Xã hội

Nguy cơ mù lòa từ bệnh glôcôm

Bệnh glôcôm (hay còn được gọi là bệnh cườm nước) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa vĩnh viễn, chỉ đứng sau bệnh đục thủy tinh thể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, soi đáy mắt tầm soát bệnh glôcôm. Ảnh: A.Thư
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, soi đáy mắt tầm soát bệnh glôcôm. Ảnh: A.Thư

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh glôcôm làm tăng nhãn áp chèn thần kinh thị giác, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, thần kinh thị giác bị tổn thương ngày càng nặng, gây mất dần thị lực dẫn đến mù lòa.

* Những người có nguy cơ cao

Bệnh glôcôm xảy ra ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ em. Tuy nhiên, thông thường bệnh xảy ra nhiều ở người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người bị bệnh glôcôm, cao huyết áp, đái tháo đường, từng bị chấn thương hay phẫu thuật mắt… Đặc biệt, một số bệnh nhân lớn tuổi, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, ít được khám mắt định kỳ, khi mắt mờ, đau thì cho là do bệnh già nên không điều trị. Một số bệnh nhân tự sử dụng thuốc chống viêm thuộc nhóm steroid để tra mắt hoặc uống trong một thời gian dài cũng tăng nguy cơ mù lòa do bệnh glôcôm rất cao.

Khám mắt sớm khi có dấu hiệu bất thường

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khuyến cáo tốt nhất cần hiểu biết và phòng ngừa bệnh, hạn chế các yếu tố nguy cơ cao như: đái tháo đường, cao huyết áp, sử dụng thuốc chống viêm thuộc nhóm steroid kéo dài...  Đối với người trên 40 tuổi nếu mắt hay đau nhức, thị lực giảm cần đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được chẩn đoán, điều trị sớm, hạn chế những biến chứng nguy hiểm dẫn đến mù lòa.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh glôcôm là đau nhức mắt dữ dội, nhức đầu cùng bên với mắt đau, mờ thị lực nhanh, chóng mặt, buồn ói, chảy nước mắt… Khi đi khám mắt, bác sĩ sẽ thấy giác mạc phù, đồng tử giãn, kết mạc ngưng tụ, giảm thị lực, chỉ số đo nhãn áp cao. Đây là thời điểm bệnh rơi vào giai đoạn cấp, phải được điều trị để đưa nhãn áp về bình thường giúp thị lực cải thiện dần.

Tuy nhiên, bác sĩ Hoa cảnh báo đến khi mắt bị đau nhức dữ dội là bệnh đã vào giai đoạn nặng, điều trị khó khăn, phức tạp, có khi phải điều trị suốt đời. Bệnh glôcôm diễn tiến rất âm thầm, có người thị lực mờ dần nhưng cũng có người thị lực tốt 10/10 vẫn bị bệnh glôcôm. Đa phần bệnh nhân được phát hiện bệnh một cách tình cờ khi đi khám mắt ở các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Để xác định được bệnh này, bệnh nhân phải được đo thị lực, đo nhãn áp, soi đáy mắt mới chẩn đoán chính xác bệnh.

* Nguy cơ mù lòa

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hoa, bệnh glôcôm không thể chữa khỏi, những vùng thần kinh thị giác bị tổn thương sẽ không hồi phục được, chỉ điều trị các triệu chứng để bệnh chậm tiến triển. Do đó, điều trị nội khoa rất quan trọng. Người bệnh sẽ được điều trị ngay sau khi chẩn đoán bệnh bằng tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp. Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa.

Bệnh nhân phải tái khám định kỳ, tuân thủ nghiêm chỉnh phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa mắt nhằm kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại thần kinh thị giác. Có những trường hợp sau khi điều trị nội khoa thấy mắt không còn nhức đã tự ý ngưng điều trị khiến cơn bệnh cấp tái đi tái lại, thị lực ngày càng xấu đi. Việc điều trị càng khó khăn, hiệu quả không cao.

Đối với bệnh glôcôm, bác sĩ rất cân nhắc khi phẫu thuật. Trong trường hợp bệnh nhân điều trị nội khoa không đáp ứng, điều trị laser không hiệu quả, mắt vẫn đau nhức, thị lực ngày càng mờ đi. Vì bệnh glôcôm không thể chữa khỏi, phẫu thuật bệnh glôcôm là phẫu thuật vào nội nhãn đối diện với nhiều biến chứng như: đục thủy tinh thể, cườm khô, mắt mờ lại phải mổ tiếp…

 Anh Thư (ghi)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,147,220       1/930