Văn hóa

Người Việt với tranh Đông Hồ đương đại

Tết xưa, nhà nào cũng treo tranh Đông Hồ như biểu tượng của phúc, lộc. Tết nay khiến nhiều người tiếc nuối khi không khí cổ truyền cứ nhạt dần. Liệu dự án "đương đại hóa tranh Đông Hồ" có thổi lên ngọn lửa hy vọng kết nối giữa hiện đại với truyền thống văn hóa lâu đời?

Tết xưa, nhà nào cũng treo tranh Đông Hồ như biểu tượng của phúc, lộc. Tết nay khiến nhiều người tiếc nuối khi không khí cổ truyền cứ nhạt dần. Liệu dự án “đương đại hóa tranh Đông Hồ” có thổi lên ngọn lửa hy vọng kết nối giữa hiện đại với truyền thống văn hóa lâu đời?

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (giữa) cùng các họa sĩ trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (giữa) cùng các họa sĩ trẻ.

Theo phong tục tết xưa, ngoài gốc mai, cành đào và bánh tét, bánh chưng thì thú chơi và treo những bức tranh dân gian Đông Hồ rực rỡ ấm cúng mang ý nghĩa chúc tụng trong tết là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình. Những bức tranh dân gian Đông Hồ mang ý nghĩa chúc phúc chứa đựng bao điều tốt đẹp, mong muốn “Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc” sẽ đến trong năm mới nay đã trở thành hoài niệm trong mỗi gia đình.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một trong 2 nghệ nhân Đông Hồ còn lại của Việt Nam, và gia đình ông hiện vẫn đang sống ở làng cổ Đông Hồ. Ngay cả khi thấy sự lãng quên của xã hội đối với dòng tranh Đông Hồ, nhưng những nghệ nhân dân gian chưa một lần “buông tay rũ bỏ”. Với hơn 500 năm lịch sử, làng tranh Đông Hồ đã trải qua biết bao những thăng trầm để giữ cho “hồn dân tộc” mãi được “sáng bừng trên giấy điệp”.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm làm việc với các bản khắc gỗ.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm làm việc với các bản khắc gỗ.

Khi được Highlands Coffee ngỏ lời về dự án “đương đại hóa tranh Đông Hồ”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã kết nối với nhiều họa sĩ trẻ và chia sẻ những nỗi niềm, tâm nguyện của mình, từ đó truyền cảm hứng để các bạn thổi hồn hơi thở người trẻ hiện đại vào nghệ thuật Đông Hồ.

May mắn được mời tham gia dự án này, họa sĩ trẻ Phạm Rồng tự sự: “Trước đây, tôi chỉ thấy tranh Đông Hồ sao đơn giản quá. Sau này gặp nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tới tận làng tranh Đông Hồ, học cách làm từng bước, mới hiểu để sáng tạo nên một bức tranh tối giản nhưng mang tính biểu tượng cao đến mức kinh điển như thế là quý giá như thế nào”.

Bức Nhà nhà đấu vật của họa sĩ trẻ Phạm Rồng.
Bức Nhà nhà đấu vật của họa sĩ trẻ Phạm Rồng.

Bằng sự kết hợp sáng tạo và sức sống hiện đại của tuổi trẻ vào nét nghệ thuật của truyền thống văn hóa dân gian, thể hiện các thông điệp chúc phúc cho một năm mới tràn đầy “Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc”, những bức tranh Đông Hồ đương đại đầu tiên đã được trình làng. Bộ tranh được thực hiện bởi 3 họa sĩ trẻ: Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh và Phạm Rồng.

Bắt trọn vinh hoa của họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc vẽ em bé ôm gà trống selfie. Kết hợp giữa nét hiện đại và truyền thống, hình ảnh em bé miền Nam ôm gà trống ngậm đồng xu “selfie” được lấy cảm hứng từ bức tranh Vinh Hoa Cậu bé ôm gà. Hình ảnh gà trống trong tiếng Hán đọc là “Đại Kê” đồng âm với “Đại Cát” - ngụ ý mang lời chúc đại cát, đại lợi. Ngoài ra gà trống còn là biểu tượng cho 5 đức tính đáng quý “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”. Cậu bé trai bụ bẫm mang nét đặc trưng miền Nam ôm gà trống phía sau có chậu hoa mai nở đang “selfie” là biểu hiện nguyện ước sinh sôi, mong muốn sinh được bé trai khỏe mạnh. Sau này lớn lên sẽ thành người thành đạt và hiện đại, có đầy đủ 5 đức tính đáng quý của chú gà trống.

Họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc hiện là nhà thiết kế nghệ thuật của Nhà xuất bản Kim Đồng, đã sở hữu nhiều tác phẩm nổi tiếng như The Great Snail Race, bộ bưu thiếp Tết đoàn viên… Khi được hỏi có sợ dư luận sẽ phản ứng trái chiều vì có thể không phải ai cũng thích và ủng hộ “selfie”, Phạm Quang Phúc trả lời: “Sáng tạo đương đại luôn có thể nhận được nhiều ý kiến ủng hộ đồng thời với nhiều ý kiến phản đối. Khi tác phẩm đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của công chúng nghĩa là nó đã đi qua rất nhiều năm tháng, và đã được sàng lọc giữa hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tác phẩm tương tự”.

Bức Thả tim se duyên của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương Trinh.
Bức Thả tim se duyên của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương Trinh.

Thả tim se duyên là bức tranh được họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương Trinh thực hiện đương đại hóa từ bức Bà nguyệt se duyên. Với hình ảnh bà Nguyệt se duyên trong không khí xuân, tranh mong chúc mọi người sẽ có cuộc sống sung túc, đủ đầy, tươi vui, con cháu đông đúc sau này. Bức tranh còn là món quà tặng nhau giữa trai và gái thể hiện tình cảm của mình với đối phương. Tình yêu đôi lứa, sự kết duyên trong ngày xuân sẽ càng trở nên hợp mùa, bởi mùa xuân là mùa chồi non nảy lộc, sinh vật phát triển mạnh mẽ, nên kết duyên vào mùa này cặp trai gái sẽ có cuộc sống sung túc, đủ đầy, tươi vui, con cháu đông đúc sau này.

Bức Bắt trọn vinh hoa - tranh cậu bé ôm gà selfie của họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc.
Bức Bắt trọn vinh hoa - tranh cậu bé ôm gà selfie của họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc.

Bức tranh kinh điển Nhà nhà đấu vật được họa sĩ trẻ Phạm Rồng thực hiện đương đại hóa với hình ảnh các bạn trẻ tập luyện trong phòng gym, là sự kết hợp giữa bộ môn đấu vật trong truyền thống và không gian hiện đại, tranh thể hiện sự mạnh mẽ của các nhân vật. Từ đó mong muốn một năm mới tràn đầy sức khỏe và luôn khỏe mạnh. Phạm Rồng là nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng họa sĩ trẻ Việt, và là trưởng các dự án nghệ thuật ý nghĩa, ấn tượng nhất là dự án “Khu phố nhỏ Việt Nam” từng được quan tâm rất nhiều từ các bạn trẻ.

Trả lời câu hỏi liệu tranh Đông Hồ đương đại có còn giữ đúng chất tranh Đông Hồ, nghệ nhân dân gian Nguyễn Đăng Tâm - con trai của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho rằng: “Chất tranh Đông Hồ thể hiện ở chất liệu giấy dó, 5 màu tự nhiên và kỹ thuật làm tranh với các bản khắc gỗ. Tranh Đông Hồ của các bạn trẻ vẫn giữ đúng tất cả các yếu tố này. Riêng về đề tài, chúng tôi cho rằng xã hội luôn thay đổi, vì thế, cần cập nhật xu hướng, bắt kịp thời đại thì mới thực sự có hơi thở cuộc sống trong đó”.

Tại cuộc ra mắt bộ tranh Đông Hồ đương đại, có trưng bày một bức tranh Đông Hồ vẽ các cầu thủ U.23 Việt Nam ôm nhau ăn mừng trên tuyết ở sân vận động Thường Châu (Trung Quốc). Ngay khi trận chung kết Giải U.23 châu Á diễn ra, các họa sĩ trẻ đã bắt tay vào thực hiện tác phẩm này.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế năm nay đã 87 tuổi, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, ông cho biết thêm: “Ngày xưa kháng chiến chống Pháp, tôi có làm những bức như Không cho chúng nó thoát. Sau đó tôi cũng làm tranh Đông Hồ về thời bao cấp. Nên bây giờ, thấy các bạn trẻ làm tranh Đông Hồ, tôi vui lắm. Chúng tôi không sợ tranh Đông Hồ đương đại mất đi “chất” tranh Đông Hồ truyền thống. Các bạn trẻ cứ làm, người thưởng thức cứ xem, sẽ tìm ra con đường kết nối giữa truyền thống với đương đại”.

Hòa Bình

Đồng Nai

© 2021 FAP
  635,249       1/965