Xã hội

Để môi trường giáo dục tốt hơn

Tại nhiều địa phương trong nước liên tục xảy ra những vụ việc: thầy giáo bị đấm gãy mũi, giáo sinh thực tập bị đánh suýt sảy thai, cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ, mới nhất là việc giáo viên buộc học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng…

Tại nhiều địa phương trong nước liên tục xảy ra những vụ việc: thầy giáo bị đấm gãy mũi, giáo sinh thực tập bị đánh suýt sảy thai, cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ, mới nhất là việc giáo viên buộc học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng… Cách hành xử trên khiến dư luận lo ngại về tình trạng xấu đi trong mối quan hệ thầy - trò và phụ huynh.

Giáo viên Trường mầm non Hướng Dương cho các cháu ăn xế.
Giáo viên Trường mầm non Hướng Dương cho các cháu ăn xế.

Những vụ việc trên không xảy ra tại Đồng Nai, nhưng dư luận trong tỉnh cũng rất quan tâm.

* Xử phạt: Nghiêm khắc nhưng nhân ái

Ông Nguyễn Đức Nam (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng học sinh thời nay không “thuần” như ngày xưa nên giáo viên đứng lớp phải gương mẫu trong từng lời nói, hành động. Ngay cả khi học sinh mắc lỗi, xử phạt là cần thiết nhưng cũng nên cân nhắc sử dụng hình thức phạt nào để răn đe mà không làm tổn thương học sinh.

Một giáo viên dạy lớp 9 tại một trường THCS ở TP.Biên Hòa tâm sự gần 30 năm dạy học, cô đã đối mặt với nhiều vụ việc mà nếu không giữ được bình tĩnh thì cả cô và trò đều tổn thương. Cô kể, trước đây lớp cô có 1 học sinh thường không thuộc bài, không làm bài, hay quậy phá… Bị giáo viên nhắc nhở, có lần em này đến lớp sớm, lén đổ sơn lên ghế giáo viên. Hôm đó cô sơ ý ngồi xuống và “lãnh đủ”. Giận run người, nhưng cô vẫn đứng lớp dạy hết tiết trong bộ áo dài bê bết sơn. Qua nhiều lần trò chuyện, cô biết hoàn cảnh học sinh này khá phức tạp và điều đó khiến em thường xuyên nổi loạn. Bằng những lời tâm sự, chia sẻ và phân tích phải trái của cô, em thừa nhận hành động của mình, hứa học hành nghiêm túc và em đã làm được điều đó. Cô giáo này cho biết: “Phạt cho “đã tức” thì dễ, nhưng để học sinh nhận ra lỗi của mình và khắc phục, điều đó cần một tấm lòng”.

Một trường hợp khác, khi phát hiện học sinh tự sửa bảng điểm, đây là lỗi vi phạm nặng, cô giáo trên đã báo ban giám hiệu tổ chức cuộc họp mời phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh. Qua trao đổi, các bên thống nhất chỉ hạ em đó một bậc hạnh kiểm, nhưng không công bố. Theo giáo viên này, phạt mà không công bố thì không thể răn đe được những trường hợp khác, nhưng trong trường hợp trên không thể làm khác hơn vì lo ngại học sinh có thể xấu hổ mà phản ứng tiêu cực…

* Đối thoại: Cầu nối hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng giáo viên bị bạo hành, ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay: “Tôi rất bức xúc và suy nghĩ nhiều về việc này. Lâu nay, nghề giáo là nghề được xã hội tôn trọng và đội ngũ giáo viên đứng lớp cũng nỗ lực làm tốt trách nhiệm “vừa dạy chữ, vừa dạy người”.

Thực tế, trong ngành vẫn còn một bộ phận giáo viên có lời nói, hành động, tác phong chưa chuẩn mực, cần hoàn thiện; nhưng cũng không thể chấp nhận một số phụ huynh tự cho mình cái quyền bất chấp tất cả, sẵn sàng đòi công bằng dù con mình chưa hẳn là một học sinh ngoan. Làm cha mẹ, ai cũng xót khi con bị xử phạt, nhưng phải ứng xử thế nào để còn làm gương cho con. Tôi tin, học sinh cũng chẳng thấy vẻ vang gì khi được cha mẹ bảo vệ theo cách đó”.

