Văn hóa

Tấm lòng son nơi núi Ấn, sông Trà

Núi Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ được xem là đệ nhất thắng cảnh mà còn là "núi thiêng" của người xứ Quảng.

Núi Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ được xem là đệ nhất thắng cảnh mà còn là “núi thiêng” của người xứ Quảng. Núi nằm cạnh sông Trà Khúc, không cao lắm nhưng độc đáo ở hình dáng như chiếc ấn, trên núi có ngôi chùa cổ mang tên Thiên Ấn được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716, cách đó 100m là ngôi mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Quần thể này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là niềm tự hào của người dân xứ Quảng. Cụ sinh ngày 1-10-1876 trong gia đình nhà nông nghèo tại làng Bình Thạnh (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), nhưng luôn lập chí vươn lên. Thi đậu tiến sĩ năm Canh Tý (1900) nhưng cụ không ra làm quan mà cùng với các sĩ phu yêu nước khác như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, xây dựng đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hóa.

Phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, năm 1908 cụ bị bắt đi đày ở Côn Đảo suốt 13 năm. Ngay sau khi được tự do, cụ ra ứng cử dân biểu và năm 1926 trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, trực diện đấu tranh đòi hỏi dân sinh, dân quyền cho người dân suốt 3 năm. Cụ còn thành lập tờ báo nổi tiếng Tiếng Dân tại Huế, tự làm chủ bút và điều hành suốt 16 năm cho đến khi tờ báo bị thực dân đình bản vào năm 1943 vì những nội dung bảo vệ quyền lợi dân tộc, phê phán hệ thống thực dân và vua quan phong kiến hèn nhát. Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm việc, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an hiện nay). Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, cụ được tin tưởng trao trọng trách Quyền Chủ tịch nước. Ngày 21-4-1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng lâm bệnh rồi qua đời tại Quảng Ngãi trong lúc đang đi công tác với tư cách đặc phái viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

* Đấu tranh cho chủ quyền Hoàng Sa

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết năm 2015 tại Hội thảo khoa học: “Huỳnh Thúc Kháng - Quê hương, gia đình, tuổi trẻ” do tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bài báo 4 kỳ viết về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân năm 1938.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (Tiền Giang), tháng 7-1937 khi chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, quân đội Nhật Bản tiến chiếm Trung Quốc và có ý đồ thôn tính quần đảo Hoàng Sa (lúc ấy do Pháp và triều đình nhà Nguyễn quản lý). Từ đó, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Pháp và Nhật Bản khá căng thẳng. Do truyền thông thời bấy giờ sử dụng tiếng Pháp gọi Hoàng Sa là Paracels, tiếng Hán gọi là Tây Sa, nên cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng sử dụng tên gọi này để dễ bề xác định nơi đang được đề cập, đồng thời tiện phổ biến thông tin đối ngoại. 

Loạt bài 4 kỳ đăng trên báo Tiếng Dân gồm: Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp (số 1280, ra ngày 12-7-1938), Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng (số 1281, ngày 16-7-1938), Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy (số 1282) và Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục (số 1284, ngày 23-7-1938). Trong đó, với phương pháp tra cứu các tư liệu lịch sử, tài liệu từ thư tịch cổ, như các bài viết trên báo Đông Pháp, Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, hoàn thành năm 1776), Đại Nam nhất thống chí (cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại), Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Công hạ ký văn của Trương Quốc Dụng, Mân hành thi thoại Đông hành thi thuyết của Lý Văn Phức ghi lại trong những chuyến đi Trung Quốc và Lucon (Philippines) năm 1832, Việt sử thông giám cương mục khảo lược của Nguyễn Thông... để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước ta.

Bài báo nêu rõ: Hoàng Sa thuộc về nước Việt Nam từ năm 1816 dưới triều vua Gia Long. Bên cạnh việc phản đối Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, cụ Huỳnh thẳng thắn cho rằng người Nhật đã tham lam vô lý khi nói đến chủ quyền với Hoàng Sa. Cụ lập luận: “Gần mấy lúc đây, ở Đông Dương đã có phái cảnh binh An Nam ta ra đảo ấy để bảo vệ cho người chài lưới bản xứ, lại thường phái tàu binh ra đó tuần phòng. Như trên đã nói, đảo này do nước Nam ta chiếm trước nhứt, là sở hữu của xứ Đông Dương, chớ người Nhật ở bên ba hòn đảo Phù Tang xa tít mù kia, dính dáng gì đến đảo này mà đứng ra tranh cãi...”. Từ đó, bài báo kết luận: “Vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” này, nếu trên sân khấu quốc tế nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta”.

Người dân viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở núi Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Người dân viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở núi Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

* Làm quan không phải để “vinh thân phì gia”

Từ chân núi Thiên Ấn, một con đường uốn lượn quanh co với dòng Trà Khúc thấp thoáng bên dưới đưa chân du khách đến mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Mặc dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng mộ của người từng là Quyền Chủ tịch nước khá đơn sơ, giản dị. Ông Nguyễn Đăng Vũ cho biết đây là thể theo ý muốn lúc sinh thời của cụ. Cả đời cụ luôn sống khiêm cần, ghét xa hoa, thậm chí khắc kỷ với chính mình vì cho rằng trong lúc đất nước còn khó khăn, người dân còn nghèo đói thì bản thân không thể ăn ngon mặc đẹp. Cụ luôn nhấn mạnh, làm quan là để phục vụ nhân dân chứ không phải để “vinh thân phì gia”. 

Rất nhiều câu chuyện về cụ, lời nói của cụ vẫn còn được người dân xứ Quảng truyền tụng như những chuẩn mực về đạo đức làm người, đối nhân xử thế chốn quan trường. Thi đậu tiến sĩ nhưng không ra làm quan vì sớm nhận ra sự bất lực, thối nát của tầng lớp vua quan phong kiến, nhưng sau đó cụ ra ứng cử dân biểu với mong mỏi biến nơi đây thành diễn đàn công khai để bảo vệ lợi ích người dân, và với vai trò đại biểu nhân dân, cụ nhiều lần hành động không để nghị trường biến thành “cái bánh vẽ” như ý đồ ban đầu của thực dân Pháp.

Ngày 10-3 âm lịch năm 1946, lần đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng vương. Thay mặt quốc dân đồng bào, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng lên Quốc tổ thanh bảo kiếm và tấm bản đồ nước Việt. Thời điểm đó, giặc Pháp đã tái chiếm Nam bộ, cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt, những lễ vật dâng lên Tổ Hùng vương của cụ khẳng định quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước tới cùng của quân dân cả nước.

Trong thư vĩnh biệt cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Ngày 15-4-2013, tại quê nhà cụ ở huyện Tiên Phước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Khi lâm bệnh nặng, biết không qua khỏi nên mấy ngày trước khi qua đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết bức tâm thư gửi Bác Hồ:

“Kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi bị bệnh không qua khỏi, 40 năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước nhà đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện. Thế là tôi chết hả chí! Tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc

Chào vĩnh quyết

Huỳnh Thúc Kháng”

Hà Lam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  642,055       3/881