Văn hóa

Quán... thời gian

Trong số những quán cà phê ở Đồng Nai, nhiều quán cà phê được thiết kế, trang trí theo phong cách xưa, đang thu hút khá đông khách. Những quán cà phê này mang lại nhiều hoài niệm cho khách bởi nét mộc mạc của không gian đượm màu hoài cổ.

Anh Đinh Văn Minh giới thiệu về bộ sưu tập cồng chiêng tại Xưa Cà Phê. Ảnh: L. Na
Anh Đinh Văn Minh giới thiệu về bộ sưu tập cồng chiêng tại Xưa cà phê. Ảnh: L. Na

Xưa Cà Phê nằm khép mình dưới những tán cây trên đường Huỳnh Văn Nghệ (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) rộn rã người qua lại. Nếu đã một lần đặt chân đến đây, mọi người sẽ bị lôi cuốn khi vừa nhâm nhi ly cà phê vừa trò chuyện, đọc sách và sống chậm từng khoảnh khắc với đồ cổ.

* Điểm hẹn thú vị

Cũng như bao người khách lạ, tôi chọn cho mình một góc nhỏ bên trong quán Xưa Cà Phê bởi ở vị trí này tôi có thể ngắm “nội thất” hoặc phóng tầm mắt bao quát toàn bộ cảnh sân vườn của quán. Đúng như tên gọi, Xưa Cà Phê được thiết kế đơn giản, trong đó trưng bày hàng trăm vật dụng cũ, đồ cổ nằm gọn giữa không gian xanh của cây cối. Quanh mỗi bàn khách ngồi đều có những món đồ nhỏ được sắp xếp một cách cẩn thận, tinh tế

Xưa Cà Phê của anh Đinh Văn Minh đón khá nhiều khách đến vui chơi, tìm hiểu đồ cổ. Bởi vậy, trong định hướng sắp tới của mình, ngoài tiếp tục công việc sưu tầm, anh Minh sẽ sắp xếp và tạo dựng lại không gian trưng bày hiện vật theo đúng nghĩa để giới nghiên cứu văn hóa và khách tham quan thuận lợi hơn trong tìm hiểu. Từ đó, lan tỏa vốn văn hóa cổ của dân tộc đến với bạn bè gần xa.

Khách đến Xưa Cà Phê không khó bắt gặp những vật dụng quen thuộc của mấy mươi năm trước như: xe Phượng Hoàng cũ, tivi trắng đen, đèn măng xông, đồng hồ cổ, băng cassette… Chủ quán Xưa Cà Phê là anh Đinh Văn Minh (sinh năm 1975) - một trong những người đam mê sưu tầm đồ cổ ở thị trấn Định Quán. Anh Minh cho biết, anh quê ở Cần Thơ, từ nhỏ theo gia đình đến huyện Định Quán làm kinh tế mới. Tại đây, anh học và theo nghề sửa đồng hồ, thường xuyên đi sưu tầm đồ cũ tại các vựa ve chai trong và ngoài tỉnh.

Khi đã có trong tay một “gia tài” kha khá về vật dụng cũ và đồ cổ, năm 2012 anh Đinh Văn Minh đã mở quán Xưa Cà Phê. Quán trưng bày hơn 2 ngàn vật dụng cũ và đồ cổ. “Đây là “tài sản” tôi góp nhặt trong rất nhiều năm, từ những chuyến về quê và cả may mắn mua được từ các vựa ve chai. Sưu tập chẳng phải để bán mà vì muốn giữ lại cho mình và để mở không gian cà phê làm điểm đến cho khách thư giãn tâm hồn, để những ai có cùng “gu” thẩm mỹ với mình cùng thưởng thức” - anh Minh bộc bạch.

Ba yếu tố chính tạo thành nét đặc biệt cho Xưa Cà Phê là đồ xưa, nhạc xưa và không gian xanh. Với những người trẻ là “tín đồ” Facebook hay yêu nhiếp ảnh nghệ thuật, đây là nơi lý tưởng để săn thật nhiều ảnh độc, đẹp và lạ. Còn với những người trung niên hay các cụ già tìm đến quán chỉ là để ngắm nhìn lại những vật dụng cũ. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về một thời vui có, buồn có trong nỗi xúc động.

