn sân khấu, chương trình ca nhạc, trang phục dành cho nghệ sĩ đều có sự đầu tư để làm “đã” tai và vừa mắt khán giả. Trong đó, những vỡ diễn mới, có chất lượng luôn được Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai xây dựng và ra mắt khán giả, trong đó có thể kể đến: Tình sử hai vương triều, Ánh đèn khuya... Hay mới đây nhất đơn vị này còn phối hợp với nhiều tên tuổi nổi tiếng của Nhà hát múa rối Việt Nam xây dựng vở múa rối Dòng chảy cội nguồn tiến tới biểu diễn rộng rãi phục vụ nhân dân trong thời gian tới. Theo NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, những năm qua đơn vị luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong tỉnh bằng việc đem đến cho người xem những vở diễn sân khấu có chất lượng, nội dung đề cao cái hay cái tốt, phê phán cái xấu.

Trách nhiệm với công việc được giao và lòng yêu nghề của những nghệ sĩ trực tiếp hưởng lương nhà nước đã đáng quý, và còn đáng trân trọng hơn với những cộng tác viên thuộc các đội tuyên truyền lưu động thuộc trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị, thành phố. “Mỗi lần biểu diễn tôi được trả thù lao cộng tác viên là từ 60-110 ngàn đồng. Tính ra thì tiền mua trang phục, xăng xe, trang điểm còn cao hơn nhiều so với số tiền thù lao nhận được. Nhưng vì đam mê ca hát, mỗi khi đứng trên sân khấu hát được mọi người bên dưới vỗ tay cổ vũ thì còn gì vui bằng, nên tôi tham gia cộng tác với trung tâm đã hơn 3 năm rồi” - chị Phan Thị Hồng Nga (ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa, chia sẻ.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  645,714       1/947