Văn hóa

Nhân Ngày Sách Việt Nam (21-4): Cơ hội tiếp cận sách quý

Hơn 100 ấn phẩm quý hiếm lần đầu tiên được Thư viện Đồng Nai phối hợp cùng Thư viện khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu trong triển lãm từ ngày 18 đến 27-4 để phục vụ người dân Đồng Nai nhân dịp Ngày Sách Việt Nam 21-4.

Một số sách quý hiếm, bản đồ về Biên Hòa - Đồng Nai được trưng bày tại Thư viện tỉnh từ ngày 18 đến 27-4. Ảnh: V.TRUYÊN
Một số sách quý hiếm, bản đồ về Biên Hòa - Đồng Nai được trưng bày tại Thư viện tỉnh từ ngày 18 đến 27-4. Ảnh: V.TRUYÊN

Điểm nhấn của triển lãm lần này là có khá nhiều sách quý, hiếm trước nay ít khi được công bố rộng rãi về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Triển lãm còn có những đầu sách văn học nghệ thuật, địa lý, lịch sử… về đất và người Đồng Nai được xuất bản trong thế kỷ 20 và 21 cùng nhiều ấn phẩm được xếp vào danh mục hiếm quý như: sách độc bản, sách viết tay, sách có thời gian ra mắt cách đây hàng trăm năm, sách bằng đồng...

* Sách miễn lật

Nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4, Thư viện tỉnh còn phối hợp với Trại giam Xuân Lộc tổ chức trưng bày sách và phát động cuộc thi viết cảm nhận về sách dành cho phạm nhân. Cũng trong thời gian này, hệ thống thư viện các huyện, thị, thành cũng triển khai trưng bày, giới thiệu sách theo chuyên đề để phục vụ bạn đọc.

Do tính chất của cuộc triển lãm có những ấn phẩm quý hiếm nên khá nhiều đầu sách được trưng bày trong tủ kiếng và người xem, người đọc chỉ có thể nhìn qua khung kính mà không được tự tay lật từng trang. Theo thuyết minh viên Thư viện khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, những tài liệu được trưng bày trong các tủ kiếng đều là bản gốc, độc bản nên việc giới thiệu đến với công chúng cũng phải kỹ lưỡng hết mức. Ngoài cuốn sách về địa lý Biên Hòa xuất bản năm 1901 còn có cuốn sách về Trị An xuất bản năm 1913 với nội dung tìm hiểu các vấn đề tại Trị An - Biên Hòa - Đồng Nai; tập thượng: Biên Hòa - Gia Định nằm trong bộ Đại Nam nhất thống chí xuất bản năm 1973.

Về văn học nghệ thuật có cuốn sách về bài vọng cổ Gánh bưởi Biên Hòa của soạn giả Viễn Châu được xuất bản năm 1960 và cuốn tuồng Giòng lệ biệt cố nhân (Bùi Hữu Nghĩa khóc vợ) của soạn giả Thu An ra mắt năm 1963.

Đặc biệt là 4 tấm bản đồ về Biên Hòa xưa thể hiện địa giới hành chính của vùng đất này trước kia rất rộng lớn bao gồm cả Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước hiện nay, được vẽ từ những năm đầu sau khi thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ. “Những cuốn sách này ngoài thị trường đã không còn bán nên muốn mua cũng khó. Do vậy mà được nhìn thấy, chụp hình lưu niệm cùng sách đã là điều may mắn” - sinh viên Nguyễn Yến Vi (Khoa Ngoại ngữ Trường đại học công nghệ Đồng Nai) nói. 

* Triển lãm không vắng người sau khai mạc

Song song với các sách quý hiếm về Biên Hòa, triển lãm cung cấp cho người xem những tài liệu hiếm quý, độc bản, viết tay hay trên chất liệu kim loại cách nay hàng trăm năm mà không phải ai cũng đã từng được thấy ngoài đời thực. Nổi bật trong số đó là cuốn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh được xuất bản năm 1651. Sách được ra mắt cách đây 367 năm song chất lượng giấy và mực in vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai tham quan triển lãm tài liệu quý hiếm tại Thư viện tỉnh vào ngày 18-4.
Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai tham quan triển lãm tài liệu quý hiếm tại Thư viện tỉnh vào ngày 18-4.

Ngoài ra, còn có sách bằng đồng khắc chế thư ban cho Phú Bình Quận công Miên Áo truy phục làm Phú Bình Công do vua Tự Đức ban năm 1878. Một số ấn phẩm là các sách nghiên cứu của tác giả người Pháp viết về nông thôn, phong tục tập quán, lối sống, trang phục của người dân Nam bộ trong những thế kỷ trước cũng được giới thiệu trong dịp này.

Do đây là lần đầu tiên những tài liệu hiếm quý về Biên Hòa được trưng bày ngay tại Đồng Nai nên Ban tổ chức rất mong muốn thu hút được sự quan tâm của công chúng. Ngoài các kênh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, băng-rôn khẩu hiệu, Ban tổ chức còn liên hệ với các trường học, lực lượng vũ trang, cơ quan đơn vị để thông tin đến người dân, qua đó đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm. Do đó,  triển lãm lần này không xảy ra tình trạng vắng bóng người sau khi khai mạc như thường thấy trước đây.

“Cách làm này sẽ được Thư viện tỉnh áp dụng với những cuộc trưng bày, giới thiệu sách trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh giới thiệu hoạt động của đơn vị đến với người dân. Qua đó, kéo  bạn đọc đến với thư viện” - ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho hay.

Hiện đã có gần 10 đơn vị đăng ký đến tham quan triển lãm. Từ nay đến ngày 27-4, Thư viện Đồng Nai mong muốn sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên cùng các tầng lớp nhân dân đến tham gia hoạt động ý nghĩa này.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  633,141       4/1,053