Một góc tại Xưa cà phê
Một góc tại Xưa cà phê. Ảnh: L. Na

Thường xuyên cùng những người bạn đồng niên đến Xưa Cà Phê, ông Nguyễn Như Khanh (xã Gia Canh) chia sẻ rằng, nơi đây không có đèn màu hay thiết bị điện hiện đại mà toàn đồ cũ xưa. Không gian này làm ông nhớ đến một thời vất vả với những bữa ăn bo bo thay cơm hay sang hơn là bữa cơm độn bắp hoặc củ mì (củ sắn). “Thời đó, chúng tôi thường phải thay phiên nhau xếp hàng ở những cửa hàng lương thực, chất đốt. Rất khó khăn. Giờ nhìn lại những vật dụng xưa mới thực sự thấy trân quý bao nhiêu” - ông Khanh tâm sự.

* Và những bộ sưu tập đáng giá

Gần đây, phong trào sưu tầm đồ cũ, đồ cổ tại Đồng Nai thu hút nhiều người tham gia. Người chơi đồ cổ trong tỉnh hiện sở hữu nhiều bộ sưu tập giàu giá trị văn hóa, lịch sử ở các thời kỳ như: đồ đá, đồ đồng, đồ gốm... Từ thú chơi này, những vốn cổ của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng ngày càng được gìn giữ, phát huy.

Trong những món đồ cổ anh Đinh Văn Minh trưng bày, có 2 bộ sưu tập được bạn bè và khách chú ý đó là những đồng tiền xu cổ và cồng chiêng, vật dụng sinh hoạt, đồ trang sức bằng đá, kim loại của nhiều tộc người bản địa. Những món đồ đáng giá này được anh mua lại từ các buôn làng hay trao đổi qua lại với giới sưu tầm đồ cổ trong và ngoài tỉnh suốt hơn 15 năm qua.

Bộ tiền xu cổ được anh phân loại theo từng thời kỳ và sắp xếp theo trình tự thời gian trên kệ như một cuốn album chuyên dụng, rất khoa học. Anh Minh cho biết, ban đầu anh chỉ sưu tầm được những đồng xu cũ giá trị thấp. Càng sưu tầm, tìm hiểu, anh càng hứng thú với công việc này nên đã bỏ ra rất nhiều công sức. Anh thường xuyên đến các xưởng đúc đồng hay săn lùng ở cửa hàng đồ cổ và các tỉnh lân cận để tìm mua những đồng tiền quý. Sau đó tập hợp thành bộ sưu tập với đầy đủ hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ chúa Nguyễn.

Đối với bộ sưu tập cồng chiêng và những vật dụng của đồng bào dân tộc bản địa, anh Minh  cho hay bản thân anh rất thích cồng chiêng, thấy bà con bán thì mua. Đơn giản vì thấy tiếc và không nỡ nhìn vốn văn  hóa của dân tộc “chảy máu”. Hiện, anh có gần 20 chiếc cồng chiêng và các đồ trang sức bằng kim loại được trưng bày.

Hỏi vì sao không tiếc tiền của, công sức cho việc sưu tầm này, anh Minh nói có lẽ xuất phát từ việc bản thân luôn hoài niệm và yêu thích những gì xưa cũ. Anh cũng tự nhận mình là người “ít” hiểu biết nên anh cũng gặp nhiều khó khăn khi sưu tầm và chọn đồ, có nhiều món đồ anh không hiểu được ý nghĩa, xuất xứ… Vì yêu thích nên dù là những món đồ cũ hay đồ cổ thì với anh đều chứa đựng trong nó giá trị tinh thần lớn lao. Nhìn vào nó, anh cảm nhận được sự chuyển động của văn hóa cổ trong từng nhịp đổi thay của cuộc sống.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  627,772       1/1,190