Văn hóa

Khi rác bao vây

Việc một số người dân ở TP.Biên Hòa vứt rác bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho công trình thoát nước trong đô thị không phát huy được hết tác dụng.

Nhà nước đã phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đầu tư hệ thống thoát nước, thế nhưng sự vô ý của nhiều người dân khiến cho rác bao vây lấy miệng cống thoát nước.

Nhiều miệng cống thoát nước trên quốc lộ 1  bị rác bao phủ hoàn toàn. Ảnh: V. Nam
Nhiều miệng cống thoát nước trên quốc lộ 1 bị rác bao phủ hoàn toàn. Ảnh: V. Nam

Phải thừa nhận rằng, các công trình chống ngập nước trong TP.Biên Hòa khi đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả. Nhiều người cho rằng, việc chống ngập cục bộ trong thành phố người dân cũng phải có một phần trách nhiệm.

* Rác bít bùng

Quốc lộ 1 từ khu vực Công viên 30-4 đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thuộc phường Tân Biên, là khu vực người dân thường than phiền tình trạng ngập nước mỗi khi trời mưa lớn. Trên thực tế, khu vực này đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã đầu tư hệ thống cống thoát nước khá lớn. Các miệng cống thoát nước khá rộng, có nắp bằng lưới sắt để ngăn rác và an toàn cho người qua lại. Thế nhưng nhiều miệng cống hiện đã bị rác bít kín mất khả năng thu nước.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở KP.9, bức xúc: “Khu vực này rác rất nhiều, rác từ người dân của địa phương vứt bừa bãi cho đến rác của những người đi đường xả ra. Nhiều người đi xe ô tô nhưng rất vô ý, ngồi trong xe ném bịch rác xuống đường hồn nhiên. Khi mưa các bịch ny-lông trôi bít hết miệng cống thì làm sao không tắc được”. Việc ông Hùng  bức xúc là có lý. Tại khu vực này rất nhiều miệng cống thoát nước rác đã lấp kín, nước không thể chảy xuống cống được. Cũng như ông Hùng, ông Lê Văn Thành ở KP.10 cho hay, nơi đây là điểm trũng khi mưa lớn nước ở nơi khác chảy về khá mạnh, nhiều người dân mang rác sinh hoạt gia đình ra vệ đường bỏ nên khi mưa lớn không thể nào tránh khỏi tình trạng nghẽn cống.

Không chỉ khu vực trên mà nhiều điểm khác trong nội ô thành phố tình trạng vứt rác bừa bãi cũng làm tắc dòng chảy khiến nước rút không kịp.

* Mong dân cùng hợp tác

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết khi đơn vị đầu tư hệ thống thoát nước tại các điểm ngập nặng đơn vị chức năng đều tính toán kỹ lưu lượng nước để thiết kế hệ thống cống thoát cho hợp lý, tuy nhiên một số điểm bị rác bủa vây nên tái ngập. Ông Thanh cho hay khi thiết kế miệng thoát nước Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thường tính toán khá kỹ kể cả để khi rác có bít một phần miệng cống nước vẫn thoát kịp, nhưng thực tế có những nơi rác nhiều đến nỗi bít kín luôn cả miệng cống.  

Ông Trần Dương Vũ, Phó phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, chia sẻ trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp nhưng tỉnh và thành phố cũng đã cố gắng sắp xếp vốn, số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng dành cho hệ thống chống ngập, công trình đã có, vấn đề cần sự hợp tác và ý thức của người dân. “Nhiều chỗ tôi thấy dân cứ thấy miệng cống mà để rác. Như vậy làm sao mà nước thoát được, đôi khi thấy nhắc nhở còn bị cự lại. Khi trời mưa, anh em phải đội mưa đi gom rác để cho nước thoát rất cực. Chỉ cần người dân ý thức hơn một chút là đỡ rất nhiều” - ông Vũ bộc bạch.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  641,267       3/865