Văn hóa

"Hành trình chữ nghĩa" của Đoàn Minh Tuấn

Ở tuổi 88, Đoàn Minh Tuấn là một trong những bậc lão thành hiếm hoi của làng văn, làng báo và phim ảnh. Cuốn sách Tài hoa để lại do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành năm 2019 phản ánh rõ nét "hành trình chữ nghĩa" phong phú của ông.

Bìa tác phẩm Tài hoa để lại
Bìa tác phẩm Tài hoa để lại

Ở tuổi 88, Đoàn Minh Tuấn là một trong những bậc lão thành hiếm hoi của làng văn, làng báo và phim ảnh. Cuốn sách Tài hoa để lại do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành năm 2019 phản ánh rõ nét “hành trình chữ nghĩa” phong phú của ông.

* Không đồ sộ nhưng có vị trí riêng

Trong bài viết Ngòi bút chiến sĩ, nhà văn Tô Hoài nhận xét rằng: “Đoàn Minh Tuấn là chiến sĩ cầm bút của lực lượng một lớp người, một thế hệ bước vào cách mạng. Sự nghiệp sáng tạo của Đoàn Minh Tuấn phát triển hòa nhịp từng bước của cách mạng và lịch sử đất nước”.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn sinh năm 1931 ở Quảng Ngãi. Năm 1975, đất nước thống nhất, Đoàn Minh Tuấn vào Nam sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Ông đảm nhiệm công tác phóng viên, biên tập viên báo chí, phát thanh truyền hình ở Đài Tiếng nói Việt Nam ở phía Nam, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và được cử làm Phó tổng biên tập Báo Văn hóa rồi tạp chí Toàn cảnh. Ngoài làm báo, viết văn, ông còn biên kịch, đạo diễn phim.

Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã xuất bản hơn 15 tác phẩm và được trao một số giải thưởng văn học, tiêu biểu như: Thầy giáo vùng cao (truyện - 1958), Em đội viên mắt sáng (truyện - 1959), Núi sông hùng vĩ (ký - 1972), Trăm năm một thuở (ký - 1995), Những vì sao (truyện - 1996), Bác Hồ - cây đại thọ (ký - 2001), 10 truyện ngắn (2002), Về lại Gò Công (truyện ngắn - 2016)…  Dù số lượng không đồ sộ nhưng tác phẩm của ông có vị trí riêng, thường xuyên được tái bản, có truyện ký được đưa vào sách giáo khoa, chẳng hạn như Núi sông hùng vĩ.

Cuốn sách Tài hoa để lại (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019) do Đoàn Hy Minh sưu tầm, biên soạn, giới thiệu đã tập hợp những tư liệu, hình ảnh, bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà báo Đoàn Minh Tuấn. Tác phẩm góp mặt của nhiều cây bút các thế hệ, từ các bậc gạo cội như: Tô Hoài, Hoàng Như Mai, Trần Trọng Đăng Đàn, Phan Quang, Nguyễn Gia Nùng, Phạm Tường Hạnh cho tới Hồ Sĩ Vịnh, Bế Kiến Quốc, Trần Nhật Thu, Phạm Đình Ân, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Phan Hoàng, Nguyễn Đình Chính, Trương Nam Hương… và những cây bút trẻ.

Tác phẩm của Đoàn Minh Tuấn chủ yếu viết cho thiếu nhi, với số trang sách khá mỏng, nên sách của ông được các bạn nhỏ tuổi thích thú tìm đọc. Một trong những tác phẩm như vậy là Bác Hồ - cây đại thọ tái bản rất nhiều lần, không chỉ các em thiếu nhi mà bạn đọc lớn tuổi nhiều thế hệ cũng đón nhận.

* Mê viết truyện lịch sử và có duyên với Nguyễn Tuân

Trong sách Tài hoa để lại, GS.Hoàng Như Mai có nhận xét: “Đoàn Minh Tuấn đã bắc một nhịp cầu từ quá khứ sang hiện tại, trình bày được mối liên quan mang tính quy luật giữa truyền thống với cách mạng và cho ta thấy được con đường tiến hóa chứa chan hy vọng của dân tộc ta”.

Một trong những nhịp cầu từ quá khứ bắc sang hiện tại của Đoàn Minh Tuấn ấy là sự khám phá, sáng tác truyện lịch sử của ông, tiêu biểu là các truyện trong tập Về lại Gò Công xuất bản năm 2016. Trong đó, truyện ngắn Ông tướng làng Tó viết về Ngô Thì Nhậm, một trong những nhân vật lịch sử kiệt xuất. Bên cạnh việc tái hiện, lý giải bi kịch oan khuất, nhà văn còn thể hiện được tài năng, tầm nhìn chiến lược, nỗi trăn trở trước vận nước của họ Ngô Thì Nhậm khi theo về đầu quân dưới trướng Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, cùng làm nên “Nước cờ Tam Điệp” lẫy lừng.

Truyện ngắn Về lại Gò Công viết về Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, cũng với những câu chuyện phổ biến về vị anh hùng, nhưng nhà văn Đoàn Minh Tuấn còn xây dựng hình tượng Nàng Ba - Lê Thị Lập thông minh mưu lược “phía sau màn trướng” như một cách lý giải cho sự thất bại của vị thủ lĩnh khởi nghĩa. Hình ảnh “Nàng Ba bất ngờ, đau thương đến tột độ, ôm xác Trương Định kêu gào thảm thiết: “Vì không nghe lời thiếp”…” mãi ám ảnh người đọc. Tiếng kêu oán trách đau đớn của Nàng Ba cũng là tiếng lòng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu khi nhớ về anh hùng Trương Định: “Dẫu biết dụng binh nhờ đất hiểm/ Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công”.

Ngoài truyện lịch sử thì nhà văn Đoàn Minh Tuấn thường được nhắc đến qua tác phẩm Với bác Nguyễn viết về nhà văn lớn Nguyễn Tuân, với những hồi ức, cảm xúc, góc nhìn và cách thể hiện riêng biệt. Nhà văn Tô Hoài đánh giá rằng những giai thoại mà Đoàn Minh Tuấn viết về nhà văn Nguyễn Tuân đã cho thấy một cách viết giai thoại vừa chân thực vừa tình cảm. Qua những kỷ niệm cụ thể nho nhỏ mà sâu sắc, bằng những sự việc và số liệu có giá trị khoa học, nhân văn, Đoàn Minh Tuấn đã cung cấp cho bạn đọc thấy được tính cách độc đáo của tác giả Vang bóng một thời.

Nguyễn Phan Huỳnh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  625,012       1/298