Văn hóa

Hiệu quả từ các câu lạc bộ gia đình

Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực, nuôi dạy con tốt... là những việc làm thiết thực, hiệu quả được các câu lạc bộ gia đình trong tỉnh duy trì.

Các thành viên Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) tìm đọc sách về hôn nhân gia đình, khuyến nông trong khi chờ các thành viên đến đủ để sinh hoạt.
Các thành viên Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) tìm đọc sách về hôn nhân gia đình, khuyến nông trong khi chờ các thành viên đến đủ để sinh hoạt.

Mặc dù mới tham gia câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp được một thời gian ngắn nhưng chị Đào Thị Thu, ở ấp 4, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đã được hỗ trợ vay 8 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

* Giúp nhau xây dựng gia đình

Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững là mô hình được triển khai từ năm 2003 và được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phát triển từ năm 2008. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 612 câu lạc bộ với nhiều tên gọi khác nhau, như: câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; các câu lạc bộ gia đình tôn giáo, dân tộc, nông dân, công nhân... hạnh phúc; câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình...

Chị Thu cho biết, chồng làm thợ xây, chị ở nhà vừa ươm cây vừa chăn nuôi heo. Do phải dành tiền đóng học phí, quần áo, sách vở cho các con nên việc đầu tư thêm vốn để ươm cây, chăn nuôi cũng khó khăn.

Đang không biết phải xoay xở thế nào thì chị được câu lạc bộ cho vay 8 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng nhờ có nó mà vụ cây vừa rồi chị Thu đã xuống giống kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ấp 4 cho biết, được thành lập từ năm 2008 với tên gọi là câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ 3.

Ngoài các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác gia đình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan... các thành viên câu lạc bộ còn tự nguyện đóng góp vốn, tạo nguồn hỗ trợ cho các thành viên khó khăn hơn. Với số vốn hiện tại trên 100 triệu đồng, những năm qua câu lạc bộ đã giải quyết cho nhiều trường hợp khó khăn như chị Thu vay vốn lãi suất thấp.

Cán bộ phụ trách công tác gia đình - trẻ em xã Sông Trầu Lưu Thị Sáu nhận định nhờ có sự ra đời của các câu lạc bộ gia đình, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn xã giảm đáng kể. Năm 2008 toàn xã xảy ra 30 vụ bạo lực gia đình, hiện tại giảm còn khoảng 6 vụ/năm.

Thành lập từ năm 2014, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc (ở KP.6, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã tổ chức được các lớp dạy nghề: bảo mẫu, trang điểm, nấu ăn...; giới thiệu việc làm giúp một số chị em có thu nhập ổn định.

Trước đây, chị Trần Thị Thu Hương ở nhà làm nội trợ. Tiền lương công nhân của chồng không đủ trang trải sinh hoạt phí, tiền học cho 2 con nên chị Hương muốn kiếm việc làm. Sau khi tham gia lớp học nghề bảo mẫu, chị Hương xin vào làm tại trường mầm non gần nhà và tiếp tục học lên trung cấp mầm non. Hiện tại, mức thu nhập của chị ở trường không cao nhưng đã giúp giảm bớt áp lực kinh tế gia đình lên vai chồng.

Chị Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ nhiệm câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, cho biết sắp tới câu lạc bộ sẽ cùng với Chi hội phụ nữ tiếp tục tổ chức lớp dạy nấu ăn để giúp chị em có thể nấu cho gia đình những bữa ăn ngon.

* Tăng sức hút đối với gia đình trẻ và nam giới

Bà Trần Anh Thơ, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), cho biết các câu lạc bộ gia đình không ngừng phát huy hiệu quả, từng bước xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần quan trọng vào phòng chống bạo lực gia đình. Các câu lạc bộ đều duy trì sinh hoạt hàng quý, hàng tháng.

Tại đây, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ trao đổi nhiều thông tin, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn hòa khí trong gia đình, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình... Qua chia sẻ của các thành viên, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ nắm bắt kịp thời các gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực để theo dõi và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, thành viên tham gia các câu lạc bộ là hộ gia đình nhưng các buổi sinh hoạt thường chỉ có nữ tham gia. Bên cạnh đó, mức độ tham gia thường xuyên của các thành viên trẻ trong những hoạt động của câu lạc bộ còn khá hạn chế.

Để các câu lạc bộ hoạt động ngày càng hiệu quả, các câu lạc bộ cần tăng sức hút đối với người trẻ và nam giới. Đối với những người trẻ, để họ có thể tham gia sinh hoạt thường xuyên, các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ nên bố trí vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần.

Hiện nay, tỉnh cũng đã triển khai mô hình “Nam giới nói không với bạo lực”, đến nay đã có được 40 câu lạc bộ với khoảng 800 thành viên tham gia. Vì vậy, tăng cường sự tham gia của nam giới vào các câu lạc bộ gia đình không có cách nào khác là nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này.

Có ý kiến cho rằng, muốn các mô hình hoạt động hiệu quả, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên phải là những người tiên phong đi đầu trong phong trào để làm nòng cốt và vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia. Nội dung, hình thức sinh hoạt của các câu lạc bộ cần được đổi mới theo chiều sâu, dễ nhớ, dễ hiểu. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở, Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ có tâm, đủ năng lực, phẩm chất để nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ cũng như công tác gia đình tại địa phương.

Nguyễn Tuyết

Đồng Nai

© 2021 FAP
  640,963       2/858