Văn hóa

Giữ hay bỏ một di tích?

Nhà chủ Công ty cao su SIPH (thường gọi là Nhà Tây núi Thị, tọa lạc ở ấp Dưỡng Đường, xã Suối Tre, TX.Long Khánh) là biệt thự kiến trúc Pháp duy nhất của Đồng Nai được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2012.

Tuy nhiên, di tích này hiện nay chỉ như một nhà hoang nằm lẻ loi trên đỉnh đồi, xuống cấp rất thảm hại và chỉ chực chờ đổ sập.

Di tích Nhà chủ Công ty cao su SIPH giờ chỉ còn phần kiến trúc cơ bản với những bức tường, trần nhà bị bong tróc, nền móng hư hỏng nhiều. (Ảnh chụp ngày 2-1-2018).Ảnh: V.Tuyên
Di tích Nhà chủ Công ty cao su SIPH giờ chỉ còn phần kiến trúc cơ bản với những bức tường, trần nhà bị bong tróc, nền móng hư hỏng nhiều. (Ảnh chụp ngày 2-1-2018).Ảnh: V.Tuyên

Từ thực tế đó, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng các sở, ban, ngành của tỉnh, Tổng công ty cao su Đồng Nai và TX.Long Khánh vừa thống nhất đề xuất UBND tỉnh thu hồi quyết định xếp hạng.

* Vì sao đề xuất thu hồi?

Lý do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng các sở, ban, ngành của tỉnh, Tổng công ty cao su Đồng Nai và TX.Long Khánh đưa ra đề xuất này là do di tích hiện gần như hư hỏng hoàn toàn, không có khả năng phục hồi.

 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: trong trường hợp di tích đã được xếp hạng mà sau đó có đủ căn cứ xác định là không đủ tiêu chuẩn, hoặc bị hủy hoại, không có khả năng phục hồi thì người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích nào có quyền ra quyết định hủy bỏ xếp hạng đối với di tích đó.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết theo quyết định của UBND tỉnh về việc xếp hạng di tích Nhà chủ Công ty cao su SIPH thì nguồn kinh phí thực hiện trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích phân cấp cho địa phương - ở đây là TX.Long Khánh. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện, nguồn kinh phí trùng tu tôn tạo di tích lên đến hàng chục tỷ đồng. Đó là chưa kể nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh phí đền bù giải tỏa mặt bằng vì hiện trạng xung quanh khu vực di tích có những phần đất canh tác, nhà ở của người dân. Còn nếu tính đến phương án kêu gọi xã hội hóa thì không khả thi vì không đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư bởi di tích nằm biệt lập, không có kết cấu hạ tầng phục vụ...  nên khả năng khai thác di tích rất hạn chế.

Đặc biệt, toàn bộ khu đất có diện tích 3.151,8 m2 (bao gồm phần đất di tích Nhà chủ Công ty cao su SIPH) đã được UBND tỉnh ký hợp đồng cho Công ty Viễn thông liên tỉnh khu vực II (nay là Trung tâm Viễn thông khu vực II) thuê đặt trạm thu phát sóng với thời hạn 33 năm (từ năm 2010 đến năm 2043). Do vậy, việc tổ chức khai thác giá trị di tích gắn kết với du lịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không hấp dẫn với nhà đầu tư.

Di tích được xây dựng trong giai đoạn 1930-1937 có quy mô 1 trệt, 1 lầu với tổng diện tích 350m2, hiện chỉ còn hình dạng kiến trúc cơ bản, xung quanh bị cây cỏ xâm thực. Toàn bộ bức tường, trần nhà đều bị bong tróc phần xi măng tô bên ngoài để lộ lớp gạch; toàn bộ hệ thống cửa chính, cửa phụ, cửa sổ, lan can ban công đều không còn. Hàng rào xây bằng đá xung quanh biệt thự giờ chỉ còn sót lại phần móng, nhiều đoạn tường nhà bị nghiêng, nguy cơ đổ sập rất cao. Đặc biệt, để vào được khu vực biệt thự Tây núi Thị phải đi tắt qua rẫy của các hộ dân sinh sống gần đó chứ chưa có đường riêng để đi vào di tích.

* Người dân đồng thuận

Trước tình trạng xuống cấp của di tích có nguy cơ đe dọa đến an toàn của người dân khi vào bên trong biệt thự Tây núi Thị, tháng 9-2017 Ban Quản lý di tích tỉnh đã cắm bảng ngay đầu đường lên di tích này với nội dung: “Di tích Nhà Tây núi Thị đang chờ tu bổ, đề nghị quý khách không tham quan, nguy hiểm”.

Ngay đầu đường lên Nhà chủ công ty cao su SIPH, Ban Quản lý di tích tỉnh cắm bảng thông báo với nội dung: “Di tích Nhà Tây núi Thị đang chờ tu bổ, đề nghị quý khách không tham quan, nguy hiểm”.
Ngay đầu đường lên Nhà chủ công ty cao su SIPH, Ban Quản lý di tích tỉnh cắm bảng thông báo với nội dung: “Di tích Nhà Tây núi Thị đang chờ tu bổ, đề nghị quý khách không tham quan, nguy hiểm”.

Sau khi có thông tin Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đề xuất UBND tỉnh thu hồi quyết định xếp hạng đối với biệt thự Tây núi Thị, người dân sống dọc 2 bên đường lên di tích cảm thấy tiếc nuối nhưng thể hiện sự đồng tình. “Vợ chồng tôi sống tại đây đã hơn 40 năm. Lúc chúng tôi mới vào đây, biệt thự vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhưng qua thời gian, người dân các nơi lên đục tường tháo từng cánh cửa lớn, cửa sổ, bóng đèn, dây điện, đập tường lấy lõi sắt... đem về sử dụng. Cũng từ đó biệt thự trước sau trống hoác vì không có cửa nẻo gì” - ông Hoàng Trọng (75 tuổi, ngụ ấp Dưỡng Đường, xã Suối Tre, nói.

Tiếp lời chồng mình, bà Nguyễn Thị Chánh (76 tuổi) cho biết thêm: “Nhà tôi nằm ngay đầu đường lên biệt thự nên tôi biết người ngoài xã đến tham quan di tích chẳng được mấy. Gần đây khi thấy tấm bảng cảnh báo nguy hiểm thì họ chẳng dám lên nữa. Nhưng mấy thanh niên nghiện hút lại hay lên biệt thự bỏ hoang này để tụ tập”.

Về phía đơn vị được giao quản lý di tích, bà Trương Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TX.Long Khánh, cho hay từ khi được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, Nhà chủ Công ty cao su SIPH chưa được trùng tu tôn tạo lần nào do không có kinh phí. Địa phương thấy tiếc khi di tích bị kiến nghị thu hồi quyết định xếp hạng vì nguyện vọng của thị xã là muốn trùng tu, tôn tạo di tích để đưa vào khai thác phát huy giá trị. Tuy nhiên, do thực trạng của di tích cộng với khó khăn về kinh phí, TX.Long Khánh thống nhất đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định xếp hạng đối với di tích.

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  637,807       2/1,015