Văn hóa

Ngược dòng thời gian...

Cầm trên tay tập hồi ký Thời niên thiếu của anh Lê Thành Bá, nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa vừa được ấn hành vào dịp cả nước kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi liền tranh thủ đọc liền xem anh Ba - một ông già đã 85 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, đã viết về cuộc đời mình như thế nào?

Cầm trên tay tập hồi ký Thời niên thiếu của anh Lê Thành Bá, nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa vừa được ấn hành vào dịp cả nước kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi liền tranh thủ đọc liền xem anh Ba - một  ông già đã 85 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, đã viết về cuộc đời mình như thế nào?

Chân dung ông Lê Thành Bá và Bìa sách hồi ký Thời niên thiếu
Chân dung ông Lê Thành Bá và Bìa sách hồi ký Thời niên thiếu

Lần theo các tiêu đề và thời gian trong tập sách, dễ dàng nhận ra những dấu ấn khó quên trong cuộc đời gần 60 năm hoạt động cách mạng của anh, từ tuổi thiếu niên (năm 1948) đến ngày nghỉ hẳn công tác (năm 2005) là cả một cuộc hành trình đầy gian khổ, lắm chông gai, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công, phục vụ hiệu quả sự nghiệp cách mạng của Đảng. 

Trong toàn tập hồi ký (gồm 2 tập: Thời niên thiếu và Các bước trưởng thành nốii tiếp tuổi 20), anh Ba dành một số trang điểm qua hoàn cảnh và các thành viên chủ chốt trong gia đình, cũng như các mối quan hệ bạn hữu từ tuổi ấu thơ. Anh Ba kể, gia đình từ Phan Thiết vào sinh sống tại Biên Hòa năm 1938, năm ấy anh mới lên 4 tuổi. Đến tuổi đi học, anh được gửi vào học tại Trường tiểu học Nguyễn Du, một trong 3 ngôi trường ra đời sớm nhất của tỉnh Biên Hòa xưa.

Học xong tiểu học, anh được gia đình gửi lên Sài Gòn, theo học hệ trung học tại Trường Huỳnh Khương Ninh. Mới nhập học được mấy tháng, anh đã được thử thách và mời tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu vực nội thành, với mật danh mang bí số 34 và “nhiệm vụ được giao, lúc đầu theo từng việc một. Việc gì mình thấy làm được thì tự nhận, như chuyển giao công văn, thư từ, chỉ thị, mệnh lệnh, rải truyền đơn theo chủ đề của từng đợt phát động, có khi chuyển giao cả lưu đạn (loại OF, hình trái mãng cầu)” (trang 42).

Tháng 5-1950, chàng sinh viên mang bí số 34 (BA), được tổ chức điều vào chiến khu, trở thành chiến sĩ của Ban Chính trị liên Trung đoàn 301-310, Thủ Biên. Từ đây, anh Ba bắt đầu nhập cuộc vào tổ chức cách mạng với nhiều công việc khác nhau, nhưng công việc anh đảm nhận hiệu quả nhất là làm chiến sĩ đồ bản, trực tiếp nghiên cứu thực địa để chỉnh lý bản đồ, vẽ bản đồ địa hình, bản đồ tác chiến... phục vụ cơ quan quân sự đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thời gian này, anh Ba cùng đồng đội từng trải qua nhiều phen nguy hiểm do sự vây ráp, khủng bố của kẻ địch, có thời gian phải sống hằng tháng trời dưới địa đạo Củ Chi. Và cũng do nhu cầu phân công công tác của tổ chức, anh Ba phải liên tục điều chuyển qua nhiều đơn vị, nên việc tổ chức lễ kết nạp anh vào Đảng Cộng sản Việt Nam đành phải khất hoãn đến 4 lần, kéo dài thời gian anh làm “người Cộng sản (mà) chưa phải là đảng viên”, dù anh vẫn tiếp tục được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham mưu quân sự, chính trị tại cơ quan Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1958, sau 3 năm tập kết ra miền Bắc, anh Ba mới chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những năm tháng sống trong nghĩa Đảng, tình dân trên đất Bắc, anh Ba có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Một trong rất nhiều kỷ niệm mang đến cho anh niềm vui và hạnh phúc đặc biệt là khi anh đang theo học Khoa Ngoại ngữ (môn tiếng Nga tại Đại học quốc gia Hà Nội) là lần được Bác Hồ đến thăm, cả lớp mừng rỡ reo lên : “Ôi, Bác Hồ, Bác Hồ đến thăm!”. Trong không khí ấm áp của mùa thu, Bác hỏi các sinh viên: “Học tiếng Nga có khó lắm không?”. Một bạn đứng lên trả lời: “Thưa Bác tiếng Liên Xô khó quá vì chữ toàn viết ngược”. Bác cười bảo: “Học tiếng Nga chứ đâu phải tiếng Liên Xô, vì Liên Xô có tới 15 nước cộng hòa hợp thành, mà mỗi nước có một ngôn ngữ riêng”… “Kỷ niệm quý hiếm đó, tôi mang theo suốt đời, như có một sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp sức cho tôi trên suốt chặng đường dài...” - anh Ba viết.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ môn tiếng Nga, anh Ba được cử đi phiên dịch tiếng Nga ở Trung Quốc (tháng 5-1959). Xong nhiệm vụ trở về nước, tiếp tục học tập và lấy bằng kỹ sư trồng trọt, công tác ở nhiều đơn vị cơ quan, đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh cùng gia đình trở về TP.Biên Hòa, liên tục đảm nhận nhiều công tác quan trọng cho tới năm 2005, thì nghỉ hưu.

Tập hồi ký của anh Ba là một kho tư liệu quý về cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi của một chiến sĩ cách mạng - người con của quê hương Biên Hòa - Đồng Nai mà ngay từ tuổi thiếu niên đã đem trái tim đầy nhiệt huyết của lòng yêu nước làm “định hướng” dấn thân cho cuộc đời.

Gấp lại tập hồi ký, tôi suy nghĩ hoài về mấy câu anh Ba đúc kết trong bài phát biểu nhân ngày ông nhận quyết định nghỉ hưu: “Đừng suy nghĩ và làm điều gì thái quá; mọi việc giữ đúng mức đã khó, kiềm chế đừng để quá mức lại càng khó hơn”...

             Lê Hương Thơm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  626,365       1/1,211