Văn hóa

Công nhân cần tiếp cận đời sống văn hóa lành mạnh

Ngày 4-10, tại Đồng Nai đã diễn ra hội thảo "Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai và miền Đông Nam bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa"...

Ngày 4-10, tại Đồng Nai, Trường đại học văn hóa Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức hội thảo “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai và miền Đông Nam bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Công nhân, người lao động của các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức vào tháng 9-2017.
Công nhân, người lao động của các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức vào tháng 9-2017.

Do đời sống văn hóa, tinh thần còn nghèo nàn, không ít công nhân lao động đã có lối sống buông thả, sa chân vào các tệ nạn xã hội, bị đối tượng xấu lôi kéo, kích động.

* “Cầu” nhiều “cung” chẳng bao nhiêu

Hơn 10 tham luận tại hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, giảng viên, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp tại Đồng Nai và các tỉnh, thành đều nhận thấy đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn rất hạn chế.

Sau giờ làm việc, họ thường ngủ nướng để tái tạo sức lao động, nấu ăn, nghe nhạc qua điện thoại, lướt facebook tán gẫu. Nhiều khi, công nhân chấp nhận tăng ca để kiếm thêm thu nhập nên không còn thời gian và nhu cầu thưởng thức văn hóa - văn nghệ.

Theo nghiên cứu của TS.Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường đại học văn hóa Hà Nội, việc tiếp cận các thiết chế văn hóa của công nhân hiện nay rất khó khăn. Do không được định hướng, không có sân chơi, nhiều công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, biểu tình, gây rối.

Ông Nguyễn Duy Phương, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, các nhà quản lý văn hóa và cơ quan chức năng cần đi sâu, đi sát, nắm bắt xem họ thật sự cần nghe gì, muốn xem gì, cần luyện tập thể dục - thể thao ra sao để hỗ trợ họ chứ không chỉ là đề xuất những giải pháp vĩ mô về văn hóa”.

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó phòng Lao động Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết: “Khi đến các khu nhà trọ tập trung vào những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi thường bắt gặp cảnh công nhân ngủ muộn. Nam công nhân thì tập trung đánh bài, uống bia rượu. Nữ công nhân thì tập trung xem các bộ phim tình cảm hoặc nấu ăn, trò chuyện..."

Cũng theo bà Nguyệt, chính sự nghèo nàn, đơn điệu trong văn hóa giải trí của công nhân lao động dễ dẫn đến một số hiện tượng, như: đánh nhau, cãi vã, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và những người xung quanh.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho hay qua khảo sát, nhà trọ dành cho người lao động nhập cư thuê đa số không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Các yếu tố thiết yếu cho cuộc sống như: diện tích, vệ sinh, môi trường, điện, nước... đều thiếu thốn. Đa số phòng trọ chỉ rộng 10-12m2, thậm chí có phòng chỉ có 7-8m2. Để tiết kiệm chi phí, họ chấp nhận ở chung 3-5 người/phòng.

Cũng bởi vậy mà theo Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng, một trong những thú tiêu khiển hiện nay của công nhân lao động là lên facebook, zalo để trò chuyện, chia sẻ... Nếu không có định hướng rõ ràng, công nhân dễ sa vào các tệ nạn như: trộm cắp, ma túy, mại dâm, cờ bạc...

* Cần phải biết công nhân muốn gì

Đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, tỉnh có 233 doanh nghiệp đang hoạt động tại 15 khu công nghiệp với hơn 51 ngàn công nhân lao động. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 dự án nhà ở công nhân đã đưa vào sử dụng, đáp ứng cho hơn 5 ngàn công nhân có chỗ ở ổn định.

Tuy nhiên, các công trình nhà ở công nhân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có quy hoạch xây dựng các công trình công cộng như: nhà trẻ, trường học, khu vui chơi... Chỉ có một số doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng sân thể thao, thư viện, sân khấu biểu diễn để phục vụ người lao động của công ty. Các thiết chế văn hóa của Bà Rịa - Vũng Tàu vì vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra mục tiêu xây dựng nhà ở cho 20 ngàn công nhân lao động và các thiết chế văn hóa để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho họ.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial Đinh Sỹ Phúc cho biết, để hơn 33 ngàn người lao động của công ty có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh là điều không dễ. Bởi lẽ, người lao động của công ty đến từ nhiều vùng miền khác nhau, có trình độ văn hóa và nhu cầu thưởng thức văn hóa khác nhau. Phía Công đoàn công ty đã tiến hành khảo sát với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi để tổ chức những chương trình, hoạt động liên quan đến văn hóa phù hợp.

“Bên cạnh tổ chức các chương trình văn hóa - văn nghệ, thể thao tại công ty, chúng tôi mở thêm các khóa học để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn cho người lao động của công ty. Tham gia các lớp này, người lao động được miễn và hỗ trợ hoàn toàn học phí. Các giáo viên đều là những người có trình độ chuyên môn” - ông Phúc cho hay.

Theo ông Hà Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội, sau nhu cầu về nhà ở, trường học, chợ, bệnh viện, thì không gian vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa lành mạnh là điều mà công nhân, người lao động thực sự cần.

Cũng theo ông Đông, để tạo sự chuyển biến trong đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân lao động, rất cần những chủ trương, chính sách hợp lý từ cấp quản lý nhà nước; sự chung tay, góp sức và trách nhiệm của phía chủ doanh nghiệp. Đồng thời, phải làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người lao động trong việc tham gia các hoạt động liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần tại nơi ở và nơi làm việc.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  641,230       1/862