Văn hóa

Xốc lại hoạt động câu lạc bộ đờn ca tài tử

Đến nay, số lượng câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử của Đồng Nai chỉ còn 26 và đang đứng trước nguy cơ tan rã vì không có người kế thừa, thiếu kinh phí hoạt động.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu biểu diễn tại liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII-2017, đây là câu lạc bộ đang lâm vào tình cảnh thiếu người kế thừa. Ảnh: S.THAO
Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu biểu diễn tại liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ VIII-2017, đây là câu lạc bộ đang lâm vào tình cảnh thiếu người kế thừa. Ảnh: S.THAO

Trước đó năm 2016 thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 31 CLB đờn ca tài tử.

* Lần lượt mất hút

Năm 2016, tại TP.Biên Hòa có 3 CLB đờn ca tài tử là: TP.Biên Hòa, Bửu Long (phường Bửu Long), An Bình (phường An Bình) với 25 thành viên. Đến nay, thành phố chỉ còn duy nhất CLB đờn ca tài tử TP.Biên Hòa hoạt động với 9 thành viên và có độ tuổi từ 50 đến trên 70.

Theo ông Phạm Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ văn nghệ quần chúng Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa: “Khi báo cáo với Trung tâm văn hóa - thể thao thành phố, các xã, phường đều báo là có CLB đờn ca tài tử nhưng khi tập hợp lại để tham gia biểu diễn thì không thấy đâu. Hay có phường mới tuần trước tôi còn ngồi chấm thi CLB đờn ca tài tử đó lên sân khấu biểu diễn đến tuần sau nghe tin đã giải tán và các thành viên đã đầu quân cho CLB đờn ca tài tử ở xã, phường khác”.

Ông Đỗ Diệp Hoài Anh, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Mới đây chúng tôi đã tiến hành khảo sát hoạt động của các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh và đang tập hợp ý kiến để gửi đến cấp có thẩm quyền nhằm xem xét hỗ trợ cho các CLB. Trước mắt trong năm 2018, Trung tâm văn hóa tỉnh sẽ tổ chức lớp tập huấn về đờn ca tài tử và sau đó là liên hoan đờn ca tài tử dành cho các thành viên CLB trong tỉnh tham gia để xốc lại môn nghệ thuật này”.

Tại huyện Long Thành, địa phương được xem là đơn vị mạnh của tỉnh trong hoạt động đờn ca tài tử, với đại diện là CLB đờn ca tài tử, cải lương huyện Long Thành cũng đang có những bước chững lại.

Theo bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử, cải lương huyện Long Thành, hiện CLB chỉ hoạt động, tập hợp được khi có hội thi, hội diễn, liên hoan do tỉnh tổ chức còn không thì chỉ hoạt động cầm chừng. Còn 4 CLB đờn ca tài tử ở các xã đang hoạt động rất khó khăn do thiếu người đàn, người ca.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, công chức văn hóa xã Lộc An (huyện Long Thành), có trường hợp một người đầu quân cho nhiều CLB nên khi tập hợp người đàn, người ca cho đúng số lượng thì chỗ nào cũng thiếu người, CLB phải chạy tìm khắp nơi.

Bên cạnh đó, một thực trạng mà hầu hết tất cả các huyện, thị, thành phố đều đang gặp phải là với những người sống được bằng biểu diễn dịch vụ đờn ca tài tử sẵn sàng bỏ sinh hoạt, bỏ các hội diễn, liên hoan để đi show, trừ khi mức hỗ trợ của các đơn vị nhà nước cao hơn giá dịch vụ thì may ra mới kéo họ về tham gia được. Điều này gây khó khăn rất lớn cho từng đơn vị quản lý trực tiếp bởi mức thù lao đã có quy định cụ thể cho từng loại hình nghệ thuật.

Đặc biệt là việc thu hút người trẻ cùng tham gia để tạo lớp kế thừa đang gặp khó khăn lớn. Tại huyện Vĩnh Cửu hiện chỉ có duy nhất CLB đờn ca tài tử của huyện nhưng cũng đang lâm vào tình cảnh thiếu người kế thừa. “Những người trẻ hầu như vắng bóng tại CLB. Thành viên nhỏ nhất cũng đã 35 tuổi, còn chủ yếu là 60 tuổi trở lên đến 90. Nhưng tìm được người kế tục biết 20 bài bản tổ “tài tử bác học” còn khó hơn, chủ yếu là muốn sao hát vậy, thích sao đờn cho vui là chính” - ông Lê Văn Có, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu, nói.

* Xốc lại đam mê

Có thể thấy rằng để bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử trong đời sống hiện tại ngoài niềm đam mê và tự thân vận động của những người tâm huyết với đờn ca tài tử thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Lê Văn Có bày tỏ: “Tôi người ở xã Tân Bình và 2/3 thành viên CLB đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu cũng ở Tân Bình. Mong muốn của mọi người là xã có thể giúp anh em đứng ra thành lập CLB. Bởi phải có mái nhà chung thuận tiện đi lại cho anh em sinh hoạt thì mới gắn kết mọi người được. Chứ CLB của huyện thì chỉ khi có thi thố, liên hoan mọi người ở các xã cách xa nhau mới tập hợp, bình thường không có chỗ chơi mọi người tản đi hết. Chúng tôi kiến nghị nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi cho mong muốn chính đáng này”.

Bên cạnh đó, do hiện nay việc người biết đàn, biết ca đến nơi đến chốn, nắm rõ 20 bài bản tổ rất ít mà chủ yếu hát cải lương là chính nên các CLB đều mong muốn được tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, dài ngày chứ không chỉ dừng lại ở việc tập hợp 1-2 ngày kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” xong ai về huyện đó thì không có tác dụng gì nhiều trong việc nâng cao trình độ cho mọi người. Ngoài ra, các CLB còn kiến nghị được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí trong việc duy trì hoạt động.

Sông Thao

Đồng Nai

© 2021 FAP
  789,575       1/1,012