Cũng theo ông Trình, để ngăn ngừa những vụ việc không hay xảy ra, ngay từ đầu năm, sở yêu cầu hiệu trưởng các trường cần phải giám sát chặt hoạt động của trường. Khi có sự việc không hay xảy ra, hiệu trưởng phải có mặt và hết sức bình tĩnh để giải quyết trên cơ sở tôn trọng các bên. Nếu tính chất sự việc nghiêm trọng phải báo cáo với phòng, với sở và cơ quan chức năng. Đồng thời, yêu cầu mỗi giáo viên có thái độ nghiêm túc nhưng nhân ái với học sinh, biết kiềm chế trong mọi tình huống. “Tôi cho rằng biện pháp cùng các bên đối thoại là “cầu nối”, là cách giải quyết hiệu quả nhất” - ông Trình nói.

Với hơn 25 năm trong nghề, bà Trịnh Phương Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa), cho hay kinh nghiệm của nhà trường là luôn coi trọng công tác đối thoại. Định kỳ 2 tháng/lần, Ban giám hiệu tổ chức đối thoại với ban cán sự các lớp để nghe trình bày những khúc mắc, kiến nghị. Đồng thời duy trì các kênh: hộp thư góp ý, thư điện tử và mạng xã hội của trường để tiếp nhận thông tin phản ánh, bày tỏ… Qua đó nhà trường kịp thời nắm được vấn đề và giải quyết, tránh tình trạng để học sinh bức xúc, gây ra những phản ứng tiêu cực.

Cô Bùi Thị Mai Huê, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc  (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất):
Gia đình, nhà trường cùng hợp tác thì việc giáo dục mới hiệu quả

Nếu giáo viên không nghiêm thì học sinh không ngoan. Đối với học sinh cá biệt, người dạy cần áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp, nếu gặp khó khăn thì có thể trao đổi với phụ huynh, ban giám hiệu để tìm hướng giải quyết. Những sự việc đáng tiếc nêu trên sẽ không thể xảy ra nếu ban giám hiệu nghiêm túc trong việc giữ trật tự an toàn môi trường giáo dục, làm đúng nội quy tiếp dân. Khi giao tiếp với phụ huynh phải khéo léo, đối thoại trên nguyên tắc công bằng, minh bạch. Người đứng đầu nhà trường phải cầu thị, khiêm tốn và chịu trách nhiệm nếu giáo viên có hành vi chưa đúng với học sinh, phụ huynh. Việc giải quyết thấu tình đạt lý để 2 bên cùng hướng đến mục đích cuối cùng là tìm giải pháp để giáo dục học sinh đạt hiệu quả tốt hơn.      

Cô Đinh Anh Ngọc, giáo viên Trường THCS Hòa Hưng (xã An Hòa, TP.BiênHòa): Các bên đều thiếu kỹ năng ứng xử

Từ các vụ việc trên, tôi thấy cả giáo viên và phụ huynh đều có cách hành xử chưa phù hợp. Vấn đề ở đây chính là kỹ năng ứng xử giải quyết tình huống của các bên chưa tốt. Nếu phụ huynh bình tĩnh làm việc với nhà trường để tìm ra hướng giải quyết trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và có văn hóa thì sự việc đáng tiếc đã không xảy ra. Việc hành xử thô bạo, xúc phạm thân thể, danh dự của thầy cô, học sinh là điều không nên. Đối với giáo viên, khi học sinh mắc lỗi việc cần làm chính là giúp cho các em nhận thức được cái sai, hướng các em cách khắc phục để hoàn thiện bản thân. Điều này đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, áp dụng phương pháp giáo dục đúng đắn. Khi cả 2 phía xử sự cảm tính, sử dụng bạo lực thì ắt hẳn hành vi bạo lực sẽ “đẻ” ra bạo lực. Khi đó nhiều sự việc đau lòng như báo chí đã nêu sẽ còn tiếp diễn.

Bà Ngô Thị Mùi (ngụ KP.4, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa): Không thể chấp nhận bạo lực trong nhà trường

Vấn đề này hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng việc đánh, phạt quỳ học sinh là hành vi không đúng chuẩn sư phạm. Cũng có không ít ý kiến đồng tình với lý do ngày xưa mình đi học bị giáo viên bắt quỳ, đánh bằng roi là hết sức bình thường. Theo tôi, khi ủng hộ việc giáo viên có quyền đánh học trò, ở mức độ nào đó chính là còn thể hiện tư tưởng phó thác việc dạy con cho nhà trường. Đến khi thành quả học tập của con không như mong đợi, lại quay sang phàn nàn giáo viên, đổ hết trách nhiệm cho nhà trường mà không nhận ra vai trò gia đình cực kỳ quan trọng góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh. Việc sử dụng bạo lực là không thể chấp nhận được, nhất là trong môi trường sư phạm, nơi phát huy bản tính tốt đẹp, sự hướng thiện của con người bằng con đường giáo dục. 

Kim Liễu

Phương Liễu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,147,136       1/924