Văn hóa

Giữ hồn quê cho vùng nông thôn mới

Hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) vào tháng 3-2018, huyện Vĩnh Cửu đang tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu sớm nhất có thể. Trong đó, tại một số xã như: Tân Bình, Bình Hòa, Bình Lợi…, ngoài việc nỗ lực đạt các tiêu chí NTM nâng cao, còn cố gắng giữ gìn nét văn hóa làng quê truyền thống lâu nay.

Hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) vào tháng 3-2018, huyện Vĩnh Cửu đang tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu sớm nhất có thể. Trong đó, tại một số xã như: Tân Bình, Bình Hòa, Bình Lợi…, ngoài việc nỗ lực đạt các tiêu chí NTM nâng cao, còn cố gắng giữ gìn nét văn hóa làng quê truyền thống lâu nay.

Một con đường ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu)
Một con đường ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: N.LIÊN

Cảm nhận khi vừa đặt chân đến những địa danh vừa nêu chính là những con đường làng trải nhựa, những hàng cau, các loại bông hoa rực rỡ khoe sắc hai bên đường, xen lẫn những mảng xanh từ đồng ruộng, vườn cây là những nếp nhà xưa, tạo nên cảnh quê yên bình, thư thái.

* Giữ gìn nếp quê

Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống

Theo Phòng Văn hóa - thông tin huyện Vĩnh Cửu, trên địa bàn huyện có một số lễ hội đang được duy trì và phát huy có hiệu quả như: lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro (xã Phú Lý), các lễ hội cúng đình (đình Long Chiến, Cẩm Vinh, Phú Trạch…). Việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM của huyện Vĩnh Cửu không chỉ là lưu giữ mà qua đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê  hương và phát huy trong cuộc sống hiện tại.

Xã Tân Bình là một trong những xã được nhiều người biết đến lâu nay với đặc sản bưởi Tân Triều. Với hơn 400 hécta diện tích cây bưởi, nằm trên một cù lao được bao quanh bởi một nhánh sông Đồng Nai. Nhánh sông này khi chảy quanh làng bưởi mang rất nhiều phù sa nên khi người dân dùng nước sông tưới cho cây bưởi thì trái bưởi luôn có vị ngọt, mọng nước và trọng lượng khá “nặng tay”. Cùng với danh tiếng bưởi Tân Triều, vùng đất này còn ghi dấu ấn đậm nét khi vẫn giữ được nét miệt vườn riêng cho mình giữa thời đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ khắp nơi.

Vừa qua khỏi cầu Tân Triều (lối đi độc đạo vào làng bưởi), dễ dàng cảm nhận được ngay những nét thanh bình của một vùng quê, khắp các ngả đường đều thấy bạt ngàn những vườn bưởi của bà con nông dân. Với lợi thế trên, một số nhà vườn đã tận dụng cảnh sắc thiên nhiên để khai thác, phát triển du lịch vườn và tạo được tiếng vang. Điển hình trong đó là Khu du lịch sinh thái Năm Huệ, Sỹ Mỹ…

Nằm ngay cạnh xã Tân Bình, Bình Lợi cũng là một địa phương có sự phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được hồn quê đặc sắc của mình. Bà Lê Đỗ Kim Chi, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi chia sẻ, địa bàn xã có nét đặc thù riêng là chỉ có người dân địa phương sinh sống, rất ít dân nhập cư, thậm chí nằm ngay cạnh địa bàn có cơn sốt đất, giá đất cũng bị kéo theo tăng rất nhanh nhưng hầu hết người dân trong xã không bán đất.

Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động bà con tham gia các hoạt động xây dựng NTM như: hiến đất, góp ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp đường... và phương thức vận động này được bà còn nhiệt tình hưởng ứng. Do đó, dù cho tất cả các tuyến đường của xã Bình Lợi đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, người dân vẫn giữ nguyên được không gian bình yên cho vùng quê, mang đậm bản sắc của riêng mình khi mà trên các tuyến đường của xã đều rất sạch sẽ, hai bên đường đủ sắc hoa làm sáng bừng làng quê, nhất là vào dịp cuối năm.

* Duy trì hoạt động văn hóa dân gian

Không chỉ ý thức trong vấn đề phát triển bức tranh vùng quê vừa khang trang, hiện đại, vừa giữ được nét văn hóa làng quê riêng, tạo cảm giác thân thiện cho người mới tới, những địa phương đạt chuẩn NTM còn có nhiệm vụ duy trì các hoạt động lễ hội, văn hóa. Những hoạt động văn hóa dân gian lâu đời đối với người dân vùng nông thôn như: lễ cúng đình, miếu, các hoạt động thể thao dân gian…

Một trong những địa phương duy trì hoạt động trên khá thường xuyên là xã Bình Hòa. Được biết, Bình Hòa hiện có 12 đình và 5 ngôi miếu và vẫn duy trì hoạt động cúng đình, miếu hằng năm. Đến Bình Hòa, sẽ cảm nhận được khá rõ cảnh sắc làng quê khi mà hai bên đường không chỉ có hoa đẹp mà còn thấy những hàng cau cao vút, những rặng tre, những cánh đồng lúa đang mùa gieo sạ nhộn nhịp, tạo bức tranh quê khá độc đáo.

Đặc sản bưởi da xanh ở xã Bình Lợi
Đặc sản bưởi da xanh ở xã Bình Lợi. Ảnh: N.LIÊN

Nói về những hoạt động lễ hội của xã đã kéo dài hàng trăm năm nay, ông Nguyễn Công Đắc, Ban cố vấn Hội đồng tương trợ Đình Thần Bình Thạch cho biết, văn hóa cúng đình, miếu tại xã có ý nghĩa rất lớn với người dân. Vào những ngày cúng đình, miếu, người dân tự nguyện đóng góp, tổ chức lễ hội rất trang trọng.

Ngoài ra, người dân xã Bình Hòa vẫn còn duy trì và gìn giữ những căn nhà xưa, mang đậm dấu ấn nhà cổ của người miền Nam như: vườn cây, luống cau cũng như cách bày trí cho căn nhà của họ. Hiện nay, Bình Hòa cũng đang sở hữu đội đua thuyền trên sông với khoảng từ 20-25 người. Đội đua thuyền này sẽ tập luyện khi nông nhàn để tham gia các hoạt động vào dịp cuối năm.

Chia sẻ về những hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng NTM nhưng vẫn giữ được nét văn hóa làng quê, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi cho rằng, để có được kết quả như hôm nay, huyện đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy nguồn lực của nhân dân để xây dựng NTM một cách toàn diện.

“Việc giữ gìn truyền thống và khai thác những thế mạnh của từng địa phương luôn được lãnh đạo huyện chỉ đạo sâu sát. Nhất là trong giai đoạn đang đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái vườn. Việc duy trì các hoạt động văn hóa, nếp sinh hoạt truyền thống trong các gia đình, thôn xóm sẽ là cơ sở để xã hội phát triển bền vững, toàn diện. Đây cũng là một trong những tiêu chí cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới”-ông Phi cho biết thêm.

Ngọc Liên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  627,781       1/1,192