Văn hóa

50 năm làm báo của một kỷ lục gia

Nhà báo, kỷ lục gia Việt Nam Trần Thanh Phương vừa ấn hành tập bút ký chọn lọc Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tổng kết 50 năm làm báo của ông.

Nhà báo, kỷ lục gia Việt Nam Trần Thanh Phương vừa ấn hành tập bút ký chọn lọc Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tổng kết 50 năm làm báo của ông.

Nhà báo Trần Thanh Phương và bạn đọc của ông.
Nhà báo Trần Thanh Phương và bạn đọc của ông.

Mọi người ai cũng đến tuổi nhận lương hưu nhưng với nghề báo thì chỉ về hưu khi không còn viết nữa. Trần Thanh Phương đã viết không ngừng nghỉ, ông đều đặn viết báo, viết sách và cuốn bút ký mượn câu thơ của nhà văn Sơn Nam Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê vẫn chưa phải cuối cùng.

Sở dĩ Trần Thanh Phương có thể viết bền bỉ với hơn 30 đầu sách đã ấn hành là nhờ ông có hàng tấn tài liệu đã cất công sưu tập trong hơn 40 năm ròng.

Trong một bức thư gửi cho một Việt kiều vào năm 1989, Chế Lan Viên viết có đoạn: “Trên đời này tôi quý nhất 2 loại người: người có tài và người có tài liệu. Anh Phương có tài hay không tôi chưa biết, nhưng anh Phương có tài liệu”.

Nhà báo Trần Thanh Phương sưu tập tài liệu không phải để làm của riêng. Ông sưu tập, hệ thống lại rất mạch lạc để phục vụ công việc của mình và cho những ai có nhu cầu nghiên cứu. Cách nay khoảng 5 năm, hàng tấn tài liệu này đã được ông hiến tặng Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh. Nhiều người cho rằng, nếu hàng tấn tư liệu này đem bán sẽ có người mua với giá tính bằng tỷ đồng.

Tư liệu của nhà báo Trần Thanh Phương đa phần là những bài báo đã in trong hàng chục năm qua. Thông thường, sau khi đọc xong một tờ báo người ta sẽ quên đi. Nhưng với Trần Thanh Phương, mỗi bài báo đều có giá trị nhất định. Các sự kiện lớn đều được ông lưu lại đầy đủ thông tin đã được báo chí đề cập như: vụ án Năm Cam, vụ án Minh Phụng Epco, sập cầu Cần Thơ, ca mổ cặp song sinh Việt - Đức, nước Mỹ bị tấn công trong vụ 11-9…

Trong lĩnh vực văn học, từ những bài báo đã in, nhà báo Trần Thanh Phương sưu tập đủ để in thành các cuốn sách về Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Đặng Thai Mai, Nam Cao, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Quang Dũng, Nguyễn Quang Sáng… Những bài báo này có thể giúp người đọc hình dung về diện mạo của các nhà văn thông qua nhận định của người đương thời.

Ông còn sưu tập bút tích của các nhà văn giúp người đọc vỡ ra nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như bút tích của nhà văn Nguyễn Khải là một trang bản thảo với chi chít những gạch xóa, sửa chữa. Điều này thể hiện nhà văn Nguyễn Khải rất kỹ tính khi sáng tác trước lúc đưa tác phẩm của mình cho công chúng đọc.

Hay như bút tích của Chu Lai viết: “Một chút tiểu sử: Tên thật là Chu Ân Lai, sinh 5-2-1946 Hưng Yên. Đi học bị bạn giễu đổi thành Chu Văn Lai. Vào bộ đội đi chiến trường đổi gọn thành Chu Lai cho tiện. Và thành bút danh luôn…”. Với những người đọc yêu mến tác giả Ăn mày dĩ vãng, lâu nay vẫn nghĩ ông nhà văn này lấy địa danh sân bay Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam làm bút danh, hóa ra Chu Lai là tên thật được rút gọn của ông.

Công việc sưu tập tài liệu của Trần Thanh Phương được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là Kỷ lục gia. Sau cuốn sách kỷ niệm 50 năm làm báo, Trần Thanh Phương cho biết ông đang hoàn thành cuốn sách sưu tầm di chúc của các nhà văn Việt Nam. Các nhà văn trước khi rời cõi đời này đã để lại những lời gì sẽ là một cuốn sách thú vị với người yêu văn học nước nhà.    

Hòa An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  787,387       1/933